Tình hình tại Ukraine
. Hãng tin Reuters ngày 29-6 cho biết lực lượng Nga đã tăng cường các cuộc tấn công ở Ukraine, bao gồm cuộc tấn công tên lửa và pháo kích vào khu vực phía nam TP Mykolaiv và Biển Đen.
Thị trưởng TP Mykolaiv cho biết một tên lửa của Nga đã giết chết ít nhất 5 người trong một tòa nhà dân cư, trong khi Moscow khẳng định mục tiêu mà họ bắn trúng là một căn cứ huấn luyện lính đánh thuê nước ngoài.
. Hãng thông tấn TASS ngày 29-6 dẫn lời ông Vitaly Kiselev - thành viên cơ quan nội vụ của nước cộng hòa tự xưng Luhansk (LPR) cho biết lính đánh thuê Mỹ đang kiểm soát hoàn toàn các hoạt động của nhóm lực lượng vũ trang Ukraine (UAF) được triển khai ở TP Seversk.
"Hiện tại, có khoảng sáu tiểu đoàn UAF ở Seversk, sẽ tiến về TP Kramatorsk trong vòng 24 giờ tới để hỗ trợ cho TP Slavyansk. Lính đánh thuê Mỹ đang hoàn toàn kiểm soát các hoạt động chiến đấu của UAF, thông báo cho các tiểu đoàn biết địa điểm và cách thức di chuyển” - ông Kiselev nói.
“Theo thông tin tình báo, thông tin nội bộ và thông tin do người dân địa phương cung cấp, lực lượng lính đánh thuê Mỹ di chuyển trên các phương tiện lớn, được trang bị tên lửa chống tăng hoặc súng cối" - ông cho biết thêm.
Trước đó, ông Kisilyov nói với TASS rằng có gần 200 lính đánh thuê nước ngoài đang ở Seversk, đa số là người Ba Lan. Ông cũng cho hay trong 24 giờ qua, khoảng 500 quân nhân Ukraine, bao gồm lính đánh thuê, đã bỏ chạy khỏi Lisichansk về phía Seversk.
Các binh sĩ Mỹ tại một căn cứ không quân gần Arlamow, Ba Lan, vào ngày 5-4. Ảnh: REUTERS |
. Cùng ngày, hãng thông tấn Ukraine Ukrinform dẫn thông tin từ chỉ huy lực lượng quân sự tỉnh Luhansk - ông Serhii Haidai cho biết lực lượng Nga đã tiến hành một cuộc không kích nhằm vào các kho hàng viện trợ nhân đạo ở tỉnh này.
"Một quả bom đã rơi trúng các kho hàng viện trợ nhân đạo của chúng tôi. Các nhà chứa máy bay gần như bị phá hủy và các phương tiện bị hư hỏng. May mắn là không có thương vong nào" - ông Haidai cho hay.
Cũng theo ông, quân đội Nga đang cố gắng tấn công TP Lysychansk, giao tranh vẫn đang tiếp diễn ở vùng ngoại ô, và bên trong thành phố cũng đang bị tấn công liên tục. Ông cho biết có khoảng 15.000 thường dân vẫn còn ở Lysychansk và họ đang tiến hành sơ tán những người dân này trong "yên tĩnh".
Một tòa nhà dân cư bị hư hại nặng sau các cuộc không kích của Nga ở Mykolaiv, Ukraine, vào ngày 29-6. Ảnh: REUTERS |
. Theo đài RT, hôm 29-6, Nga và Ukraine đã có cuộc trao đổi tù nhân lớn nhất kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự, với 144 tù nhân được trả lại cho mỗi bên.
Cơ quan tình báo quân sự Ukraine đã công bố những bức ảnh về vụ trao đổi này, đồng thời cho biết trong số 144 tù nhân có 43 binh sĩ thuộc trung đoàn Azov.
Mặc dù Moscow vẫn giữ im lặng về vụ trao đổi cho đến nay, song lãnh đạo nước cộng hòa tự xưng Donetsk (DPR) - ông Denis Pushilin đã lên tiếng xác nhận: "Hôm nay, 144 binh sĩ của DPR và Nga, bị đối phương bắt giữ trước đó, đang trở về nhà".
“Chúng tôi đã trao cho Kiev cùng số lượng tù nhân, hầu hết đều bị thương. Một số người trong số họ đang trong tình trạng tồi tệ với vết thương nặng, phải cắt cụt tứ chi và các biến chứng khác” - ông Pushilin cho biết thêm.
Nga và Ukraine trao đổi tù nhân. Ảnh: RT |
. Cũng theo TASS, Đại tá Mikhail Mizintsev - Giám đốc Trung tâm Quản lý Quốc phòng Quốc gia Nga - cho biết nhiều đợt hỗ trợ nhân đạo đã được tổ chức tại DPR và các khu vực phía nam của Ukraine vào ngày 29-6, với hơn 380 tấn hàng viện trợ nhân đạo được trao cho dân thường.
Ông nói thêm rằng chính quyền Nga cùng một loạt các tổ chức cộng đồng và các phong trào yêu nước vẫn đang tiếp tục tích lũy viện trợ nhân đạo, với hơn 41.000 tấn viện trợ đã được chuẩn bị sẵn sàng tại các điểm thu gom.
Động thái mới giữa các bên
. Tại buổi họp ngày 29-6 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh NATO (Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương), Tổng thống Mỹ - ông Joe Biden cam kết sẽ bổ sung thêm quân, máy bay chiến đấu và tàu chiến Mỹ cho châu Âu trước mối đe dọa từ Nga, Reuters đưa tin.
Theo Nhà Trắng, Tổng thống Biden cam kết Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện của 100 nghìn binh sỹ ở châu Âu, tăng hơn 20 nghìn so với trước cuộc khủng hoảng Ukraine.
Tổng thống Biden cũng công bố thiết lập một đơn vị quân sự Mỹ đồn trú lâu dài ở Ba Lan, triển khai hai phi đội chiến đấu cơ F-35 tới Anh và sẽ tăng cường khả năng phòng thủ trên không ở Đức và Ý. Ngoài ra, Mỹ cũng sẽ tăng cường các đợt triển khai luân phiên ở các quốc gia Baltic.
"Một cuộc tấn công chống lại một thành viên trong số chúng ta sẽ là một cuộc tấn công chống lại tất cả" - Tổng thống Biden nhấn mạnh.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trong Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Madrid, Tây Ban Nha vào ngày 29-6. Ảnh: AP |
. Trong khi đó, phát biểu trước các nhà lãnh đạo NATO, Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky đã thúc giục khối quân sự do Mỹ dẫn đầu tăng cường hỗ trợ nước ông.
Theo ông Zelensky, Ukraine cần cả viện trợ quân sự và tài chính trực tiếp, đặc biệt cần khoảng 5 tỉ USD mỗi tháng để bù đắp thâm hụt ngân sách cũng như để đầu tư phòng thủ và bảo vệ. Các quan chức hàng đầu của Ukraine đã nhiều lần kêu gọi phương Tây hỗ trợ tài chính.
“Đó là khoản viện trợ khẩn cấp cho Ukraine đủ để giành chiến thắng. Nếu chúng tôi thất bại, một cuộc chiến ‘bị trì hoãn’ sẽ xảy ra giữa Nga và NATO” - ông Zelensky nhấn mạnh.
Thủ tướng Bỉ - ông Alexander De Croo. Ảnh: RT |
. Trong cuộc họp báo bên lề Hội nghị thượng đỉnh NATO ngày 29-6, Thủ tướng Bỉ - ông Alexander De Croo cho rằng "chống lại Nga với sự giúp đỡ của phương Tây là con đường duy nhất" để Ukraine giành được hòa bình.
“Cuộc chiến này chỉ có thể thắng trên chiến trường, và chúng ta nên tiếp tục hỗ trợ Tổng thống Zelensky và người dân Ukraine càng nhiều càng tốt để họ có thể giành chiến thắng” - ông nói với các nhà báo.
Thủ tướng Bỉ cho biết ông đã có cơ hội tiếp xúc trực tiếp và động viên ông Zelensky, đồng thời chỉ ra rằng Bỉ là một trong những nước đầu tiên đề nghị hỗ trợ quân sự cho Ukraine và sẽ tiếp tục gửi vũ khí cho Kiev.
Tổng thư ký NATO - ông Jens Stoltenberg. Ảnh: TASS |
. Cũng tại buổi hội nghị thượng đỉnh hôm 29-6, Tổng thư ký NATO - ông Jens Stoltenberg cho biết khối này đã chuẩn bị đối đầu với Nga kể từ năm 2014, theo Reuters.
"Chúng tôi thực sự đã chuẩn bị cho khả năng này trong một thời gian dài. Không có chuyện NATO đột nhiên thức dậy vào ngày 24-2 và nhận ra rằng Nga là mối nguy hiểm" - ông Stoltenberg nói.
"Thực tế là chúng tôi cũng đã chuẩn bị cho nguy cơ đối đầu này từ năm 2014, đó là lý do vì sao chúng tôi tăng cường sự hiện diện của mình ở khu vực sườn phía đông, là lý do tại sao các đồng minh NATO bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng" - ông cho hay.
Bên cạnh đó, NATO cũng chính thức mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập khối. Đây được xem là một trong những thay đổi lớn nhất trong nhiều năm qua về tình hình an ninh ở châu Âu.
"Hôm nay, chúng tôi đã quyết định mời Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO" - các nhà lãnh đạo NATO cho biết trong một tuyên bố chung.
Động thái trên diễn ra sau khi Thổ Nhĩ Kỳ dỡ bỏ quyền phủ quyết đối với việc để Phần Lan và Thụy Điển gia nhập khối này. Sau 4 giờ hội đàm, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - ông Recep Tayyip Erdogan đã đạt được sự đồng thuận với lãnh đạo Phần Lan và Thụy Điển về một loạt biện pháp an ninh để đổi lấy việc dỡ bỏ quyền phủ quyết.
Tổng thống Nga - ông Vladimir Putin. Ảnh: SCMP |
. Phản hồi thông tin NATO mời Thụy Điển và Phần Lan gia nhập khối này, Tổng thống Putin cho biết Nga sẽ có biện pháp đáp trả nếu NATO triển khai quân đội và cơ sở hạ tầng ở hai nước này sau khi họ tham gia liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.
“Với Thụy Điển và Phần Lan, chúng tôi không gặp khó khăn như với Ukraine. Họ muốn tham gia NATO, cứ làm như vậy đi. Nhưng họ phải hiểu rằng nếu họ triển khai lực lượng quân sự và cơ sở hạ tầng ở đó, Nga sẽ phải đáp trả và tạo ra các mối đe dọa tương tự" - ông Putin nhấn mạnh.
Theo Tổng thống Nga, quan hệ giữa Moscow với Helsinki và Stockholm sẽ khó khăn hơn nhiều vì tư cách thành viên NATO của họ, tờ South China Morning Post đưa tin.
“Mọi thứ giữa chúng tôi trước đây vẫn ổn, nhưng hiện tại, chắc chắn sẽ xuất hiện một số căng thẳng, chắc chắn sẽ có. Đây là một việc không thể tránh khỏi nếu có mối đe dọa đối với Nga” - ông Putin nói.
Toàn cảnh Hội nghị thượng đỉnh NATO tổ chức tại Madrid, Tây Ban Nha, ngày 29-6. Ảnh: REUTERS |
. Ukrinform ngày 29-6 dẫn lời Thủ tướng Ukraine - ông Denys Shmyhal cho biết Kiev đã nhận được khoản viện trợ 1,3 tỉ USD từ Mỹ.
"Chúng tôi rất biết ơn Tổng thống Biden vì sự hỗ trợ chưa từng có của Washington. Từ các biện pháp trừng phạt nhắm vào Nga, cho đến nguồn viện trợ vũ khí và ngân sách sẽ giúp chúng tôi chiến thắng” - ông Shmyhal chia sẻ.
Thủ tướng Ukraine cũng cảm ơn Ngân hàng Thế giới (WB) và ông David Malpass - Chủ tịch WB - vì những quyết định nhanh chóng và cơ chế hỗ trợ của tổ chức này cho Ukraine.
Tổng thống Indonesia - ông Joko Widodo. Ảnh: REUTERS |
. Cũng theo Reuters, hôm 29-6, Tổng thống Indonesia - ông Joko Widodo đã đề nghị được chuyển một thông điệp từ người đồng cấp Ukraine tới nhà lãnh đạo Nga - ông Vladimir Putin để cố gắng thúc đẩy hòa bình.
“Mặc dù rất khó để đạt được một giải pháp hòa bình, nhưng tôi đã bày tỏ tầm quan trọng của việc này với ông Zelensky. Tôi đã đề nghị chuyển một thông điệp từ ông ấy tới Tổng thống Putin, người mà tôi sẽ gặp sớm thôi” - Tổng thống Widodo nói.
Hiện chưa rõ Tổng thống Zelensky phản ứng thế nào trước lời đề nghị của ông Widodo.