Một chuyến đi chơi xa mơ ước, những gói quà nghĩa tình hay nhiều hoạt động khác là những cố gắng mong phần nào bù đắp cho bao bạn nhỏ là trẻ mồ côi, kém may mắn do nhiều đơn vị cùng làm nhân dịp Quốc tế thiếu nhi năm nay.
"Ba con mất vì COVID-19, con ao ước được đi chơi quá chừng, nhưng mẹ phải đi làm kiếm tiền nuôi hai anh em đi học. Được đi Đà Lạt, con vui không thể tả luôn", T.Hương (14 tuổi, quận 8, TP.HCM) bày tỏ.
Chuyến đi mơ ước
Như món quà động viên sau một năm học, các bạn nhỏ có thể đi cùng ba hoặc mẹ trong chuyến đi này. "Tôi thấy thật ấm lòng khi đưa hai con đi chuyến du lịch với các bạn cùng cảnh ngộ. Các con phần nào được bù đắp sau mất mát. Thằng nhỏ nhà tôi háo hức lắm, còn hỏi mẹ hè năm sau có được đi nữa không", chị T.Phương (quận 5) kể.
Hai anh em Phúc, Tân giữ ấm bằng hai chiếc nón hình gấu khá nổi bật trong chuyến đi. Đó cũng là món quà cuối cùng ba tặng hai cậu con trai hồi hè năm 2021. "Ba tặng nón xong có mấy ngày là bị COVID-19, cả nhà bốn người đều bị hết. Chỉ có ba đi cách ly và mãi không về" - Phúc rớm nước mắt, tay mân mê món quà của ba tặng.
Thạc sĩ Lê Minh Hiển - trưởng phòng công tác xã hội Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết sau đợt dịch COVID-19, bệnh viện đã nhận bảo trợ, chăm sóc 33 em mồ côi vì dịch. Mỗi tháng bệnh viện hỗ trợ 2 triệu đồng cho mỗi em dưới cấp II và 3 triệu đồng cho các em cấp II trở lên. Chương trình cũng chăm lo cả sức khỏe và vật chất cho các bạn đến khi học xong chương trình đại học, cao đẳng, trung cấp.
"Các con chịu tổn thương khủng khiếp do COVID-19 gây ra, giờ chỉ còn hoặc ba hoặc mẹ bên cạnh. Bệnh viện đang cùng gia đình cố gắng bù đắp phần nào sự mất mát ấy của các con. Mong rằng một chút quan tâm chia sẻ của chúng tôi để các con lớn lên thành người tử tế", anh Hiển chia sẻ.
Món quà cho trẻ thiệt thòi
Trẻ mồ côi vì dịch COVID-19 được quan tâm đặc biệt mỗi dịp lễ dành cho thiếu nhi. Bốn anh em Bảo Trân (quận 4) đã không còn cha mẹ sau trận dịch ấy. Dịp Quốc tế thiếu nhi năm nay, Trân và bé út mới 5 tuổi đến nhận quà cùng kinh phí hỗ trợ của Hội Nông dân TP.HCM.
"Con vui vì được nhận quà nhưng cũng nhớ ba mẹ lắm. Thường mấy dịp lễ này ba mẹ dẫn anh em tụi con đi chơi, đi ăn uống. Con chỉ ước có ba mẹ bên cạnh thôi", Bảo Trân (10 tuổi) rưng rưng.
Còn hơn tháng nữa đến giỗ mẹ, mấy ngày sau nữa là giỗ ba. Chị Nguyễn Thị Hồng Phúc - mợ cũng là người đang cưu mang bốn anh em Trân - kể lúc đỉnh dịch, mẹ đám nhỏ nấu cơm cùng người khác rồi mang tặng người nghèo các con hẻm bị phong tỏa. Rồi không may nhiễm bệnh, cả nhà lây nhau, nhưng hai vợ chồng không qua khỏi, để lại bốn đứa con. Bé út khi đó mới 3 tuổi.
"Tụi tui là cậu mợ, cùng người thân thay cha mẹ nuôi dạy các cháu. Chồng tôi chạy xe ôm công nghệ, tôi ở nhà nội trợ, cũng phải lo đứa con đang học đại học. Nói thiệt là chi phí lo cho mấy đứa cũng nhờ người thân trong nhà, rồi một phần nhờ xã hội", chị Phúc bộc bạch.
Dịp Quốc tế thiếu nhi năm nay, các bạn nhỏ ở Trung tâm Bảo trợ trẻ em Tam Bình (TP Thủ Đức) rất vui khi có sân chơi, xem văn nghệ và còn được Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đến thăm, tặng quà.
Hơn 180 trẻ mồ côi, khuyết tật, bị bỏ rơi, hoàn cảnh đặc biệt đang được nuôi dưỡng ở đây còn được hứa sẽ có sân bóng mini, sân chơi sắp tới như ước nguyện khi phó thủ tướng hỏi thăm. "Vừa có quà, sắp tới chúng con còn có sân bóng mini để chơi vì con yêu đá bóng lắm", Phan Văn Vàng (11 tuổi) nói như reo.
Hàng ngàn phần quà đem niềm vui cho trẻ
Phó bí thư Thành Đoàn TP.HCM Trịnh Thị Hiền Trân cho biết Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM phối hợp cùng Thành Đoàn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chuẩn bị 2.000 phần quà cho các bạn nhỏ ở bảy trung tâm, cơ sở bảo trợ trẻ em và 43 khu lưu trú công nhân. Các quận, huyện Đoàn và Thành Đoàn Thủ Đức cũng vận động xã hội hóa nhiều nguồn để chăm lo cho thiếu nhi dịp này.
Trong khi đó, các đội nhóm tình nguyện của nhiều bạn trẻ tại TP.HCM đã có các chuyến đi với những chương trình, sân chơi dành cho nhiều bạn nhỏ vùng sâu vùng xa.
Như các bạn nhỏ xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm (Bến Tre) đã có một ngày vui chơi thỏa thích, thưởng thức các món ngon của gian hàng ẩm thực, lại còn được chọn quà tại siêu thị 0 đồng với phần lớn là bánh kẹo, đồ dùng học tập, cặp sách, nhu yếu phẩm...
"Đi đâu mọi người cũng nói Đà Nẵng là thành phố đáng sống. Anh Bình (ông Trương Gia Bình - chủ tịch FPT, chủ tịch sáng lập Trường Hy Vọng) nói tại sao mình không đưa những đứa trẻ đến nơi đáng sống?".