Sân khấu tái hiện đại dương mênh mông, âm nhạc vui tai, tuyến nhân vật quen thuộc, xen kẽ vào đó là những câu chuyện về ước mơ, về tình thân, chuyện bảo vệ môi trường... đã làm nên một vở nhạc kịch Ông lão đánh cá và con cá mập thành công.
Với thời lượng hơn 1 tiếng được công diễn trong hai tối 30 và 31-5, vở nhạc kịch gây bất ngờ và chinh phục không chỉ các em nhỏ mà còn các bậc cha mẹ đi cùng.
Vừa xem nhạc kịch vừa được tương tác
Ra mắt năm 2022, Ông lão đánh cá và con cá mập từng được xem là hiện tượng nhạc kịch "vỏ Tây hồn Việt" thành công khi thu hút 8.000 khán giả tham dự dịp công diễn.
Vở nhạc kịch được làm lại, dựa trên tác phẩm kinh điển Ông lão đánh cá và con cá vàng nhưng được biến tấu một cách sáng tạo.
Kịch bản do biên kịch Đinh Tiến Dũng viết lại, nhạc sĩ Văn Phong và Minh Phương làm nên phần âm nhạc đậm chất Tây phương, họa sĩ Phùng Nam Thắng thiết kế sân khấu... Sự kết hợp ấy tạo ra một vở nhạc kịch nhiều tình tiết ly kỳ và lay động.
Khán giả đã như cuốn theo màn hóa thân tự nhiên của các tài năng nhí trong vai cá mập con, cá hề, cá vàng, cá con... và giọng hát, diễn xuất đầy kinh nghiệm của ca sĩ Dương Trần Nghĩa (cá mập bố), ca sĩ Trung Dũng - Thu Hiền VK (vợ chồng ông bà lão)...
Một trong những điều làm nên thành công của vở diễn có lẽ chính là việc các diễn viên biết cách tương tác với các khán giả nhí, để từ đó, những câu chuyện sâu lắng lại dễ dàng đến với trẻ nhỏ.
Không giáo điều, không dùng những lời lẽ hô hào, vở nhạc kịch mang đến câu chuyện về ước mơ đẹp đẽ mà hầu hết trẻ em đều từng ao ước: mơ được có phép thuật, mơ có phép "hô biến" để có thể giúp đỡ người khác.
Vẫn là tuyến nhân vật quen thuộc như trong nguyên tác nhưng "giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng lại biến tấu thành một kịch bản khác. Cá vàng không phải là nhân vật chính, thay vào đó là cá mập con - mơ ước được có phép thuật để giúp đỡ ông bà lão.
"Nếu chúng mình được lớn lên khỏe mạnh, hạnh phúc thì chúng mình cũng đã thực hiện được ước mơ của những người thương yêu chúng mình rồi" - câu nói của cá mập con kết thúc vở nhạc kịch nhưng lại mở ra nhiều chiêm nghiệm.
"Người lớn cũng từng là trẻ con"
Chia sẻ về niềm cảm hứng cho phần kịch bản của vở nhạc kịch, "giáo sư Xoay" Đinh Tiến Dũng tâm sự: "Tôi cũng là bố của hai cháu bé, đôi lúc muốn gần con và hiểu con thì mình cũng phải trở thành chúng nó. Con xem gì tôi cũng xem, để phát hiện ra điều gì khiến các con mê mẩn như vậy".
Anh cũng nhận định cái khó nhất khi viết cho trẻ em đấy là khiến các con thích mà vẫn giáo dục và định hướng được. Vì thế, anh đã cố gắng hoàn thành tác phẩm này với tinh thần "mình cũng từng là một đứa bé".
Lấy hình tượng cá mập vốn bị mặc định là hung dữ làm nhân vật chính, Đinh Tiến Dũng phá vỡ định kiến, để trẻ được mở rộng thế giới quan của mình. Để thấy, ai cũng có thể bảo vệ người khác, ai cũng có thể trở thành người tốt. Và, ai cũng được quyền có ước mơ.
Trần Ngọc Sương (8 tuổi, Hà Tĩnh) chia sẻ sau đêm nhạc kịch: "Nghỉ hè nên em được bố mẹ cho ra Hà Nội chơi và được đi xem nhạc kịch. Em sẽ nhớ lời dạy của cá mập bố để luôn chăm ngoan, ăn ngoan chóng lớn, trở thành niềm tự hào của bố mẹ".
Chị Kiều Trang (Cầu Giấy, Hà Nội), chị gái của Ngọc Sương, lại khá bất ngờ với tình tiết của vở nhạc kịch: "Tôi đã từng đọc câu chuyện nguyên tác nên khi xem tôi khá bất ngờ. Đúng là những câu chuyện đã được cài cắm, làm mới tạo cho các bé sự tò mò muốn khám phá nhiều hơn, nhưng cũng dạy cho người lớn nhiều điều về việc phá vỡ những định kiến cũ và tôn trọng sự khác biệt của tất cả mọi người".
TTO - Trong 4 ngày 12, 13, 14 và 16-4, các em học sinh Trường tiểu học Lương Định Của (quận 3, TP.HCM) đã có những buổi xem và tìm hiểu biểu diễn múa rối nước ngay tại sân trường.