Đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định) tranh luận.
Sáng 1/6, đại biểu Vũ Trọng Kim (Nam Định) đã nối dài cuộc tranh luận về cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm từng làm nóng nghị trường từ sáng 31/5.
Đây cũng là phiên thứ ba, Quốc hội thảo luận tại hội trường về kinh tế, xã hội, ngân sách, nhưng nỗi lo lớn của nhiều đại biểu lại nằm ở công tác cán bộ.
Thời gian tranh luận chỉ được 2 phút, song ông Kim bày tỏ là muốn làm "tới bờ, tới bến" về vấn đề khiến ông giơ biển.
Trước hết, ông bày tỏ đồng ý với các đại biểu Trần Hữu Hậu (Tây Ninh), Tạ Văn Hạ ( Quảng Nam), Tô Văn Tám (Kon Tum) đã phát biểu trước, rằng sợ trách nhiệm là thực trạng, là có thật.
Đồng ý với các đại biểu rằng, "bên trong cán bộ sợ sai, bên ngoài dân chúng thở dài âu lo", song ông Kim nhấn mạnh, các đại biểu chưa chỉ ra đầy đủ nguyên nhân, hay nói cách khác là "nguyên nhân nhạy cảm nhất chưa nói ra".
Theo ông, hiện nay, cán bộ không chỉ sợ sai, mà còn "né tránh, đùn đẩy, cái gì thuận lợi thì vơ vào mình, cái gì khó khăn thì đẩy cho tổ chức, người khác, bên ngoài".
“Đấy là biểu hiện rất rõ. Biểu hiện này, tôi phê bình các đại biểu chưa đọc Nghị quyết Trung ương 7 giữa nhiệm kỳ. Hôm qua, chưa ai nói đến hội nghị này. Mà có một bài phát biểu quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư nói rõ biểu hiện này, thậm chí nói rõ hơn các đại biểu ở đây, nói rõ cả nguyên nhân nữa", ông Kim phát biểu.
Ông Kim nói tiếp, trong bài phát biểu của Tổng Bí thư đã nêu rõ "một bộ phận cán bộ sợ rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng mạnh mẽ, quyết liệt thì cán bộ nhụt chí, không dám làm". Theo ông, đây là nguyên nhân chính, nhưng các đại biểu chưa nói tới mà cứ vòng vòng xung quanh.
"Tôi không cắt nghĩa ở đây, nhưng tôi cho rằng, cần nghiên cứu bài phát biểu của Tổng Bí thư để tìm giải pháp", ông Kim nêu quan điểm.
Về giải pháp, ông Kim đề nghị, từ nay, các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan có liên quan khác phụ trách cơ quan đơn vị nào phải chịu trách nhiệm liên đới về những sai sót của cơ quan đơn vị đó thì mới công bằng.
Như vậy, mới có sự hỗ trợ giúp đỡ để các cơ quan, đơn vị có điều chỉnh cần thiết trong hoạt động, ông Kim nhấn mạnh.
"Các đồng chí phạt 3 thẻ vàng cộng lại bằng 1 thẻ đỏ. Nếu như cứ phạt thẻ đỏ thế này thì rất nguy hiểm. Tức là, nó phải đặc biệt nghiêm trọng, nghiêm trọng, còn ít nghiêm trọng thì có luật khác. Chứ không nhân dân người ta bảo: Cứ nuôi cho béo rồi sẽ thịt", ông Kim nêu.
Đại biểu tỉnh Nam Định cũng đề nghị "hết sức tránh hình sự hóa các vụ án kinh tế". Bên cạnh đó, phải hoan nghênh thẩm phám làm đúng, đầy đủ, xuất sắc nhiệm vụ được giao, nhưng đồng thời phải để cho luật sư làm hết nghĩa vụ của mình và làm một cách xuất sắc trong môi trường nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) giơ biển để tiếp tục tranh luận, với đại biểu Vũ Trọng Kim và các đại biểu trước.
Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) tranh luận. |
Ông Vân cho rằng, hành vi không làm gì cả của cán bộ là một hành vi vi phạm pháp luật, vì như thế là không thực hiện bổn phận nghĩa vụ mà nhà nước trao cho.
Theo ông, có thể chia loại cán bộ này thành 3 nhóm: nhóm thứ nhất là không biết gì, nên không làm được gì; nhóm thứ hai là không có lợi thì không làm; nhóm thứ ba là biết nhưng sợ không làm.
"Ba nhóm đấy đều không thực hiện nghĩa vụ mà pháp luật trao cho, mà ở đây là Nhà nước, nhân dân trao cho. Đó là vi phạm pháp luật, mà vi phạm như vậy thì phải xử lý. Rất đáng tiếc là, các cấp, các ngành thấy cán bộ không làm gì là vi phạm nhưng không xử lý", ông Vân nhìn nhận.
Cần có biện pháp để xử lý loại cán bộ không làm gì theo tính chất mức độ và hậu quả gây ra, ông Vân đề nghị.
"Một người không làm gì cả, mà gây ra hậu quả nghiêm trọng thì phải xử lý hình sự. Ví dụ, bác sĩ không cứu người gây ra hậu quả chết người là phải truy tố. Một chủ tịch tỉnh mà không làm gì dẫn đến kinh tế đình trệ không phát triển khiến cho doanh nghiệp, nhân dân lao vào khó khăn, gây hậu quả lớn hơn nhiều vị bác sĩ kia nhưng không xử lý. Tôi đề nghị, phải xử lý nghiêm khắc các trường hợp như vậy", ông Vân phát biểu.