Hiện nay, thanh niên tại nhiều quốc gia Châu Á có xu hướng lựa chọn cuộc sống độc thân, không màng đến chuyện hôn nhân, sinh con do gặp khó khăn về tài chính, muốn theo đuổi sự nghiệp hay khao khát sự tự do.
Theo đó, ưu tiên phát triển bản thân, chú trọng sự nghiệp, sợ thiếu tự do và trách nhiệm trong hôn nhân, lo lắng về việc nuôi dạy con cái, cũng như ảnh hưởng từ các câu chuyện đổ vỡ… là những nguyên nhân chính khiến giới trẻ ngày càng không “mặn mà” với chuyện kết hôn.
Ở Việt Nam, hôn nhân là chủ đề không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ. Trong khi đó, hôn nhân là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp tới mức sinh và di cư, qua đó ảnh hưởng tới sự thay đổi của dân số.
"Khuyến khích kết hôn trước 30 tuổi", "Chính sách hỗ trợ cho gia đình sinh đủ 2 con" là những chủ đề được dư luận, đặc biệt là các bạn trẻ, nhắc đến trong những thời gian vừa qua.
Vào tháng 4 năm 2020, Tổng cục Thống kê Việt Nam đã cho ra mắt cuốn sách “Kết quả chủ yếu Điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình”. Tại đây, những số liệu về độ tuổi kết hôn trung bình đã được thống kê đầy đủ và chi tiết.
Trong Điều tra biến động dân số 2020, thông tin về tình trạng hôn nhân được thu thập cho tất cả những người từ 15 tuổi trở lên.
Tuổi kết hôn trung bình lần đầu (SMAM) thường được tính riêng cho từng giới. Trong báo cáo này, số liệu SMAM được ước lượng gián tiếp thông qua tỷ trọng dân số từ 15 tuổi trở lên "chưa từng kết hôn" của các nhóm tuổi từ 15-19 đến nhóm tuổi 50-54.
Nhìn vào bảng thống kê có thể thấy tuổi kết hôn trung bình đã tăng lên theo từng năm. Tuổi kết hôn trung bình lần đầu có xu hướng tăng lên cho cả nam và nữ trong giai đoạn 1989-2020. Tuy nhiên, mức tăng của nam là cao hơn nữ và điều này đã kéo rộng thêm khác biệt giới.
Năm 2020, chênh lệch tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam và nữ là 4,5 năm. Sau 21 năm kể từ 1999, tuổi kết hôn trung bình lần đầu của nam đã tăng thêm 2,5 năm trong khi của nữ chỉ tăng 0,6 năm. Điều này chứng tỏ nam giới ngày càng có xu hướng kết hôn muộn hơn so với nữ giới.
Đa số những người trẻ hiện nay sợ kết hôn vì sợ mất tự do và trách nhiệm, lo lắng về việc nuôi dạy con cái...
Bên cạnh đó, một số bộ phận có quan niệm muốn dành thời gian để phát triển sự nghiệp. Một số cho biết họ không hứng thú với chuyện yêu đương, hẹn hò hay phải dành thời gian cho một người xa lạ. Thay vào đó, những người trẻ này muốn được sống tự do, thoải mái tận hưởng cuộc sống, có nhiều thời gian hơn để phát triển sự nghiệp và chăm sóc cho bản thân. Hầu hết tất cả đều cảm thấy rất ổn khi chỉ sống một mình.
Kết quả Điều tra biến động dân số 2020 cho thấy vẫn còn hiện tượng kết hôn ở tuổi vị thành niên. Số liệu về hiện tượng kết hôn sớm đã giảm dần theo thời gian.
Biểu đồ trên phản ánh những tỉnh/thành phố có tuổi kết hôn trung bình của nam và nữ lớn nhất. Số liệu được lấy tại Phụ lục 5 trong Điều tra biến động dân số 2020. Theo kết quả điều tra, tỉnh có tuổi kết hôn trung bình chung cao nhất là thành phố Hồ Chí Minh (28,0 năm).
Tại các thành phố lớn như đặc biệt là thành phố Hồ Chí Minh, mức chi tiêu cao đã khiến nhiều bạn trẻ e dè việc kết hôn sớm.
Ở góc độ chính sách, việc người trẻ kết hôn là yếu tố để duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030. Tuy nhiên ở góc độ thực tiễn, mỗi người lại có quan điểm khác nhau đối với việc cưới hỏi và sinh con, người thì mong mỏi kết hôn sớm, người lại vẫn hài lòng với cuộc sống độc thân.
https://cafef.vn/xu-huong-ket-hon-tai-viet-nam-bien-dong-sau-3-thap-ky-do-tuoi-trung-binh-tang-ro-ret-dac-biet-co-mot-noi-nam-gioi-gan-30-moi-lap-gia-dinh-20220628111443801.chntheo Thanh Huyền
Tri thức trẻ