Bộ GTVT yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các hãng để kịp thời chấn chỉnh, xử lý; xác định nguyên nhân chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không và đưa ra giải pháp xử lý - Ảnh: CÔNG TRUNG
Giai đoạn 19-5 đến 18-6, Cục Hàng không Việt Nam thống kê các hãng bay Việt Nam khai thác 30.808 chuyến, tăng 18% so với tháng 5, thậm chí tăng 528,7% so với cùng năm 2021.
Trong đó, 25.206 chuyến bay cất cánh đúng giờ, tức bay đúng giờ khởi hành khi bán vé và 5.602 chuyến bay bị chậm, 65 chuyến bị hủy.
Vietnam Airlines, Vietjet "đội sổ" chậm chuyến
Có 6 tiêu chí đánh giá nguyên nhân chuyến bay chậm chuyến gồm trang thiết bị và dịch vụ cảng, quản lý điều hành bay, hãng hàng không, thời tiết, lý do khác, tàu bay về muộn.
Số liệu của Cục Hàng không Việt Nam thể hiện điều đáng chú ý hơn 5.602 chuyến bay bị chậm thì có đến 4.126 chuyến bay "tàu bay về muộn".
Khách hàng thường xuyên nhận thông báo giải thích khi chuyến bay bị delay lỗi do "ông trời" thời tiết mưa gió hoặc lý do kỹ thuật. Thực tế chưa hẳn như vậy. Nguyên nhân thời tiết dẫn đến chậm chuyến trong tháng 6, mỗi hãng dao động 24-53 chuyến.
Số liệu còn lại thể hiện lý do chuyến bay "đội sổ" chậm chuyến chủ yếu đến từ "tàu bay về muộn" và trang thiết bị và dịch vụ cảng.
Vietnam Airlines, Vietjet là hai hãng bay có số chuyến bay về muộn nhiều nhất, lần lượt 1.491 chuyến và 2.287 chuyến. Mỗi ngày có đến 46-70 chuyến "tàu bay về muộn". Còn Bamboo Airways và Vietravel Airlines số chuyến chậm ít hơn.
Báo động chậm chuyến, gấp rút chấn chỉnh
Trước tình trạng chậm chuyến có xu hướng gia tăng gây bức xúc cho hành khách, ảnh hưởng đến uy tín ngành hàng không, Bộ GTVT vừa yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam tăng kiểm tra giám sát với các hãng để kịp thời chấn chỉnh.
Đặc biệt, xác định nguyên nhân chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không để đưa ra giải pháp xử lý, đảm bảo phục vụ khách đi lại dịp cao điểm hè.
Theo các doanh nghiệp hàng không, tình trạng chậm chuyến xảy ra có rất nhiều nguyên nhân như thời tiết xấu, cơ sở hạ tầng quá tải, thiếu trang thiết bị vận hành ở cảng...
Đáng chú ý, một nguyên nhân được hé lộ "tàu bay về muộn" do các hãng tăng chuyến, tối ưu quy trình khai thác nên thời gian quay đầu giữa hai chuyến bay (Ground times) không đảm bảo, dẫn đến chậm dây chuyền.
Ground times là thời gian tính từ lúc máy bay hạ cánh trả khách cho tới khi chuẩn bị sẵn sàng để đón chuyến tiếp theo.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một doanh nghiệp hàng không cho biết mỗi hãng có Ground times khác nhau, thông thường 45 phút đến 1 tiếng. Tuy nhiên, vẫn có tình trạng hãng muốn tối ưu khai thác, muốn bay được nhiều chuyến hơn nên thời gian quay đầu khá gấp rút, rơi vào 35 phút.
Theo vị này, cơ sở hạ tầng tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất rất khó đảm bảo thời gian quay đầu như các hãng mong muốn. Cục Hàng không Việt Nam cần tăng cường giám sát, yêu cầu các hãng cân đối thời gian, đo đếm phù hợp thời gian quay đầu hợp lý đảm bảo chất lượng dịch vụ với khách hàng.
Không chỉ tình trạng chậm chuyến lại rộ lên trong thời gian gần đây, việc thiếu hụt nhân sự, lỗi hệ thống và trang thiết bị phục vụ ở cảng hàng không đang là nỗi ám ảnh khách hàng.
Hiện các hãng đang miệt mài tuyển tiếp viên, phi công, nhân sự mặt đất để bổ sung nhân lực phục vụ cao điểm hè. Vào khung giờ cao điểm, nhiều chuyến bay hạ cánh nhưng khách phải chờ trên máy bay 30-45 phút mới có xe thang, xe buýt đến đón.
TTO - Chuyện ùn ứ ở sân bay Tân Sơn Nhất những ngày qua lẽ ra đã trôi đi sau khi Bộ GTVT "chấn chỉnh". Nhưng may thay, ông phó giám đốc Cảng sân bay Tân Sơn Nhất nói thẳng, nói "toạc" mọi thứ được xem là gốc rễ của mọi câu chuyện.
Xem thêm: mth.98694420103602202-oas-iv-gnaht-mahc-ib-yab-neyuhc-2065/nv.ertiout