vĐồng tin tức tài chính 365

Cần chính sách “vượt tiền lệ” để cứu doanh nghiệp

2023-06-02 10:40

Ý kiến:

Ông Phạm Ngọc Hưng- Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TPHCM (HUBA): Ưu tiên hồi phục thị trường nội địa

Giải pháp quan trọng nhất hiện nay là khôi phục thị trường nội địa. Thị trường xuất khẩu yếu mà thị trường trong nước vẫn ảm đạm thì doanh nghiệp sẽ ngắc ngoải. Nhà nước phải có biện pháp kích cầu để tạo ra sức mua lớn cho thị trường. Người dân đang có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Để họ mạnh tay mua sắm thì phải giảm mạnh VAT để giá hàng hóa giảm sâu xuống, tạo công ăn việc làm và đảm bảo thu nhập của người lao động. Cần tăng cường kiểm tra, chống hàng gian, hàng giả để đảm bảo sự công bằng cho các doanh nghiệp chân chính. 

Giải pháp thứ hai là giảm lãi suất ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn. Các gói hỗ trợ về vốn chưa được doanh nghiệp đánh giá cao do tỉ lệ doanh nghiệp được thụ hưởng chỉ khoảng dưới 10%. Lãi suất trên thực tế không giảm được bao nhiêu, vẫn trên dưới 10%/năm, cộng với thủ tục khó khăn khiến doanh nghiệp có nhu cầu nhưng không dám vay. Đồng thời, cần triển khai giải pháp cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ; nếu doanh nghiệp vay trong năm 2023 thì cần gia hạn nợ và cho phép ân hạn trả nợ trong vòng 1 năm thay vì phải gộp trả vào đầu năm 2024. Các ngân hàng chính sách xã hội nên hỗ trợ doanh nghiệp vay với lãi suất thấp để trả đủ lương cho người lao động, góp phần kích thích người tiêu dùng mua sắm. 

Giải pháp thứ ba là cải cách các thủ tục còn nhiều ách tắc như kiểm tra chuyên ngành xuất nhập khẩu, hoàn thuế, dự án đầu tư, giấy phép xây dựng, đăng kiểm xe cơ giới, phòng cháy và chữa cháy. Những năm gần đây, các sở, ngành đã cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt giấy tờ, công khai thông tin nhưng các thủ tục từ lúc có giấy biên nhận hồ sơ đến khi có kết quả trả hồ sơ vẫn nhiêu khê. 

Cần khơi thông lại chương trình kích cầu đầu tư. Chương trình này được triển khai hơn 20 năm, đã tạo thành công cho nhiều doanh nghiệp. Trong 2 năm qua, chương trình này bị dừng lại, có doanh nghiệp đã tham gia nhưng không được giải ngân. 

Ông Trần Du Lịch - thành viên  Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia: Cần các chính sách quyết liệt để lấy lại đà phát triển

Các tắc nghẽn của nền kinh tế hiện nay là xuất khẩu gặp khó dẫn đến hoạt động sản xuất bị gián đoạn, thu hẹp; các biện pháp chấn chỉnh thị trường bất động sản, trái phiếu, chứng khoán đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động triển khai các dự án, bao gồm cả đầu tư công, đầu tư tư nhân, bất động sản; chính sách tiền tệ bị thắt chặt, lãi suất tín dụng tăng cao… 

Từ đầu năm 2023 đến nay, lãnh đạo Chính phủ liên tục đi thực tế để tháo gỡ vướng mắc cho các dự án lớn như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam, khơi thông các dự án bị đình trệ. Tuy nhiên, muốn khôi phục kinh tế, cần phải tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Phải liên tục rà soát, xử lý những yếu tố làm chậm trễ quá trình thi công, khắc phục tình trạng cán bộ sợ trách nhiệm, vực lại tinh thần trách nhiệm của cán bộ. Phải xem lại những bất cập, chồng chéo nào khiến cán bộ không dám làm. Đồng thời, phải giải ngân vốn kịp thời, không để phát sinh điểm nghẽn trong thủ tục về giải ngân, thanh toán. Đầu tư công chỉ phát huy tác dụng khi dòng tiền được lưu chuyển ra thị trường. 

Tiếp theo là cần gỡ vướng những điểm nghẽn của thị trường bất động sản để hấp thụ vốn. Thời gian gần đây, Chính phủ đã lập tổ công tác xử lý khó khăn cho thị trường này, ngân hàng cũng kéo giảm lãi suất. Nhưng bất động sản đang mắc nhiều “căn bệnh” như méo mó nguồn cung; sản phẩm chỉ hướng đến đầu cơ là chính, không phục vụ nhu cầu ở thật; không có nguồn cung do vướng quy định về đất đai, pháp lý, doanh nghiệp sử dụng vốn vay tài chính quá nhiều.

Muốn khơi thông được thì phải tái cơ cấu, gỡ được những điểm nghẽn này. Cần phải rà soát lại tất cả quy định liên quan đến bất động sản từ khi bắt đầu dự án, đến khi vận hành, phát triển để điều chỉnh bất cập ở cả hệ thống pháp luật, bao gồm quy định về hệ thống tín dụng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật Xây dựng. Nhanh chóng giải ngân gói 120.000 tỉ đồng hỗ trợ mua nhà ở xã hội, nếu không thì lãi suất thấp không có ý nghĩa.

Tiếp theo là phải mạnh dạn hơn nữa trong kích hoạt thị trường nội địa. Đây là trụ cột quan trọng trong thời điểm này. Nên tập trung thúc đẩy thị trường nội địa với nhiều chính sách đồng bộ bên cạnh giảm sâu VAT với hàng hóa dịch vụ xuống còn 5 - 6%, mạnh dạn thúc đẩy tín dụng tiêu dùng, thúc đẩy các hoạt động du lịch trong nước, hỗ trợ doanh nghiệp có chiến lược giảm giá sâu để kích thích thị trường.

Những gì gây khó khăn, cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì phải cắt bỏ, điều chỉnh, hành động cụ thể, mạnh mẽ. Có như vậy mới mong tăng trưởng kinh tế quý III và IV/2023 khởi sắc.

Thanh Hoa (ghi)

Xem thêm: lmth.7113941a-peihgn-hnaod-uuc-ed-el-neit-touv-hcas-hnihc-nac/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ Cần chính sách “vượt tiền lệ” để cứu doanh nghiệp ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools