Trong khuôn khổ tọa đàm "Đầu tư tài chính 2022: Cơ hội trong biến động thị trường chứng khoán" diễn ra chiều ngày 29/6, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đã có những nhận định về việc FED tăng lãnh suất ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế thế giới và Việt Nam nói riêng.
Ảnh hưởng của việc FED tăng lãi suất
Ông Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra, lý do khiến FED nâng lãi suất 75 điểm cơ bản, mức tăng mạnh nhất trong 28 năm chủ yếu là để kiềm chế lạm phát. "Tỉ lệ lạm phát cuối tháng 5 của Mỹ đã tăng lên đến 8,6% so với cùng kỳ năm ngoái, mức cao nhất trong vòng 40 năm nay. Tỉ lệ lạm phát tại Mỹ được dự báo sẽ tiếp tục cho đến cuối năm”, ông nói.
Lạm phát tăng là điều người dân Mỹ hiện đang lo lắng nhất. Ông Nguyễn Trí Hiếu lấy ví dụ, tại gia đình ông, trước đây một năm, khi đi chợ cuối tuần để mua thực phẩm, trung bình sẽ trả 100 USD là đủ thức ăn cho một tuần, thì bây giờ phải trả hơn 150 USD.
"Cứ thế này thì rổ thực phẩm đủ cho một tuần sẽ phải trả 170 USD vào cuối năm nay. Đấy là chưa kể đến đổ xăng mỗi tuần để di chuyển", ông nói. Giá xăng theo ông cũng đã tăng chóng mặt, từ khoảng 4 USD/gallon (khoảng 4 lít xăng) cách đây một năm, nay lên đến 6,5 USD. Tính ra tiền đồng, giá một lít xăng ở bang California hiện khoảng 37.000 đồng, vẫn cao hơn giá xăng ở Việt Nam.
"Lãi suất tăng sẽ làm suy yếu vay tiêu dùng, ảnh hưởng đến thị trường nhà ở, thị trường xe ô tô, thị trường chứng khoán", ông nói.
Tại tọa đàm, ông Quách Mạnh Hào từ Trường Đại học Lincoln - Vương Quốc Anh cũng tham dự qua hình thức trực tuyến. Ông cho biết giá dầu chạy xe ở Anh trước đây dưới 1 bảng Anh/lít, nay đã hơn 2 bảng Anh/lít. "Chính vì vậy lãi suất phải được nâng lên. Các nền kinh tế mạnh như Anh, Mỹ sẽ tăng lãi suất trong năm 2022 và 2023", ông Hảo nói.
Cùng với đó, ông Quách Mạnh Hào cho rằng với triển vọng kinh tế thế giới, niềm tin người tiêu dùng đã sụt giảm, thể hiện qua việc chỉ số chứng khoán thị trường Mỹ đã giảm mạnh gần đây. "Ngân hàng thế giới phải đưa ra lo ngại về lạm phát, tương đối giống khủng hoảng năng lượng", ông nói.
Thách thức của chính sách thắt chặt tiền tệ
Ông Nguyễn Trí Hiếu chỉ ra, Ngân hàng Nhà nước đang chịu nhiều áp lực, đó là kiểm soát lạm phát nhưng không áp dụng chính sách thắt chặt tiền tệ để tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế đang trong giai đoạn phục hồi.
Theo ông, Ngân hàng Nhà nước đang cố gắng duy trì lạm phát mục tiêu dưới 4%. Tỉ lệ lạm phát dự báo cho quý II/2022 là 3,1%. "Ngân hàng Nhà nước không còn nhiều dư địa để duy trì tỉ lệ lạm phát dưới 4% cho cả năm trong khi giá dầu, giá sinh hoạt tăng hằng ngày. Bên cạnh đó giá hàng hóa trên thế giới tăng mạnh, với đà tăng nhập khẩu của Việt Nam, lạm phát nhập khẩu là điều đương nhiên. Việc duy trì lạm phát mục tiêu dưới 4% là một thách thức rất lớn", ông nhận định.
Thêm vào đó, vấn đề tỷ giá cũng đang được cân nhắc kỹ lưỡng. Tỷ giá USD/VND chính thức đã tăng khoảng 1,6% từ đầu năm. Đặc biệt tỷ giá tăng mạnh trong tháng 6 là tháng FED tăng lãi suất và đẩy giá trị của đồng bảng xanh lên. Tỷ giá của tiền đồng tăng có lợi cho xuất khẩu mà xuất khẩu là một trong những cột trụ quan trọng nhất của nền kinh tế. Thế nhưng, tỷ giá tăng sẽ làm tăng giá nhập khẩu và cũng làm gia tăng nhập khẩu lạm phát từ các nước xuất khẩu hàng sang Việt Nam.
"Một đề xuất của tôi cho chính sách tiền tệ là hãy để mặt bằng lãi suất cho vay tăng khoảng 1-1,5% từ nay đến cuối năm để kiểm soát lạm phát, nhưng đồng thời khẩn trương giúp Chính phủ thực hiện các gói hỗ trợ kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 40.000 tỷ đồng", ông nói.
"NHNN nên công bố bảng cân đối kế toán"
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, tại nhiều quốc gia tiên tiến, các Ngân hàng Trung ương thường công bố bảng cân đối kế toán để các thành phần kinh tế có thể nhận dạng chính sách tiền tệ đang được thực hiện theo hướng mở rộng hay thắt chặt.
"Một trường hợp điển hình là FED công bố bảng cân đối kế toán hằng năm và được kiểm toán độc lập bởi Công ty KPMG. Mỗi tuần Fed cũng công bố bảng cân đối kế toán trên Website của FED cùng với nhiều chú thích và diễn giải", ông nói.
Cụ thể, ông Hiếu chỉ ra, trên bảng cân đối của FED, tài sản chủ yếu là trái phiếu Chính phủ và chứng khoán bảo đảm bằng thế chấp, chiếm tỉ trọng khoảng 98% tổng tài sản có của FED. Vế bên kia của bảng cân đối kế toán là tài sản nợ của FED, gồm lượng tiền mặt đang lưu hành, chiếm khoảng 25% tổng nguồn vốn, tài khoản nợ trên thị trường mở chiếm 25%, tiền gửi từ các định chế tài chính và Bộ Ngân khố Mỹ chiếm khoảng 40% và vốn chủ sở hữu chỉ chiếm khoảng 0,5% tổng nguồn vốn.
Ông nhận định, sự mở rộng hay thu hẹp bảng cân đối kế toán qua việc mua bán trái phiếu thể hiện chính sách nới lỏng hay thắt chặt chính sách tiền tệ của FED. Theo ông, nhờ bảng cân đối, mọi người cũng sẽ nhìn thấy khối lượng tiền mặt đang lưu hành trong nền kinh tế, và sự thay đổi về lượng tiền gửi của các tổ chức tài chính và Chính phủ Mỹ với FED.
"Sau 4 thập kỷ đi vào kinh tế thị trường, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét việc trở thành một Ngân hàng trung ương của Việt Nam thay vì chỉ là một Ngân hàng Nhà nước thuộc Chính phủ", ông cho hay.
"Cùng với đó là việc công khai hóa bảng cân đối kế toán, thể hiện sự minh bạch của chính sách tiền tệ và giúp các thành phần kinh tế hiểu rõ sự vận hành của Ngân hàng Nhà nước", ông Nguyễn Trí Hiếu nói.
Xem thêm >>> "Vẫn còn nhiều cơ hội trên thị trường chứng khoán"