Chiều 31-5, Bộ Tư pháp tổ chức hội thảo bàn về giải pháp huy động nguồn lực xã hội tham gia truyền thông dự thảo chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.
Trước đó, ngày 30-3-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) giai đoạn 2022-2027 (Đề án 407).
Theo ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp, sau một năm triển khai thực hiện, Đề án 407 cũng đã thu được một số kết quả tích cực.
Ông Lê Vệ Quốc, Vụ trưởng Vụ Phổ biến giáo dục pháp luật, Bộ Tư pháp chủ trì hội thảo. |
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, hầu hết cơ quan chủ trì soạn thảo không có đủ nguồn lực về con người và kinh phí để có thể triển khai truyền thông dự thảo chính sách trong khi công tác truyền thông chính sách, pháp luật phải đi trước một bước để thống nhất nhận thức, tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Nhất trí với quan điểm truyền thông chính sách phải đi trước một bước, TS Nguyễn Thanh Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ VH-TT&DL cho biết bộ đã bố trí nguồn lực truyền thông hợp lý, tương thích với các chính sách cần truyền thông, chú trọng đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học trong các lĩnh vực của ngành.
Cũng theo ông Sơn, đơn vị này cũng đồng thời phát huy vai trò đội ngũ văn-nghệ sĩ, người có uy tín, có tầm ảnh hưởng trong đối tượng chịu sự tác động của chính sách; huy động sự tham gia của các tổ chức hội nghề nghiệp; chú trọng các công cụ truyền thông chính sách qua mạng xã hội, tăng tính tương tác, thích ứng với xu hướng xã hội số, công dân số.
Bà Nguyễn Thy Nga, Viện trưởng Viện Quản trị chính sách và chiến lược cho rằng để có thể huy động nguồn lực xã hội trong truyền thông chính sách thì Đề án 407 phải là trung tâm để huy động mọi nguồn lực, tổ chức theo khối hoạt động và mạng lưới nghiên cứu chính sách cũng như nhóm đối tượng chịu tác động của chính sách. Có như vậy, hoạt động truyền thông chính sách có hiệu quả, lan tỏa tới đông đảo các tầng lớp nhân dân.
Tại hội thảo, một số ý kiến cũng cho rằng cần nghiên cứu, hoàn thiện chính sách, thể chế để tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông dự thảo chính sách nói chung, việc huy động nguồn lực nói riêng theo hướng gắn trách nhiệm với quyền lợi khi tham gia, hỗ trợ kinh phí và có cơ chế, chính sách khuyến khích cụ thể để thu hút sự tham gia của toàn xã hội, nhất là cơ quan thông tin, báo chí, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà khoa học…