Giảm thuế đại trà hay chọn lọc, giảm 2% hay 4%, giảm 6 tháng hay vắt qua năm 2024 là những vấn đề nóng khi Quốc hội thảo luận về chính sách giảm thuế VAT để kích cầu tiêu dùng và thúc đẩy sản xuất kinh doanh.
Hiện Quốc hội đang có 2 luồng ý kiến xoay xung quanh chính sách này. Một số đại biểu ủng hộ mở rộng giảm thuế VAT cho tất cả hàng hóa, dịch vụ vì nền kinh tế là một thực thể liên hoàn, kết nối chặt chẽ.
Một số khác cho rằng chỉ nên giảm những ngành phù hợp đang thực sự khó khăn để không ảnh hưởng quá lớn đến nguồn thu ngân sách.
Giảm thuế VAT và bài toán cân đối ngân sách
Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế giá trị gia tăng đối với tất cả các nhóm hàng hoá đang áp dụng mức thuế suất 10%, vì hiện nay các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh đều đang gặp khó khăn.
Đặc biệt, cũng có ý kiến đề nghị cân nhắc nâng tỉ lệ giảm thuế GTGT đến 4% để khoan thư sức dân, nuôi dưỡng nguồn thu.
Việc giảm thuế VAT đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất thuế 10% sẽ góp phần giảm giá bán, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.
Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động.
Bên cạnh đó, nếu triển khai tốt, Nhà nước cũng sẽ hưởng lợi từ chính sách này ở kết quả cuối cùng.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Lê Thanh Vân cho rằng việc giảm thuế dẫn đến giảm giá sản phẩm sẽ làm tăng doanh số bán hàng cho nên dù số thu từ thuế GTGT giảm nhưng số thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp, xuất nhập khẩu, thu nhập cá nhân, phí và lệ phí… có thể tăng lên, cùng với đó là tăng cường kiểm tra giám sát chống thất thu thuế.
Những khoản này sẽ bảo đảm cho cân đối ngân sách.
Ngành nào đang khó khăn hơn?
Trao đổi bên hành lang Quốc hội, Đại biểu Trương Xuân Cừ, Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội phân tích: "Đã là khó khăn là khó khăn chung, nếu chi li ra thì có những ngành khó khăn nhiều có những ngành khó khăn ít và có những doanh nghiệp khó khăn nhiều hơn.
Tuy nhiên, đại đa số là khó khăn cho nên việc mở rộng các loại hình ngành nghề lĩnh vực để cùng giảm thuế 2% là cần thiết để cũng thể hiện là chính sách của chúng ta công bằng".
Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Trung tâm trọng tài Việt Nam: "Cần giảm 2% thuế VAT với tất cả mặt hàng", mọi cơ hội kinh doanh đều quý giá, trong lúc doanh nghiệp khó khăn, việc giảm thuế này sẽ kích cầu, giải quyết khó khăn thị trường - nút thắt lớn nhất với doanh nghiệp lúc này.
Ông Lộc cho rằng, bối cảnh khó khăn, các loại hình kinh doanh có sự đan xen, chồng chéo và liên đới với nhau nên việc giảm với mặt hàng, lĩnh vực này mà không giảm đối với mặt hàng kia gây khó khăn cho doanh nghiệp, đặc biệt là hiện nay các doanh nghiệp đã và đang hoạt động đa ngành, có mua bán, công nợ nhiều mặt hàng, doanh nghiệp thuộc nhiều loại hình khác nhau.
Đồng tình với ý kiến này, ĐBQH Trịnh Xuân An, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai nhìn nhận, việc giảm thuế VAT sẽ tạo thành một động lực, một cú hích cho tiêu dùng của người dân.
"Nếu mà giảm được, thì mặt hàng nào đã 10% thì giảm xuống 8%, chúng ta không nên phân biệt ra, loại trừ một số mặt hàng này nọ kia. Như vậy sẽ có tính đồng bộ, tạo ra tính toàn diện trong chính sách tài khóa".
Nhiều mặt hàng cần được giảm thuế VAT để kích cầu và các đại biểu Quốc hội đề xuất nên giảm đại trà chứ không riêng lĩnh vực nào
Bày tỏ sự ủng hộ với phương án này, GS. TS. Trần Hoàng Ngân, đại biểu Quốc hội TP.HCM cho rằng trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đà tăng trưởng suy giảm, chúng ta cần chính sách tài khóa mở rộng.
"Các ngành nghề lĩnh vực đều kết nối nhau, vì vậy, chọn cái gì dễ quản lý, dễ làm mới hiệu quả, cần giảm thuế VAT cho đại trà chứ không nên khoanh vùng, thậm chí có thể kéo giảm thuế này sâu hơn", ông Ngân nhấn mạnh.
Theo ông Ngân, trong ba năm qua doanh nghiệp khó khăn liên tiếp, vì vậy, giờ chính sách cần phải bình tĩnh để giải quyết "căn cơ" các thách thức và giải bài toán một cách tổng thể. Vì vậy "không thể giải quyết theo kiểu chữa cháy, vì đám cháy này sẽ lan sang đám cháy khác", đại biểu Ngân nói.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường, lại cho rằng cần mở rộng đối tượng hỗ trợ theo hướng giảm 2% cho hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất VAT 10%, không loại trừ đối với một số hàng hóa, dịch vụ bởi ngành nào cũng là những lĩnh vực khó khăn, cần kích cầu tiêu dùng.
Thực tế cho thấy, việc giảm VAT đồng loạt 2% sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn so với chính sách giảm thuế VAT chỉ chọn lọc, khoanh vùng cho một số ngành từng áp dụng năm 2022. Khi đó, việc chỉ giảm thuế với một số mặt hàng khiến doanh nghiệp kê khai, nộp thuế rất phức tạp.
Các doanh nghiệp, cơ quan thuế, hải quan rơi vào trạng thái lo ngại nếu xác định không đúng mặt hàng được giảm sẽ tạo nguy cơ bị xử phạt, kỷ luật sau này.
Nền kinh tế trông vào vốn đầu tư công nhưng cả triệu tỉ đồng chưa giải ngân được, phải gửi tại ngân hàng.