Báo cáo Đánh giá Ổn định Tài chính lãi suất của ECB được công bố hôm thứ Tư (31/5) cho biết, lãi suất cao hơn đang thử thách khả năng phục hồi của các hộ gia đình, công ty, chính phủ và thị trường bất động sản. ECB cảnh báo rằng điều đó khiến các nhà đầu tư có khả năng phải đối mặt với những điều chỉnh mang tính chất hỗn loạn.
Mặc dù các ngân hàng đã cho thấy khả năng phục hồi đáng kể trước những bất ổn gần đây ở Mỹ và Thụy Sĩ, nhưng chi phí lãi cao hơn và chất lượng tài sản thấp hơn vẫn có thể làm giảm khả năng sinh lời của các ngân hàng.
“Các thị trường tài chính vẫn dễ bị tổn thương trước kết quả tăng trưởng và lạm phát kém thuận lợi hơn. Động lực thị trường bất lợi có thể được khuếch đại bởi việc bán chứng khoán bắt buộc”, ECB cho biết trong báo cáo.
Các cảnh báo đóng vai trò là một báo cáo tác động toàn diện về chiến dịch thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ nhất trong lịch sử 25 năm của ECB. Nhưng bất chấp những nguy cơ xoay vòng đối với sự ổn định tài chính và tăng trưởng kinh tế trong khu vực đồng euro, các quan chức cho biết, đợt tăng lãi suất kể từ tháng 7/2022 hiện vẫn chưa kết thúc.
Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos cho biết trong báo cáo: “Sự ổn định về giá vẫn quan trọng hơn bao giờ hết để duy trì sự ổn định tài chính lâu dài, trước khi giải thích chi tiết về các tác dụng phụ mà các nhà hoạch định chính sách hiện phải chấp nhận”.
“Các điều kiện tài chính thắt chặt hơn để giải quyết mạnh mẽ tình trạng lạm phát cao đã góp phần đánh giá lại triển vọng kinh tế và đảo ngược phần bù rủi ro giá tài sản bị nén quá mức. Khi các điều kiện tài chính trở lại bình thường, điều này có thể bộc lộ những yếu kém và các đường đứt gãy trong hệ thống tài chính”, ông cho biết.
Bất động sản là một lĩnh vực chịu ảnh hưởng mà ECB chỉ ra trong báo cáo. Giá nhà đã hạ nhiệt đáng kể trong một khoảng thời gian tương đối ngắn và có thể giảm mạnh hơn nữa nếu chi phí thế chấp cao hơn tiếp tục làm giảm nhu cầu.
Đồng thời, thị trường bất động sản thương mại vẫn trong tình trạng suy thoái do điều kiện tài chính khó khăn hơn, triển vọng kinh tế không chắc chắn và nhu cầu sau đại dịch yếu hơn. ECB cho biết sự điều chỉnh đó có thể kiểm tra khả năng phục hồi của các quỹ đầu tư.
“Sự điều chỉnh trên thị trường bất động sản có thể trở nên hỗn loạn trong trường hợp có những bất ngờ về tài chính vĩ mô tiêu cực”, báo cáo cho biết.
Báo cáo cũng chỉ ra một số điểm sáng, đồng thời cảnh báo rằng chúng không nên được xem là điều hiển nhiên sau cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu ở Mỹ.
“Trong tất cả những thách thức này, khả năng phục hồi của các ngân hàng khu vực đồng euro là rất đáng chú ý, nhưng không nên nhường chỗ cho sự tự mãn”, Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos cho biết.
Theo ECB, những ngân hàng đã được hỗ trợ bởi các vị thế vốn và thanh khoản mạnh mẽ phải được bảo toàn. Các nhà chức trách nên duy trì các bộ đệm vốn an toàn vĩ mô trong khi một số quốc gia cũng có thể xem xét “các mức tăng vốn có mục tiêu”.
ECB cho biết, do rủi ro tăng cao đối với tăng trưởng kinh tế và những căng thẳng thị trường gần đây, các ngân hàng nên hạn chế nâng tỷ lệ chi trả cổ tức và thay vào đó tập trung vào việc duy trì khả năng phục hồi hiện có.
Một số ngân hàng lớn của châu Âu đã giành được sự chấp thuận từ cơ quan giám sát của ECB vào đầu năm nay để phân phối hàng tỷ euro vốn dư thừa cho các nhà đầu tư thông qua việc mua lại cổ phần.
“Củng cố liên minh ngân hàng và đáng chú ý là đạt được tiến bộ trong chương trình bảo hiểm tiền gửi chung của châu Âu sẽ củng cố khả năng của hệ thống tài chính khu vực đồng euro trong việc chống lại rủi ro trong tương lai”, ông Luis de Guindos cho biết.