Phát biểu tại Oslo, Na Uy, ngày 1-6, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg tin tưởng rằng Thụy Điển sẽ trở thành thành viên của NATO và "chúng tôi đang nỗ lực để điều đó diễn ra càng sớm càng tốt". Các nước hy vọng kết nạp Stockholm trước tháng 7 tới.
Theo nhà lãnh đạo NATO, ông đã gọi điện cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người vừa tái đắc cử cuối tuần trước, để "nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được tiến triển" về tư cách thành viên của Thụy Điển.
"Tôi sẽ sớm đến Ankara trong thời gian ngắn sắp tới để tiếp tục thảo luận về cách đảm bảo kết nạp Thụy Điển sớm nhất có thể", Hãng tin AFP dẫn lời ông Stoltenberg nói.
Thụy Điển và Phần Lan nộp đơn xin gia nhập NATO vào năm ngoái, nhưng chỉ mới có Phần Lan được kết nạp vào tháng 4-2023. Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary là hai thành viên NATO chưa phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển.
Ông Erdogan chỉ trích Thụy Điển là nơi trú ẩn của "những kẻ khủng bố", đặc biệt là các thành viên của Đảng Công nhân người Kurd (PKK).
Trong khi đó, Ngoại trưởng Tobias Billstrom của Thụy Điển cho biết nước này đã thực hiện "tất cả các cam kết" để gia nhập NATO, đồng thời kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary ủng hộ Stockholm.
Nhà ngoại giao Thụy Điển nói rằng nước ông đã thực hiện luật chống khủng bố mới theo hiệp định ký với Ankara vào năm ngoái. Ông hy vọng sẽ đạt được bước tiến về vấn đề này trong cuộc gặp giữa các đại diện hai nước trong những tuần tới.
Thành viên mới của NATO, Phần Lan, cũng cho rằng đạo luật chống khủng bố mới của Thụy Điển có ý nghĩa quan trọng và Thổ Nhĩ Kỳ nên tiếp tục quá trình phê chuẩn Stockholm sau khi đã tổ chức bầu cử xong.
Tại cuộc họp, ngoại trưởng các nước Đức, Pháp, Lithuania cũng hy vọng lá cờ Thụy Điển sẽ tung bay ở trụ sở NATO tại hội nghị thượng đỉnh các nước thành viên liên minh vào tháng 7-2023.
Trước đó Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng tuyên bố không có lý do gì để không kết nạp Thụy Điển ngay lập tức.
TTO - Thụy Điển vừa có động thái thiện chí với Thổ Nhĩ Kỳ, xem như tiến thêm một bước trên đường gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Trong khi đó, Mỹ không ủng hộ mong muốn “cấp tốc” gia nhập NATO của Ukraine.