Hôm nay 30-6, Bộ Chính trị tổ chức hội nghị toàn quốc tổng kết chặng đường 10 năm công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 - 2022.
Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Thái Học - phó trưởng Ban Nội chính trung ương - về nhiệm vụ trọng tâm này của Đảng.
Ông Nguyễn Thái Học chia sẻ: Cách đây 10 năm, vào tháng 5-2012 Hội nghị trung ương 5 khóa XI đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị, do Tổng bí thư làm trưởng ban.
Từ khi thành lập đến nay, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và với vai trò đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã có sự xoay chuyển rõ nét với nhiều bước tiến mới rất quan trọng.
Cuộc họp của thường trực Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào ngày 27-4-2022 - Ảnh: TTXVN
* Phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng, nhưng càng phát hiện nhiều vụ việc, người dân càng quan tâm hơn đến công tác phòng ngừa, ngăn chặn từ sớm, từ xa. Điều này cần có những giải pháp căn cơ nào?
- Thời gian qua, công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm nhiều sai phạm nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng còn nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là việc tự kiểm tra, tự phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực vẫn là khâu yếu.
Để không xảy ra những vụ việc, vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn như vừa qua, yêu cầu đặt ra là phải tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên từ bên ngoài, kết hợp với tự kiểm tra để phòng ngừa, cảnh báo, phát hiện, giải quyết sai phạm từ sớm, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn.
Trong đó chú ý các lĩnh vực chuyên sâu, hoạt động khép kín, bí mật, bởi đây là những lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực cao.
Ngoài ra, phải tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, tạo hành lang chính trị, pháp lý để mọi cơ quan, tổ chức, cán bộ, đảng viên đều tuân thủ theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, để "không thể tham nhũng, tiêu cực" được.
Vấn đề cốt lõi, lâu dài là giáo dục liêm chính cho cán bộ, đảng viên và nhân dân để hình thành cho được ý thức, cao hơn là văn hóa "tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực", "trọng danh dự, liêm sỉ" như nghị quyết của Đảng đã yêu cầu và Tổng bí thư đã nhiều lần nhắc nhở "danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất".
* Nhưng thực tế cho thấy có những cán bộ dù đã nhìn thấy đồng chí của mình bị xử lý nghiêm khắc khi vi phạm song vẫn lao vào các cám dỗ, hay nói cách khác là không biết sợ?
- Đúng là có thực tế này và thật khó giải thích về điều này. Đảng, Nhà nước đã xử lý tham nhũng, tiêu cực với nguyên tắc "không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai".
Từ kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính đến xử lý hình sự nhưng sai phạm vẫn cứ tiếp diễn.
Thậm chí, sai phạm sau còn nghiêm trọng hơn, có hệ thống hơn, sai phạm xảy ra trong tình hình đất nước đối mặt với bao khó khăn, thách thức và người dân đang căng mình chống dịch COVID-19 trong mất mát, tang thương.
Điển hình như các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, vụ tham nhũng, tiêu cực trong thực hiện các chuyến bay "giải cứu" đồng bào ta ở nước ngoài, rồi vụ FLC, Tân Hoàng Minh...
Câu hỏi đặt ra là vì sao như vậy và đâu là câu trả lời? Việc Bộ Chính trị tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết chặng đường 10 năm công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực cũng nhằm hướng đến mục tiêu đó.
* Nhiều người nói cách đây 10-20 năm do cơ chế lạc hậu, vướng víu nên nảy sinh ra tham nhũng, tiêu cực, còn nay thì sao, thưa ông?
- Thời gian qua, khi nói về nguyên nhân, cũng có ý kiến cho rằng các vụ án, vụ việc xảy ra từ những năm trước do đất nước mới bước vào thời kỳ đổi mới, mở cửa, hội nhập; cơ chế, chính sách còn lạc hậu.
Rồi năng lực, trình độ, nhận thức pháp luật của cán bộ, đảng viên còn hạn chế...; tức là bối cảnh dẫn đến sai phạm phần nhiều do khách quan.
Nhưng đến nay, chúng ta đã bước qua chặng đường hơn 35 năm đổi mới, đất nước đã hội nhập rất sâu rộng với thế giới, hệ thống pháp luật so với trước đã hoàn thiện rất nhiều; trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ được nâng cao và ngày càng chuẩn hóa...
Chúng ta vừa phát hiện, xử lý nhiều vụ án, vụ việc xảy ra ngay trong giai đoạn hiện tại, không phải từ những giai đoạn trước; ngay trong đội ngũ cán bộ cấp cao chứ không phải đối với cán bộ bình thường.
Do vậy, bối cảnh khách quan, trình độ năng lực không phải là câu trả lời thỏa đáng, thuyết phục cho các sai phạm diễn ra vừa qua.
Mấu chốt vấn đề là ở con người, chính sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, cả cán bộ cấp cao mới là nguyên nhân sâu xa dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Cho nên, tự đấu tranh, tự soi, tự sửa để tự ý thức, vượt lên chính mình với những cám dỗ tầm thường mới là điều quan trọng.
Lực lượng công an và đại diện viện kiểm sát có mặt tại trụ sở Bộ Y tế chiều tối 7-6 để phục vụ điều tra vụ án Công ty Việt Á nâng giá kit xét nghiệm - Ảnh: NAM TRẦN
* Tổng bí thư nhiều lần nói quan trọng nhất là chọn người, vậy theo ông, chúng ta cần làm gì để chọn người đúng, ngăn chặn tham nhũng tiêu cực?
- Thực tế cho thấy có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sai phạm của cán bộ, đảng viên. Một trong những băn khoăn được dư luận đặt ra nhiều là phải chăng do khâu chọn người, giao việc chưa tốt nên cán bộ sau khi được đề bạt, bổ nhiệm lại vi phạm kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật.
Đây là điều mà chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá để có quyết tâm đổi mới trong nhận thức và hành động, từ khâu lựa chọn, bố trí đến giáo dục, quản lý, giám sát cán bộ, nhất là đối với cán bộ giữ cương vị lãnh đạo, quản lý.
Làm được điều này là việc không dễ dàng, nhưng theo tôi, người làm công tác cán bộ phải thực sự công tâm, khách quan, vô tư, trong sáng.
Chính sự vô tư, trong sáng của người làm công tác cán bộ mới không bị ràng buộc, chi phối bởi bất kỳ quan hệ, sức ép không trong sáng nào, kể cả với người có chức vụ cao hơn mình để lựa chọn được đúng người mà giao việc.
Về việc này, Tổng bí thư đã nhiều lần yêu cầu phải có con mắt tinh đời để không "nhìn gà hóa cuốc", đừng "tưởng đỏ mà chín".
Đây là bài học quý giá và mang tính thời sự đối với công tác cán bộ trong tình hình hiện nay và chúng ta tin rằng trong tình hình mới, quyết tâm mới, Đảng sẽ lựa chọn được đúng người để giao việc.
* Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, Ban Chỉ đạo đánh giá "tham nhũng đang từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm". Tuy nhiên, vừa qua chúng ta lại phát hiện thêm nhiều vụ tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng. Liệu nhận định trên có còn đúng với thực tế?
- Để trả lời thỏa đáng câu hỏi này, chúng ta phải nhìn nhận, đánh giá một cách biện chứng, đặt trong bối cảnh cụ thể của từng giai đoạn.
Cách đây hơn 10 năm, trung ương đánh giá tham nhũng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng ở nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc trong xã hội, là thách thức lớn đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Mặc dù người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng nhưng có lúc, có nơi còn bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng vì cho rằng chúng ta nói chưa đi đôi với làm hoặc có làm nhưng chưa thực chất.
Với phương châm nói đi đôi với làm, nói thật làm thật, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã mang lại kết quả thực chất, có bước tiến dài và ngày càng được người dân đồng tình, ủng hộ.
Đấu tranh phòng chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế không thể đảo ngược, ai không muốn làm cũng không được, ai không muốn làm thì đứng sang một bên để người khác làm.
Tổng bí thư đã chỉ đạo quyết liệt như vậy và cũng đã làm như vậy, nên nói tham nhũng từng bước được ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm là thế.
Cơ quan công an tiến hành khám xét nhà ông Chu Ngọc Anh, cựu chủ tịch Hà Nội, bị khởi tố, bắt giam liên quan vụ Việt Á - Ảnh: DANH TRỌNG
Công cuộc phòng chống tham nhũng 10 năm qua rất quyết liệt, có kết quả lớn, chưa từng có. Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương, trước hết là Tổng bí thư có quyết tâm rất lớn, kiên trì và đi vào từng vụ án, cá nhân vi phạm cụ thể. Nhân dân cả nước rất ủng hộ và niềm tin với Đảng từng bước được củng cố hơn trong thời gian gần đây.
Tuy nhiên việc phòng chống tham nhũng còn có những điều chưa làm được. Thứ nhất, việc học tập nghị quyết trung ương 4 (khóa XII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" chưa đạt yêu cầu.
Bởi từ trung ương đến địa phương, cán bộ, công chức đều được học tập nhiều lần nhưng đến nay vẫn còn nhiều cán bộ, công chức vi phạm.
Thứ hai, Đảng, Nhà nước chống tham nhũng còn đơn độc, dựa vào những công cụ của Đảng là đúng nhưng chưa dựa vào dân và cũng chưa có cơ chế, điều kiện, công cụ để dân tham gia rộng rãi vào công cuộc phòng chống tham nhũng.
Bác Hồ đã nói "dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu ắt xong". Những việc khó khăn như phòng chống tham nhũng nếu không có nhân dân tham gia vẫn có kết quả, nhưng sẽ không giải quyết được triệt để.
Trước đây, chúng ta xem việc vận động, phát động nhân dân tham gia vào phòng chống tham nhũng là vấn đề nhạy cảm, bởi sợ bị lợi dụng việc chống tham nhũng để gây mất đoàn kết nội bộ, để vu khống, thậm chí lợi dụng chống tham nhũng gây rối loạn, mất an ninh trật tự…
Nói cách khác, khá đông những người tham nhũng là cán bộ, công chức, đảng viên nên sợ việc chống tham nhũng là tấn công vào cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng.
Nhưng với sự quyết tâm phòng chống tham nhũng một cách thực chất và triệt để như hiện nay, phải vận động dân tham gia. Muốn vậy, cần phải công khai, minh bạch chủ trương, chính sách, quy hoạch, kế hoạch thực hiện để dân biết và đấu tranh chống tham nhũng.
Đồng thời, phải có cơ chế, quy định pháp luật để dân tham gia đấu tranh chống tham nhũng. Người dân khi thấy hiện tượng tiêu cực phải biết phản ảnh với cơ quan, tổ chức và bằng cách nào, với hình thức nào. Đảng, Nhà nước cần tổ chức bộ phận để tiếp thu, phân loại và xử lý thông tin phản ảnh của người dân.
Trong đó, có thể ứng dụng công nghệ thông tin để tiếp nhận, xử lý nhanh hơn và không bỏ sót thông tin tố cáo từ nhân dân.
Đồng thời, cần có quy định ngăn ngừa và trừng phạt lợi dụng việc tố cáo để chà đạp người khác hoặc gây rối an ninh trật tự, cũng như quy định khen thưởng, nêu gương những người dám tố cáo hành vi phòng chống tham nhũng.
Mặt trận và các đoàn thể chính trị, xã hội cần vận động, hướng dẫn người dân tố cáo tham những bằng văn bản, tài liệu chính thức. Tổ chức cho quần chúng giám sát cơ quan nhà nước bằng việc khảo sát thực tế, nghe báo cáo, chất vấn, nghe giải trình.
Trong đó, phải phát huy mạnh việc lấy phiếu tín nhiệm đối với những chức danh do Quốc hội, HĐND bầu.
Việc này đã có chủ trương rồi nhưng thực hiện cần bài bản và có thể có cơ chế tổ chức cho dân bỏ phiếu tín nhiệm. Từ đó có thể ngăn ngừa, loại trừ những cán bộ tham nhũng, lợi ích nhóm ra khỏi bộ máy.
Xem thêm: mth.7744050003602202-gnuhn-maht-eht-gnohk-ed-ehc-eht-oc-iahp/nv.ertiout