Đối thoại Shangri-La 2023 diễn ra ở Singapore từ ngày 2 đến 4-6.
Năm nay, đoàn Mỹ và Trung Quốc vẫn cử cấp bộ trưởng quốc phòng sang dự. Tuy nhiên, sẽ không có cuộc gặp song phương nào giữa hai bên. Đó là điều khiến thế giới lo lắng.
Mỹ - Trung Quốc bỏ qua cơ hội đối thoại
Với hơn 600 đại biểu đến từ 49 nước, các nhà phân tích đánh giá Đối thoại Shangri-La 2023 là cơ hội tốt để các quan chức quốc phòng, an ninh, nhà thầu quốc phòng gặp gỡ, trao đổi.
Tuy nhiên, tân Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lý Thượng Phúc đã từ chối gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin bên lề sự kiện.
Nói về lý do, phía Trung Quốc đổ lỗi hoàn toàn cho Mỹ. "Một mặt, Mỹ luôn nói rằng họ muốn tăng cường liên lạc, nhưng mặt khác, họ phớt lờ những lo ngại của Trung Quốc và tạo ra những trở ngại, làm xói mòn nghiêm trọng lòng tin lẫn nhau giữa quân đội hai nước", người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc nêu lập luận.
Năm ngoái, cũng tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khi đó là Ngụy Phượng Hòa đã lần đầu tiên gặp ông Lloyd Austin.
Cuộc gặp làm dấy lên hy vọng về một cuộc đối thoại quân sự mới giữa hai cường quốc. Tuy nhiên, có rất ít tiến bộ đáng kể trong 12 tháng qua.
Thay vào đó, quan hệ Mỹ và Trung Quốc ngày càng xấu đi. Thậm chí, nó đã xuống mức thấp nhất sau chuyến thăm Đài Loan của chủ tịch Hạ viện Mỹ bấy giờ là bà Nancy Pelosi vào tháng 8-2022.
Ngoài tập trận rầm rộ quanh Đài Loan, Trung Quốc còn thể hiện sự không hài lòng bằng "ba đình chỉ" với Mỹ. Ba kênh liên lạc giữa quân đội Trung Quốc với Mỹ, vốn đóng vai trò như công cụ giúp tránh các tính toán sai lầm, đã bị chấm dứt.
Cho đến nay, các kênh đó vẫn chưa được khôi phục như trước chuyến đi của bà Pelosi dù hai bên đã đồng ý. Chẳng hạn vào tháng 11-2022, khi ông Austin và ông Ngụy gặp nhau lần thứ hai bên lề Hội nghị bộ trưởng quốc phòng ASEAN mở rộng tại Campuchia.
Trong cuộc gặp, hai bên đã nhất trí khôi phục một trong ba kênh bị đình chỉ là cuộc đối thoại giữa Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ (USINDOPACOM) và Bộ tư lệnh Chiến khu Nam bộ Trung Quốc.
Nhưng đến tháng 3-2023, đô đốc John Aquilino, chỉ huy USINDOPACOM, đã cảm thán rằng ngay cả thỏa thuận cấp bộ trưởng cũng không thể nối lại các cuộc đối thoại.
Dẫn chứng trên cho thấy khác biệt giữa Mỹ và Trung Quốc khó lòng giải quyết trong vài cuộc gặp. Tuy nhiên, những cuộc gặp như vậy vẫn luôn nhận được sự hoan nghênh và kỳ vọng từ nhiều nước.
Trong bối cảnh hiện tại, việc bộ trưởng quốc phòng Mỹ và Trung Quốc không gặp nhau thực sự là một tín hiệu đáng lo, theo các nhà quan sát. Bởi lẽ, trong suốt một năm qua, việc Washington và Bắc Kinh không có một kênh liên lạc về quốc phòng đã khiến các nước Đông Nam Á sốt ruột, lo lắng.
Ông James Crabtree - giám đốc điều hành của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) - tin rằng nhiều bộ trưởng quốc phòng sẽ tìm cách gây áp lực lên cả Trung Quốc và Mỹ trong tuần này. IISS là đơn vị tổ chức Đối thoại Shangri-La thường niên.
Theo ông Crabtree, có thể trong các cuộc gặp riêng với quan chức Mỹ và Trung Quốc, bộ trưởng quốc phòng các nước sẽ bày tỏ quan ngại và thúc giục hai cường quốc hòa giải.
Ông Drew Thompson - nghiên cứu viên cấp cao tại Trường Chính sách công Lý Quang Diệu của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) - thì suy đoán việc khước từ gặp bộ trưởng quốc phòng Mỹ rất có thể là quyết định của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Nhà khoa học chính trị Chong Ja Ian của NUS thì lạc quan rằng thiếu một cuộc gặp song phương chính thức không có nghĩa là hai nước sẽ không có liên lạc.
"Tôi chắc chắn rằng họ sẽ đối đầu với nhau trong các phiên họp toàn thể. Sau đó sẽ có những cuộc thảo luận đột phá và có thể là những cuộc trò chuyện không chính thức", ông nói với Hãng tin Reuters.
Những vấn đề nổi cộm khác tại Đối thoại Shangri-La 2023
Xung đột Nga - Ukraine, căng thẳng giữa Trung Quốc và Đài Loan, chương trình vũ khí của Triều Tiên cũng sẽ là những vấn đề quan trọng trong chương trình của Đối thoại Shangri-La năm nay. Không có đại biểu chính phủ Nga hay Triều Tiên nào tham dự cuộc họp.
Các vấn đề quan trọng khác có khả năng được thảo luận bao gồm căng thẳng đang diễn ra ở Biển Đông.
Một số nhà ngoại giao và nhà phân tích quốc phòng tiết lộ sẽ theo dõi bài phát biểu của tướng Lý Thượng Phúc tại sự kiện.
Ông Lý vừa mới được bổ nhiệm làm bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc vào tháng 3 rồi. Ông cũng nằm trong danh sách bị Mỹ trừng phạt vào năm 2018 vì mua vũ khí từ Nga.
Theo sắp xếp của ban tổ chức, ông Lý sẽ phát biểu vào ngày cuối cùng của đối thoại trong phiên có chủ đề "Sáng kiến an ninh mới của Trung Quốc".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Austin sẽ đăng đàn một ngày trước đó, với bài phát biểu về chủ đề vai trò của Washington tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Thủ tướng Úc Anthony Albanese sẽ có bài phát biểu "đinh" trong ngày đầu tiên của Đối thoại Shangri-La năm nay.
TTCT - Nếu không kẹt đại dịch Covid-19 năm ngoái, Đối thoại Shangri-La (SLD) của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS, Singapore, đã tròn 20 tuổi. Song, chính đại dịch cùng cuộc chiến đột xuất ở Ukraine lại dẫn đến những thay đổi tình hình thế giới khiến SLD năm nay thật khác lạ.