Tập đoàn FLC vừa có văn bản trả lời công văn của Sở Giao dịch chứng khoán Tp.HCM (HoSE) về yêu cầu công bố thông tin liên quan đến việc cổ phiếu FLC tăng trần 5 phiên liên tiếp, từ ngày 22/6 đến 28/6.
Văn bản được Tổng Giám đốc Bùi Hải Huyền ký khẳng định chưa nhận biết được sự kiện, thông tin liên quan nào đã làm ảnh hưởng đến đà tăng giá bất ngờ của cổ phiếu FLC.
còn đề xuất, nếu HoSE nhận biết được các thông tin, sự kiện nào đã làm ảnh hưởng đến giá cổ phiếu FLC trong thời gian qua thì đề nghị HoSE thông tin làm rõ hoặc dẫn nguồn tin cụ thể để tập đoàn được biết và có thể đưa ra ý kiến xác nhận hoặc đính chính.
"Tập đoàn FLC cam kết sẽ công bố, báo cáo đầy đủ thông tin, sự kiện liên quan đến công ty theo quy định", văn bản nêu rõ.
Theo quy định mới của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, các tổ chức niêm yết/tổ chức đăng ký giao dịch phải giải trình khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn liên tiếp, trong thời hạn 24 giờ kể từ khi giá cổ phiếu tăng trần hoặc giảm sàn từ 5 phiên liên tiếp trở lên. Ngoài FLC, gần đây một số cổ phiếu cũng đã phải giải trình về việc tăng trần/giảm sàn liên tiếp như DIG, HDG, LDG…
FLC thực tế đã liên tục đi lên với 6 phiên tăng trần liên tiếp, đạt 5.660 đồng/cổ phiếu vào cuối ngày 29/6, dù tập đoàn này không có thông tin gì khả quan. FLC vẫn đang bị cấm giao dịch phiên sáng, chỉ được giao dịch buổi chiều. Thậm chí, ông Lã Quý Hiển, Phó Tổng Giám đốc FLC đã từ nhiệm khỏi vị trí thành viên HĐQT. Điều đó dẫn tới HĐQT FLC hiện chỉ còn ông Đặng Tất Thắng và bà Bùi Hải Huyền, cho đến khi được bầu thêm thành viên vào hôm 2/7.
Phiên họp ĐHCĐ lần 1 của FLC bất thành do không đủ lượng người tham dự. Phiên họp lần 2 tới có thể diễn ra nếu số cổ đông tham gia nắm giữ trên 33% vốn điều lệ.
Đến nay, FLC cũng vẫn chưa công bố danh sách ứng viên bầu bổ sung vào HĐQT. Tuy nhiên, theo thông tin công bố từ trước đó, Đại hội dự kiến sẽ chính thức miễn nhiệm chức vụ thành viên HĐQT đối với ông Trịnh Văn Quyết và bà Hương Trần Kiều Dung. Hai người này hiện đang bị tạm giam để điều tra về hành vi thao túng thị trường chứng khoán.
Không chỉ FLC mà một mã khác thuộc hệ sinh thái "họ FLC" cũng có diễn biến tăng giá bất thường là ROS của CTCP FLC Faros. Doanh nghiệp giải thích là do cung cầu của thị trường chứng khoán, quyết định mua bán cổ phiếu do các nhà đầu tư tự đưa ra, nằm ngoài sự kiểm soát của công ty.
Lãnh đạo FLC Faros cũng khẳng định doanh nghiệp này không có bất kỳ sự kiện và thông tin nào làm ảnh hưởng đến giá chứng khoán của chính công ty. Chốt phiên giao dịch ngày 29/6, ROS có giá 3.090 đồng/cổ phiếu, giảm gần 78% so với thời điểm đầu năm.