Phiên giao dịch ngày thứ Ba, giá dầu tăng đến phiên thứ 3 khi mà các doanh nghiệp sản xuất dầu lớn tại Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) dường như không có động thái sẽ tăng sản lượng, trong khi đó, chính phủ nhiều nước phương Tây hiện đang tìm cách để hạn chế giá dầu Nga tăng lên.
Đóng cửa phiên giao dịch, giá dầu Brent giao hợp đồng tương lai tăng 1,19USD/thùng tương đương 1% lên 116,28USD/thùng trên thị trường London. Thị trường New York, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao hợp đồng tương lai tăng 96 cent tương đương 0,9% lên 110,53USD/thùng. Cả hai loại giá dầu chốt phiên liền trước tăng gần 2%.
Lãnh đạo các nước công nghiệp phát triển G7 công bố họ đang tìm cách cấm vận chuyển dầu của Nga đã được bán trên một mức giá nhất định trong nỗ lực tăng cường áp lực lên Moscow bởi đã leo thang căng thẳng với Ukraine.
Doanh thu từ dầu mà Nga thu được tăng trong tháng 5/2022 dù rằng khối lượng dầu xuất suy giảm, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) công bố trong báo cáo nghiên cứu vào tháng 6/2022.
Quy định cấm xuất khẩu dầu và khí đốt mà phương Tây áp dụng với Nga đã khiến cho giá năng lượng toàn cầu tăng mạnh trong những tháng gần đây. Tuy nhiên nhiều nhà sản xuất lớn vẫn chưa thực sự tăng quy mô sản xuất.
Saudi Arabia và UAE được coi như hai nước duy nhất trong OPEC có khả năng bù đắp cho nguồn cung dầu thiếu hụt từ Nga và sản lượng suy giảm từ các nước thành viên trong OPEC.
Chuyên gia phân tích về thị trường hàng hóa tại ngân hàng Commonwealth Bank, ông Tobin Gorey, nhận xét: "Thông tin về nguồn cung hạn chế sẽ giúp hỗ trợ cho thị trường. Hai nước sản xuất dầu lớn của thế giới bao gồm Saudi Arabia và UAE dường như đã đạt ngưỡng sản xuất tối đa".
Bên lề hội nghị G7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với Tổng thống Mỹ Joe Biden rằng UAE đã sản xuất ở công suất tối đa và rằng Saudi Arabia sẽ có thể tăng sản lượng chỉ khoảng 150.000 thùng dầu/ngày, thấp hơn rất nhiều so với kỳ vọng 2 triệu thùng dầu/ngày.
Bộ trưởng Năng lượng UAE, ông Suhail al-Mazrouei, vào ngày thứ Hai công bố UAE đang sản xuất dầu ở công suất khoảng 3,168 triệu thùng dầu/ngày theo thỏa thuận với OPEC và các nước đồng minh vốn được biết đến với cái tên OPEC+.
Cũng theo các chuyên gia phân tích, bất ổn tại Ecuador và Libya sẽ có thể khiến cho nguồn cung chịu nhiều hạn chế hơn nữa.
Tập đoàn dầu quốc gia Libya vào ngày thứ Hai công bố doanh nghiệp sẽ có thể phải tạm ngưng hoạt động xuất khẩu dầu. Các yếu tố này đã góp phần gây ra sự thiếu hụt trên thị trường năng lượng, nhờ vậy tác động của rủi ro suy thoái kinh tế đã gây sức ép lên giá dầu trong suốt 2 tuần qua đã giảm đi.
Trung Mến
Nhịp sống kinh doanh