Ông Huỳnh Tất Đạt - phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp - cho biết từ đầu năm đến nay xảy ra một số vụ sạt lở trên sông Tiền và sông Hậu.
Đáng chú ý là vụ sạt lở nghiêm trọng dài gần 1km tại xã Mỹ An Hưng B, huyện Lấp Vò, 13 vụ sạt lở kênh nội đồng và gần đây tại huyện Cao Lãnh cũng xảy ra hai vụ sạt lở.
Ngành chức năng đã khảo sát các điểm sạt lở nghiêm trọng, tiến hành đo đạc lòng sông Tiền và sông Hậu tại các điểm đã sạt lở và nguy cơ sắp sạt lở. Song song đó đẩy nhanh tiến độ các dự án chống sạt lở, triển khai các dự án chống sạt lở theo các tuyến dân cư, phối hợp địa phương kiểm tra, di dời dân ra khỏi vành đai sạt lở.
"Chúng tôi đang thực hiện sắp xếp lại các lồng bè, thí điểm dùng lồng bè che chắn, giảm tốc độ dòng chảy tại các huyện Thanh Bình, Cao Lãnh, Hồng Ngự. Đây vừa là giải pháp nằm trong quy hoạch quản lý lòng bè nuôi cá, vừa tạo điều kiện bồi lắng phù sa", ông Đạt nói.
Ngoài ra, đại diện các cơ quan báo chí cũng quan tâm nguồn cát cung ứng cho công trình trọng điểm quốc gia đi qua địa bàn tỉnh.
Ông Nguyễn Công Minh - phó chánh Văn phòng UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết hiện công tác giải phóng mặt bằng thực hiện cao tốc khá tốt, đảm bảo tiến độ khởi công cao tốc An Hữu - Cao Lãnh dự kiến vào ngày 25-6.
Vấn đề nguồn cát đang "nóng bỏng" là tình trạng chung, nhưng tỉnh chủ trương ưu tiên, đảm bảo cho công trình được khởi công và hoàn thành đúng kế hoạch.
Tỉnh Phú Yên sử dụng ngân sách 245 tỉ đồng để làm bảy đoạn kè chống tình trạng sạt lở bờ sông Ba đang uy hiếp tài sản, tính mạng người dân.