Giá xăng dầu tiếp tục thiết lập mức tăng trong kỳ điều hành ngày 21-6 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, Bộ Tài chính cho biết đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất phương án giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu nhằm góp phần giảm giá mặt hàng xăng dầu, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh tế.
Cùng với giải pháp điều chỉnh giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết ngày 31-12 và đề xuất giảm thuế suất ưu đãi nhập khẩu với xăng, Bộ Tài chính nhận định sẽ giúp hạ nhiệt giá xăng dầu trong thời gian tới.
Cụ thể, đối với thuế bảo vệ môi tường, Bộ Tài chính đề xuất giảm xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31-12 năm nay với xăng giảm 1.000 đồng/lít, còn các loại dầu giảm 700 đồng/lít, kg.
Bộ Tài chính ước tính, trường hợp nghị quyết được ban hành trong tháng 7 và có hiệu lực từ ngày 1-8 tới đây thì ước giảm thu ngân sách nhà nước cả năm là khoảng 20.305 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, nhằm thúc đẩy đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu xăng và nhằm góp phần giảm chi phí nhập khẩu mặt hàng này, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế nhập khẩu ưu đãi đối với xăng từ 20% xuống còn 12%.
Theo tính toán của Hiệp hội Xăng dầu Viêt Nam, hiện 1 lít xăng RON 95-III đang cõng gần 10.000 đồng tiền thuế, cộng với các khoản phí thì lên tới hơn 11.000 đồng. Đây là mức khá cao. Do vậy, đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng với xăng, dầu của Bộ Tài chính được các chuyên gia kinh tế cho rằng rất hợp lý và hợp tình.
Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường đại học Kinh doanh và công nghệ Hà Nội - lưu ý đề xuất trên cần phải trình sớm và kiến nghị Quốc hội có giải pháp xử lý đặc biệt trong tình huống đặc biệt. Vì quyết định giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và thuế giá trị gia tăng đối với xăng dầu là thẩm quyền của Quốc hội.
Theo quy định, Chính phủ phải đợi đến kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 10 mới trình được.
Trong khi đó, xăng dầu là đầu vào của nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Việc giá xăng dầu tăng liên tục và liên tiếp lập kỷ lục từ đầu năm nay đã đẩy giá cả các mặt hàng, dịch vụ tăng theo, khiến đời sống người dân và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn.
"Nếu theo quy định thông thường, tháng 10 trình Quốc hội và đến tận tháng 11, tức 5 tháng nữa đề xuất nêu trên mới có thể thực hiện. Khi đó, giá cả nhiều mặt hàng, dịch vụ có thể sẽ tăng thêm nữa khi giá xăng dầu tiếp tục lập đỉnh mới. Sức mua sẽ kiệt quệ, mục tiêu phục hồi nền kinh tế sẽ gặp nhiều trở ngại" - ông Tú nhận định.
TTO - Nghề đi biển, khai thác thủy hải sản có thể xem là ngành chịu ảnh hưởng trực tiếp và nặng nề nhất trong cơn 'bão giá' xăng dầu.