Không phải ai sinh ra trên cuộc đời cũng có cuộc sống sung túc, đủ đầy, được cắp sách đến trường. Có nhiều em rơi vào hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống thiếu trước hụt sau. Tuy sống trong nghèo khó nhưng các em vẫn nỗ lực vươn lên, không chịu đầu hàng trước số phận.
Câu chuyện của Nguyễn Thị Thường, SN 2002, sống tại Hà Nội là một trường hợp xúc động như vậy. Em tên Thường nhưng em chẳng "thường" chút nào. Nếu như nhìn vào hành trình học tập của em, nhiều người sẽ phải sửng sốt, thậm chí có chút xấu hổ vì đôi lúc bản thân có ý định bỏ cuộc giữa chừng. Dù sống trong sự túng thiếu đến cùng cực nhưng em vẫn như đoá hướng dương vươn lên tìm ánh sáng giữa cuộc đời.
Hiện Thường đang là sinh viên năm hai trường Đại học Fullbright (TP. HCM). Thường nhận được học bổng toàn phần trị giá 2,2 tỷ đồng/4 năm học. Ngoài ra, em còn được nhà trường hỗ trợ chi phí sinh hoạt là 3 triệu đồng/tháng.
Chân dung nữ sinh Nguyễn Thị Thường.
ÁM ẢNH TUỔI THƠ CƠ CỰC, QUYẾT TÂM HỌC TẬP ĐỂ GIÚP ĐỠ GIA ĐÌNH
Thường sinh ra và lớn lên ở một huyện ngoại thành Hà Nội. Em sống với người mẹ không được khoẻ mạnh và bác gái đã có tuổi. Gia đình em thuộc hộ khó khăn đặc biệt của xã nên hàng tháng được nhận tiền trợ cấp. Để trang trải sinh hoạt và có tiền nuôi Thường ăn học, bác em đã làm đủ mọi công việc. Đến nay không còn khả năng lao động, gia đình em đang gánh một khoản nợ tương đối lớn.
Biết hoàn cảnh gia đình khó khăn, ngay từ khi còn nhỏ, Thường đã quyết tâm học tập thật tốt để mai này mang đến một cuộc sống đủ đầy cho những người thân yêu. "Mẹ và bác đã sống một cuộc đời lam lũ. Họ quá khổ, họ hy sinh cho em rất nhiều. Không còn cách nào khác, em phải vươn lên", Thường nghẹn ngào chia sẻ.
Thành tích học tập của em luôn đứng top đầu của trường. Thường từng đạt giải Nhì kỳ thi HSG môn Ngữ Văn TP. Hà Nội năm lớp 9; giải Olympic môn Toán và Ngữ Văn từ lớp 6 – 9; giải Nhất môn Ngữ Văn cấp trường trong cả 3 năm THPT; giải Nhì cụm Thạch Thất – Quốc Oai môn Ngữ Văn; giải Khuyến khích môn Ngữ Văn TP. Hà Nội năm lớp 12; chứng nhận "Người tốt, việc tốt" của TP. Hà Nội năm lớp 10; giấy chứng nhận Học sinh giỏi xuất sắc của TP. Hà Nội; giải Nhì cuộc thi Tranh biện cấp trường,…
Hồi còn nhỏ, Thường chỉ nghĩ sẽ theo học Đại học Sư Phạm để trở thành một giáo viên dạy Văn ở trường làng. Đến khi được một tổ chức thiện nguyện giúp đỡ, em đã thay đổi suy nghĩ. Lắng nghe các cô chú trong BTC, em bỗng khát khao muốn thay đổi bản thân. Thường muốn được gặp gỡ nhiều người tài giỏi, muốn được học ở một ngôi trường hiện đại, tư do. Em muốn được sống với con người thật của mình, không bị ràng buộc bởi định kiến, suy nghĩ hạn hẹp. Em muốn khai phá bản thân, trải nghiệm và sẵn sàng chịu thất bại.
Dù không có điều kiện học tập tốt, em vẫn vươn lên để đạt được nhiều thành tích xuất sắc.
Qua nhiều nguồn thông tin như trong sách báo, Internet, Thường biết tới Đại học Fullbright. Em cảm thấy đây sẽ là một môi trường học tập phù hợp với bản thân. Tuy nhiên vào thời điểm đó, nơi em sinh sống rất ít người biết đến ngôi trường này. Vì vậy, em gặp nhiều khó khăn trong việc làm hồ sơ. Fullbright cũng là ngôi trường được gắn mác dành cho con nhà giàu nên em đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều bởi hoàn cảnh gia đình không mấy dư dả.
Nhưng Thường vẫn quyết tâm theo đuổi đam mê tới cùng. Em chăm chỉ rèn luyện để xây dựng hồ sơ học thuật, tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa. Đặc biệt, biết trường chú trọng phần viết luận nên em cố gắng rèn cách viết bài cho hay.
Thường chia sẻ: "Đầu tiên, em tập viết cảm nhận về cuốn sách yêu thích, câu nói tâm đắc. Em tham khảo nhiều bài luận hay để đón nhận tư duy mới, cách viết độc lạ. Sau đó, em nhờ thành viên trong CLB thiện nguyện giúp đánh giá. Viết bài luận rất khác so với viết văn thông thường. Lúc đầu, em rèn viết bằng Tiếng Việt, sau đó chuyển sang Tiếng Anh.
Để nâng cao vốn từ, khả năng sáng tạo và kỹ năng viết, em đã dành nhiều thời gian để đọc sách. Trong 3 năm THPT, em đọc khoảng 100 cuốn sách trong ở thư viện. Em dành thời gian suy luận và phản biện những điều trong sách. Bên cạnh đó, em cũng tự rèn kỹ năng trả lời phỏng vấn, kỹ năng thuyết trình".
Đến cuối năm lớp 12, Thường nhận ra tầm quan trọng của việc học giao tiếp Tiếng Anh và bắt đầu quyết tâm học tập. Do gia đình không có điều kiện nên em không có thiết bị học tập hiện đại như các bạn khác. May mắn khi sau đó, em đạt suất học Tiếng Anh tại 1 trung tâm có tiếng. Phương pháp học tập của em là đọc nhiều câu chuyện Tiếng Anh dành cho trẻ em để học lối diễn đạt căn bản nhất. Em thường dùng máy tính nhà trường để tìm kiếm tài liệu, đọc báo, nghe postcard, xem youtube.
"Thời gian đầu, thứ em cần tìm là cảm hứng học Tiếng Anh, không bị sợ ngôn ngữ này nữa. Mục tiêu lúc đó chưa phải giỏi ngay được. Em nghĩ bản thân cần có thời gian để rèn luyện. Hơn nữa, điều kiện của em cũng hạn chế. Với em, việc đặt mục tiêu sát với năng lực của mình rất quan trọng", nữ sinh Hà Nội cho biết.
Để nộp hồ sơ xin học bổng, Thường cũng như bao học sinh khác cần chuẩn bị: Thành tích học thuật, hoạt động ngoại khóa, bài luận/sản phẩm cá nhân. Thường quyết định quay video quy trình gói bánh chưng. Đây là công việc mà bác ruột em vẫn thường làm vào dịp giáp Tết. Em đã quay lại những góc nhà thân thuộc và cảnh người bác tảo tần đang gói bánh. Bài luận độc đáo chính là điểm sáng trong hồ sơ xin học bổng của nữ sinh.
Thường có bài viết luận độc đáo về quy trình gói bánh chưng.
Thường nghẹn ngào tâm sự: "Em có cơm ăn áo mặc từ việc công việc này. Bánh chưng - một thứ bánh thân thương giúp em chiêm nghiệm ra nhiều điều trong cuộc sống. Đó là lòng biết ơn trước sự hy sinh của người thân. Sau này, dù được đi nhiều nơi, thưởng thức nhiều loại bánh nhưng mỗi khi thấy bất kỳ trên đường phố một người bán hàng rong hay bán thứ bánh nào đó, em sẽ nghĩ đến bác của mình.
Bác ruột giống như một ngọn đuốc ấm áp, soi đường chỉ lối cho em, là động lực để em vươn lên từng ngày. Và người bán hàng rong ngoài đời cũng vậy, cũng là niềm hy vọng, là lẽ sống của người nào đó để họ tiến bước về tương lai".
CẢM THẤY BẢN THÂN "MÙ CHỮ" KHI LÊN ĐẠI HỌC, MAY MẮN GẶP ĐƯỢC NHỮNG NGƯỜI BẠN TUYỆT VỜI
Khi nhận được thông báo trúng tuyển Đại học Fullbright với mức học bổng toàn phần lên đến 2,2 tỷ đồng, Thường cùng gia đình rất hạnh phúc. Em cảm thấy bản thân may mắn khi có được môi trường học tập tốt như vậy.
"Có thể em sẽ học ở một trường nào đó ở Hà Nội nhưng không có học bổng, không nhận được trợ cấp, phải đi làm thêm vất vả để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Còn giờ tuy sống xa nhà nhưng em có điều kiện học tập tốt, mỗi tháng còn dành được chút tiền ít ỏi gửi về cho gia đình", Thường tâm sự.
Cuộc sống Đại học của Thường gặp không ít khó khăn. Khó khăn lớn nhất của em là Tiếng Anh hạn chế. Vào năm nhất Đại học, Thường rất sợ Tiếng Anh, em cảm thấy bản thân như "mù chữ". Em hoang mang, lo lắng khi mọi người xung quanh đều giao tiếp bằng ngôn ngữ Anh.
Nữ sinh Hà Nội cho biết: "Các môn học cũng toàn bằng Tiếng Anh, trao đổi mail cũng bằng Tiếng Anh, poster trong trường cũng viết bằng Tiếng Anh nốt. Mọi người xung quanh trò chuyện với nhau, sử dụng các từ lóng khiến em cảm thấy mình lạc lõng, cô đơn. 3 tháng đầu của năm nhất, em đã rất chật vật trong học tập.
Nhưng may mắn trường có đội ngũ hỗ trợ sinh viên. Em đã trao đổi nghiêm túc với họ về khả năng Ngoại ngữ của mình. Và họ sẵn sàng giúp đỡ để em không cảm thấy lạc lõng nữa. Chẳng hạn như trước khi lên lớp, em sẽ chuẩn bị bài trước ở nhà rồi gặp đội cố vấn để họ kiểm tra lại kiến thức cũng như kỹ năng. Điều này giúp em cải thiện rõ rệt được khả năng Tiếng Anh.
Thường từng rất sợ Tiếng Anh nhưng em luôn cố gắng khắc phục, quyết không bỏ cuộc.
Đội ngũ hỗ trợ sinh viên bao gồm giáo viên và các bạn sinh viên. Họ rất nhiệt tình, luôn kiên nhẫn, dành nhiều thời gian giảng bài cho Thường. Có những tuần không sắp xếp được lịch học, họ chủ động gửi mail để hỏi về lịch ôn luyện. Từ những việc rất nhỏ như vậy đã giúp Thường không còn cảm thấy mặc cảm.
Thường hào hứng chia sẻ: "Giữa môi trường quốc tế mà ai cũng được giả định rằng rất giỏi Tiếng Anh thì vẫn tồn tại một vài sinh viên chật vật như em. Em bị kéo lên với tiêu chuẩn đó nên rất áp lực, nhưng thật may mắn khi có một đội ngũ tốt bụng hỗ trợ 24/7. Có 1 lớp Tiếng Anh mini giữa Fullbright đã làm nên những điều không tưởng. Trường em đã rất cởi mở, chấp nhận những xuất thân khác nhau, năng lực khác nhau. Em cảm thấy mình được phát triển trên con đường của riêng mình, chứ không phải bị so sánh với bất cứ ai".
Giờ đây, Thường đỡ sợ Tiếng Anh hơn. Em không còn quá tự ti nữa. Em cũng đặt ra mục tiêu cho bản thân là đạt chứng chỉ IELTS 7.5 vào cuối năm thứ ba Đại học. Chuyên ngành mà Thường theo học Khoa học xã hội và Tâm lý học. Em muốn học thật tốt để có thể giúp đỡ các bạn học sinh có hoàn cảnh khó khăn bằng việc đưa ra định hướng cho tương lai. "Ý tưởng xuất phát từ gia đình em. Điều kiện kinh tế gia đình không tốt và em cũng không được gia đình đưa ra định hướng phát triển. Nếu không có thầy cô trong tổ chức thiện nguyện định hướng sẽ không có em của ngày hôm nay.
Việc giúp người khác khai phá tiềm năng của họ là một việc làm ý nghĩa. Thậm chí có thể làm thay đổi cuộc đời mỗi người. Em mong được đóng góp một phần công sức của mình để giúp đỡ người khác. Hiện tại em trở thành tình nguyện viên của tổ chức trước đây đã giúp đỡ em rất nhiều", Thường cho biết.
Một số phương pháp học tập hiệu quả của Thường:
- Đặt mục tiêu phù hợp với năng lực và thường xuyên kiểm tra lại mục tiêu: Chẳng hạn như khi Thường đi thi HSG môn Ngữ văn. Trong quá trình ôn luyện, em sẽ đặt ra các mục tiêu ngắn hạn, dài hạn và thường xuyên kiểm tra năng lực xem mình đang ở ngưỡng nào để có phương pháp học tập phù hợp.
- Học từ bạn bè và thầy cô: Điều này thể hiện rõ khi Thường vào Đại học Fullbright. Mọi người rất yêu thích việc học và luôn giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Giảng viên cũng sẵn sàng hỗ trợ sinh viên. Điều này giúp Thường được truyền cảm hứng học tập.
- Chấp nhận những thiếu sót và bù đắp: Sau mỗi kỳ học, Thường sẽ gặp đội hỗ trợ sinh viên để đánh giá lại thế mạnh, hạn chế của bản thân và tìm ra xu hướng học tập. Ví dụ như năm nhất Thường hơi bị động do không học tốt Tiếng Anh. Điều này khiến em tự ti, rụt rè. Cách khắc phục là chăm chỉ học Tiếng Anh hơn và mạnh dạn trò chuyện với bạn bè, thầy cô để cải thiện khả năng giao tiếp.
- Duy trì thói quen đọc sách và ghi chép những điều hay ra một cuốn sổ: Ngoài ra, Thường còn thường xuyên nghe podcast để có những góc nhìn mới mẻ về cuộc sống và học cách suy nghĩ tích cực.
https://afamily.vn/nu-sinh-ngheo-dat-hoc-bong-22-ty-tai-dh-fullbright-lop-12-moi-dung-dien-thoai-ten-la-thuong-nhung-lam-duoc-dieu-phi-thuong-2022062708370928.chnTheo Ứng Hà Chi
Phụ nữ Việt Nam