Tôi tin rằng nhiều người tìm việc đã trải qua tình huống này: Rõ ràng mức lương niêm yết trên trang tuyển dụng khá cao và hấp dẫn. Tuy nhiên, khi trao đổi tại địa điểm phỏng vấn thì lại chênh một trời một vực. HR (Quản trị nhân sự) nói những lời hoa mỹ như mức lương sẽ phụ thuộc vào khả năng, kết quả mang lại cho công ty… thay vì đưa ra được một mức lương cụ thể như web đề cập.
Dưới đây sẽ là những lý do giải đáp cho câu hỏi: “Tại sao trên trang tin tuyển dụng lương cao nhưng trong quá trình phỏng vấn HR lại không nhắc đến?”
Đầu tiên, đó chính là chiêu quảng cáo trả lương cao để thu hút nhân tài cho các cuộc phỏng vấn. Sự phát triển của một doanh nghiệp không thể tách rời việc khuyến khích, bồi dưỡng nhân tài, và nhân tài bắt buộc phải tìm thấy đối với các nhà tuyển dụng. Chúng ta đều biết rằng thị trường tuyển dụng cạnh tranh bình đẳng. Trong trường hợp doanh nghiệp có quy mô nhỏ, tiềm năng phát triển trung bình thì nhiều nhân tài có khi không thèm ngó ngàng tới.
- Chúng ta có thể thấy cùng một vị trí công việc được đăng tải trên các trang tuyển dụng thì các công ty khác nhau sẽ đưa ra các mức lương khác nhau. Ví dụ, đối với các vị trí vận hành phương tiện truyền thông mới, một số doanh nghiệp sẽ để mức 6.000 - 8.000 tệ (khoảng 21 - 28 triệu), một số doanh nghiệp khác lại để 10.000 - 12.000 tệ (khoảng 34 - 21 triệu), một số doanh nghiệp khác mạnh tay ghi luôn là trên 15.000 tệ (khoảng 52 triệu).
(Ảnh minh hoạ)
Tại sao lại có mức lương chênh lệch lớn như vậy cho cùng một vị trí? Trên thực tế, một số công ty đưa ra mức lương dựa trên giá thị trường. Trong phạm vi này, nhà tuyển dụng có thể xác định mức lương tùy theo tình hình phỏng vấn và khả năng tổng thể của ứng viên. Tuy nhiên, một số công ty đưa mức lương cao trên các trang web tuyển dụng, đó chỉ là một mánh lới quảng cáo, như một phương tiện để thu hút nhân tài đến phỏng vấn. Bởi trong thị trường tuyển dụng, các HR đều nhận thức rõ rằng việc tuyển người giỏi lương thấp là rất khó, lương cao thường thu hút được nhiều người tài hơn. .
Trên thực tế, có rất nhiều công ty như vậy trên thị trường. Đầu tiên, họ không thể đưa ra mức lương cao như vậy, họ chỉ muốn tăng tỷ lệ phỏng vấn nhân tài. Bởi vì các công ty tin rằng sẽ luôn có những người tìm việc “lọt lưới”, và họ tự tin sẽ có thể thỏa thuận lương xuống thấp hơn mức đề cập trên trang tin tuyển dụng, sẽ luôn có những người tìm việc có thể thương lượng.
Thứ hai, HR cũng chỉ là nhân viên và cũng phải làm đủ KPI. Tuyển dụng nhân tài không chỉ liên quan đến phát triển doanh nghiệp mà còn là công việc thường ngày của các HR. Mà HR cũng chỉ là một nhân viên, và cũng cần phải thực hiện đánh giá bằng KPI. Mỗi HR sẽ có tiêu chuẩn đánh giá KPI riêng từ việc mời phỏng vấn nhân tài, tuyển dụng đến khi ứng viên nhận việc.
Ví dụ như nếu ai đó muốn ứng tuyển công việc với mức lương dự định là 10.000 tệ (khoảng 34 triệu) nhưng HR lại có thể thỏa thuận với mức 8.000 tệ (khoảng 28 triệu). Điều này làm giảm đáng kể chi phí sử dụng lao động của doanh nghiệp. Đối với nhân sự, thì khả năng thỏa thuận này cũng được dùng để đánh giá hiệu suất tương ứng. Vì vậy, nhiều người tìm việc cho rằng HR là người khôn ngoan nhất trong công ty vì họ luôn tìm cách... lừa người tìm việc (?).
Nhưng thực tế không phải như vậy, HR cũng chỉ là một nhân viên và phải gánh vác trách nhiệm công việc của chính họ.
(Ảnh minh hoạ)
Thứ ba, đăng tin tuyển dụng lương cao nhưng sự thật không phải vậy. Một người bạn đã từng chia sẻ với tôi rằng anh ấy từng ứng tuyển vào vị trí giám đốc sản phẩm tại một công ty Internet, nhưng lại được giới thiệu cho vị trí khác trong buổi phỏng vấn với HR. Nên anh ta quyết định từ chối, tìm một công ty khác.
Sau ba tháng, sáu tháng, hoặc thậm chí một năm, anh ta thấy rằng vị trí giám đốc sản phẩm của công ty đấy vẫn đang được tuyển dụng. Anh bạn của tôi không hiểu công ty thực sự đang thiếu người hay không tuyển được người, tại sao cứ để tin tuyển dụng mãi vậy? Trên thực tế, tình trạng này rất phổ biến, và nó cũng là một thói quen của nhiều công ty.
Đối với các tin tuyển dụng, đôi khi không phải công ty thực sự thiếu người mà là đang quảng cáo cho công ty. Chúng ta đều biết rằng việc quảng bá thương hiệu của doanh nghiệp đòi hỏi rất nhiều chi phí, nhiều công ty mượn các trang tin tuyển dụng cho mục đích quảng bá, sẽ tốt nhất nếu họ có thể trực tiếp có được những khách hàng hiệu quả. Mặt khác, việc treo lương cao cho một vị trí hấp dẫn sẽ khiến người tìm việc dễ dàng tìm tới. Cho đến buổi phỏng vấn, họ mới nhận ra công ty đang tìm người làm ở vị trí khác với mức lương thấp hơn.
Theo Cô Chang
Theo Trí thức trẻ