Giá điện rẻ cho thấy những nỗ lực chuyển đổi năng lượng nhiều năm qua của châu Âu nhằm tiết kiệm năng lượng, đa dạng hóa nguồn cung đã bắt đầu có hiệu quả.
Điện rẻ nhờ nắng, gió và nước
Theo trang Montel News, tại Đức - thị trường tiêu thụ điện lớn nhất châu Âu, vào ngày
30-5, giá điện bán sỉ cho nhà cung cấp điện là -109,45 euro/MWh lúc 14h. Hà Lan chứng kiến mức giá theo giờ thấp nhất trong ngày 30-5 là -185,86 euro/MWh. Giá điện theo giờ cũng rớt xuống dưới 0 ở Áo, Bỉ, Pháp vào một số thời điểm.
Trước đó, trong ngày chủ nhật 29-5, giá điện ở Hà Lan là -400 euro/MWh, ghi nhận lúc 14h, do sản lượng điện gió rất cao. Trong khi đó, thị trường Bắc Âu (Phần Lan) chứng kiến mức giá theo giờ thấp kỷ lục là -12,92 euro/MWh vì thừa thủy điện do lượng nước tan ồ ạt trong mùa xuân.
Cần lưu ý đây là mức giá cho các nhà cung cấp điện, chứ không có hộ gia đình nào vừa được dùng điện "tẹt ga" vừa được trả lại tiền với mức giá "âm" đó. Vì ở châu Âu, các hộ mua điện theo hợp đồng với giá cố định hoặc giá theo năm, ước tính số điện mua dựa trên lượng tiêu thụ của năm trước.
Thị trường năng lượng châu Âu vận hành dựa trên liên kết sâu rộng giữa các quốc gia. Giá điện chỉ chênh lệch không đáng kể giữa các khu vực do thời tiết, nhà cung cấp và các yếu tố khác.
Toàn hệ thống vận hành theo thứ tự ưu tiên căn cứ vào giá sản xuất các nguồn điện. Những nguồn rẻ nhất (điện tái tạo) được ưu tiên dùng nhiều nhất trong khi những nguồn giá cao (thường là điện từ than đá và khí đốt) chỉ được ưu tiên khi nhu cầu cao. Tuy nhiên, giá điện trên thị trường được thiết lập trên cơ sở giá bán điện cao nhất. Đây là lý do trong khủng hoảng năng lượng năm ngoái, nhiều quốc gia đã điều chỉnh lợi nhuận của các công ty điện tái tạo để đưa giá điện về mức hợp lý hơn.
Ông Sebastian Schulte-Derne, giám đốc một công ty điện ở Đan Mạch, cho biết điện tái tạo là loại điện rẻ nhất hiện nay, do đó càng sản xuất ra nhiều và đưa vào hệ thống thì giá điện sẽ càng rẻ. Trong tương lai, điện tái tạo sẽ là trụ cột của thị trường điện châu Âu.
Điện tái tạo là an ninh năng lượng
Ở giai đoạn đầu của chiến sự Nga - Ukraine, đã có suy đoán rằng việc thoát ly khí đốt của Nga sẽ buộc châu Âu phải quay lại với than đá - nguồn năng lượng tạo ra nhiều phát thải ô nhiễm mà khối này muốn từ bỏ. Tuy nhiên, điều này không đúng. EU đã quyết định đẩy nhanh quá trình chuyển sang điện tái tạo, cắt giảm nhanh nhu cầu khí đốt và dần loại bỏ điện than.
Ông Nicolas Leicht, chuyên gia thuộc công ty nghiên cứu về năng lượng Aurora, giải thích trên mạng lưới nhà báo về chuyển đổi năng lượng rằng việc "cải cách thị trường điện đã được đặt ra hơn chục năm qua ở EU, chỉ là nó được đẩy nhanh hơn do chiến sự Nga - Ukraine".
Dù có chiến sự hay không, châu Âu vẫn xác định khối này cần đổi mới cung cấp điện trong 10 - 15 năm tới để đạt mục tiêu trung hòa carbon hoàn toàn nền kinh tế vào năm 2050 và ứng phó với các thách thức ngắn hạn như thời tiết cực đoan, giá nhiên liệu hóa thạch cao kéo dài, áp lực thoát ly điện than.
Trong kế hoạch chuyển đổi năng lượng REPowerEU của EC công bố tháng 5-2022, các nước châu Âu thống nhất thực hiện bốn nhóm hành động gồm: giảm 80% sự phụ thuộc vào khí đốt Nga trong tám tháng; giảm 20% nhu cầu về điện; tăng đầu tư và gấp đôi lượng điện tái tạo, đảm bảo các nguồn cung khí đốt và dầu giá cả hợp lý để kiểm soát giá điện.
Ông Leicht cho biết chuyển đổi năng lượng ở châu Âu không phải vì thiết kế hiện tại của thị trường điện EU không tốt. Khủng hoảng giá điện năm 2022 nhắc nhở rằng dù đã ở vị trí hàng đầu về phát triển và triển khai các công nghệ điện tái tạo, EU vẫn có thể đẩy mạnh hơn nữa năng lượng tái tạo vì việc này có tầm quan trọng cả về môi trường lẫn an ninh chiến lược, giúp khối này bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn trước việc tăng giá điện do giá nhiên liệu hóa thạch cao.
Giá điện âm không ảnh hưởng tới nhà sản xuất
Trả lời Tuổi Trẻ, Bert Willems - nhà nghiên cứu về thị trường năng lượng, giảng viên ĐH Tilburg ở Hà Lan - cho biết mức giá bán điện âm không ảnh hưởng đến các nhà phát triển điện tái tạo vì họ nhận được nhiều khoản hỗ trợ. Đó cũng là một phần lý do giúp giá điện tái tạo rẻ hơn và EU vẫn sẽ tiếp tục hướng tới mục tiêu tăng sản lượng loại điện này.
Trong khi nguồn điện tái tạo (điện gió, điện mặt trời) đang lãng phí, không được huy động nhưng lại đi nhập khẩu điện từ Lào và Trung Quốc, nhiều đại biểu đã chất vấn về việc liệu có hay không vướng mắc thủ tục, quy trình và bất cập của ngành điện?