Từ những cái bắt tay với các quan chức cho đến các chuyến thăm tới các bộ hàng đầu của chính phủ Trung Quốc, chuyến thăm Bắc Kinh của Elon Musk đang làm nổi bật vị trí của đất nước tỷ dân trên thị trường xe điện toàn cầu.
Anthony Sassine, chiến lược gia đầu tư cấp cao tại công ty quản lý đầu tư Kraneshares cho biết chuyến thăm Trung Quốc của Giám đốc điều hành Tesla là một "chuyến đi rất quan trọng" đối với ông.
Trung Quốc chiếm 50% doanh số bán xe và 20% năng lực sản xuất của Tesla, và chuyến thăm này sẽ “làm sáng tỏ câu chuyện, để đảm bảo rằng ông ấy có cùng quan điểm với chính phủ Trung Quốc hay không”, Sassine nói trong 1 chương trình của đài CNBC.
Trong buổi báo cáo kết quả kinh doanh của Tesla vào tháng 4, Musk đã xác định căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc là rủi ro đối với các dự đoán của công ty cho năm 2023.
Chính trị và kinh tế vĩ mô
Sassine cho biết chuyến thăm cũng có thể được coi là một “tuyên bố chính trị” đối với Trung Quốc, nơi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp như Musk và giám đốc JPMorgan Jamie Dimon đang “nói với các chính trị gia ở cả hai bờ Thái Bình Dương rằng doanh nghiệp cần sự ổn định chính trị”.
Chính trị không phải là lý do duy nhất. Sassine chỉ ra rằng môi trường vĩ mô đối với xe điện ở Trung Quốc rất “khó khăn” và nhấn mạnh việc Trung Quốc chấm dứt trợ cấp cho việc mua xe điện mới, cũng như việc tăng lãi suất ở Mỹ.
Trước những điều kiện như vậy, các công ty đã giảm giá để thúc đẩy doanh số bán hàng và điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của họ.
Cuộc chiến giá
Tesla đã giảm giá bán xe điện tại Trung Quốc vào tháng 10 và tháng 1 năm ngoái, nhưng sau đó lại tăng giá vào tháng 5. Tuy nhiên, giá xe của Tesla vẫn thấp hơn so với đầu năm 2023 do nhiều đợt giảm giá trên toàn thế giới.
Bill Russo, người sáng lập kiêm Giám đốc điều hành của công ty tư vấn chiến lược và đầu tư Automobility cho biết việc Tesla buộc phải giảm giá ngay từ đầu cho thấy tầm quan trọng của thị trường Trung Quốc đối với nhà sản xuất ô tô điện của Mỹ.
“Điều đó báo hiệu tầm quan trọng của việc bảo vệ thị trường Trung Quốc và tầm quan trọng của thị trường này đối với hệ thống toàn cầu, quy mô của Trung Quốc là rất quan trọng”, ông nói trên “Squawk Box Asia” của CNBC.
Russo cho biết Tesla cần quy mô kinh tế mà Trung Quốc cung cấp để duy trì lợi thế chi phí trên toàn cầu, “nhưng để duy trì điều đó, bạn cần đảm bảo rằng bạn duy trì mức độ phù hợp của mình ở đó”.
Tuy nhiên, điều đó sẽ không dễ dàng đối với Tesla. Ông lưu ý rằng Trung Quốc là thị trường cạnh tranh nhất đối với xe điện khi mà Tesla phải cạnh tranh với nhiều công ty địa phương để giành ưu thế. “Tesla, không giống như những nơi khác trên thế giới, không phải là công ty hàng đầu duy nhất tại thị trường này”, ông nói thêm.
Khi được hỏi liệu chiến lược giảm giá của Tesla có phù hợp hay không, Russo cho biết Tesla đang “chiến đấu với một danh mục đầu tư cũ” – Model 3 đã ra mắt cách đây 3 năm và Model Y cách đây 2 năm.
Do đó, công ty này đã phải sử dụng giá để cạnh tranh với các công ty EV Trung Quốc đang giới thiệu các mẫu xe mới và để chống lại sự lão hóa của danh mục sản phẩm.
Russo chỉ ra rằng nhà sản xuất EV Trung Quốc BYD mở rộng bán cả các dòng xe hybrid và đây là “vũ khí mà Tesla không có”. Ông nói thêm rằng BYD cũng bán chạy hơn Tesla gấp đôi trong lĩnh vực kinh doanh pin điện thuần túy.
Do đó, Tesla phải dựa vào giá cả để duy trì khả năng cạnh tranh của mình, không giống như những nơi khác trên thế giới, nơi hãng không phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt như vậy.
Ông nói: “Vấn đề là Tesla ở mọi nơi khác trên thế giới đều đại diện cho 'xe điện cao cấp', nhưng để chiến đấu trong cuộc chiến tại Trung Quốc, họ phải tiến hành một cuộc chiến về giá”.
“Thông thường, các công ty có thể định giá cao hơn sẽ chiến thắng trong cuộc chiến giá cả và hiện tại Tesla không phải là đối thủ cạnh tranh về giá thấp nhất trên thị trường”.
Tâm điểm của các CEO
Không chỉ Elon Musk, nhiều CEO của các công ty lớn nhất của Mỹ cũng có mặt ở Trung Quốc trong tuần này để nắm bắt nhịp đập của một trong những thị trường hàng đầu của họ sau khi đất nước này mở cửa trở lại sau gần ba năm hạn chế đại dịch.
Một số cái tên có thể kể đến ngoài Elon Musk của Tesla là Laxman Narasimhan của Starbucks và Jamie Dimon của JPMorgan. Trước đó, các nhà lãnh đạo của Apple, Samsung, Aramco, Volkswagen, HSBC, Standard Chartered và Kering cũng có mặt tại đây.
Sự xuất hiện của các CEO tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nêu bật tầm quan trọng của Trung Quốc đối với nhiều công ty.
Nguồn: CNBC