Dù tiền cũ rách có thể đổi tại ngân hàng, một số người vẫn lựa chọn đổi bên ngoài, có lẽ do thuận tiện hơn. Ngoài đổi theo kiểu tình cờ gặp trên đường, người làm nghề này còn đến tận nhà người cần.
Đi tìm người có... tiền rách
Trên đường Phổ Quang (Q.Tân Bình, TP.HCM), anh Trần Lâm rề xe về hướng công viên Gia Định. Sau yên xe, anh để tấm bảng "Đổi tiền rách, cháy" kèm số điện thoại.
Nhiều ánh mắt tò mò của người đi đường nhìn về chàng trai có cái nghề ngộ nghĩnh này. Hỏi ra mới biết, anh "kiêm nhiệm" nghề đổi tiền rách khoảng chục năm nay.
Mỗi ngày anh vừa chạy xe ôm vừa tranh thủ nhận đổi tiền, thế nên có ngày có, ngày không. Anh thường nhận đổi những tờ rách nhiều, còn với tiền chỉ rách chút đỉnh, anh sẽ tư vấn khách đến ngân hàng đổi không mất phí.
Khi khách liên hệ qua điện thoại đổi hai tờ tiền gần như rách lìa, anh hỏi vài câu lấy lệ rồi nói khách gửi hình chụp tiền qua Zalo.
Lát sau, anh trả lời: "Tờ 50.000 đồng đứt rời mất rồi. Tờ 500.000 đồng nếu chị mang lên khu gần chỗ tôi thì tôi trả 450.000 đồng, nếu tôi tới tận nhà thì phí cao hơn...". Anh giải thích, lấy phí như vậy coi như tiền công vì sau đó anh phải đem ra ngân hàng đổi lại.
Xong đâu đó, anh kể mình quê Quảng Nam, vào Sài Gòn làm tài xế, rồi thêm nghề "cầm tiền thiên hạ" này. Anh nói vui: "Ngó vậy chứ thu nhập nhiều gấp mấy lần chạy xe ôm đó".
Tương tự, anh Nam (34 tuổi, ngụ quận 5) cũng nhận đổi tiền cũ rách bên cạnh nghề xe ôm công nghệ. Anh thường chạy xe lòng vòng với tấm bảng "Đổi tiền rách cháy, đổi tiền cổ Việt Nam...", gặp khách có nhu cầu sẽ đổi tiền cho họ.
Anh còn phối hợp một người bạn để khi mình bận chạy ngoài đường, có khách đến nhà đổi thì người này sẽ tiếp. Khi có khách muốn đổi tờ 200.000 đồng do sơ ý làm rách góc, anh Minh (36 tuổi, bạn anh Nam) xem qua rồi đồng ý.
"Nếu rách nhiều hơn hoặc bị quăn góc, mất góc... phí cao hơn chút. Có tiền rách chị cứ đem tới hoặc gửi hình, tôi sẽ xem rồi đổi cho", anh nói.
Chị Kiều My (40 tuổi, ngụ Q.Phú Nhuận) cho biết mình từng sử dụng dịch vụ đổi tiền rách. "Trước đây do tôi để tiền trong ngăn kéo, không cẩn thận kéo ra bị vướng rách 3-4 tờ. Nghe một người bạn nói có dịch vụ đổi tiền, tôi liên hệ đổi cũng nhanh chóng", chị chia sẻ.
Nghề dạy nghề
Anh Trần Lâm nói vui đây là cái nghề "làm chơi ăn thiệt". Anh cho biết: "Ban đầu tui học nghề từ mấy người anh em quen ở ngoài quê, rồi vô Sài Gòn mày mò học thêm. Gặp những ca khó hoặc tiền cổ tui phải nhờ sự trợ giúp của sư phụ".
Dân Sài Gòn hay có câu "hên xui", và với anh nghề đổi tiền cũng vậy, "nhiều khi tui "ôm" trúng tiền có hình dạng quá xấu, vô ngân hàng họ từ chối đổi thì coi như lỗ nặng". Nếu may mắn bán được cho mấy người sưu tầm trang trí trong quán cà phê, nhà hàng..., anh còn gỡ gạc được chút chút.
Theo kinh nghiệm của anh, tiền rách, đứt nhưng không bị mất đi phần rách là dễ đổi và khách chỉ tốn một ít phí.
Còn với các loại tiền bị cháy, quăn queo, biến dạng từ 60% trở lên coi như vớt vát được chút gì hay chút đó.
Gặp khách dễ tính, có khi họ đổi với giá thấp hơn giá anh đưa ra hoặc có khi cho luôn. Nhưng cũng nhiều người kỳ kèo bớt một thêm hai.
Còn với Bùi Quang (34 tuổi, ngụ quận 3), anh cho biết mình cũng nhận đổi tiền cũ rách 7-8 năm nay. Là nghề phụ nên anh nói thường người ta sẽ đem đến chỗ anh ở để đổi.
"Với tiền mệnh giá nhỏ, tôi sẽ đổi giùm không tính phí. Tiền mệnh giá lớn thì người ta cho 10.000 - 20.000 đồng...", anh cho biết. Anh cũng hay nhận đổi giùm những người buôn gánh bán bưng, dân lao động khó khăn vì họ không rành ra ngân hàng đổi.
Thông thường, sau khi gom được kha khá tiền rách, người làm nghề này sẽ phân loại. Số nào hư hỏng ở mức vừa vừa, họ trực tiếp vô ngân hàng đổi.
Còn với anh Lâm, tiền nào bị biến dạng, hư hỏng nhiều, anh sẽ đổi qua một ông anh chuyên sưu tầm, đổi tiền cũ có thâm niên. "Tiền xấu cỡ nào ổng cũng đổi được. Với loại tiền này tôi chỉ ăn tiền công của khách, còn lại là của ổng", anh kể.
Đam mê tiền xưa
Những người nhận đổi tiền cũ rách thường có đam mê sưu tầm tiền xưa. Bên cạnh việc nhận đổi tiền cũ rách, họ còn kiêm luôn trao đổi tiền xưa. Hiểu nôm na đây là những loại tiền không còn lưu hành, chỉ có giá trị sưu tầm.
Anh Lâm khoe gần đây anh còn "chơi" cả tiền cổ, tiền xưa để trao đổi với một số người chuyên sưu tầm.
Do kiến thức về loại tiền này có hạn, anh vừa làm vừa học hỏi các "tiền bối". Hiện anh "nghía" chủ yếu những đồng tiền "ổn định" trong giới như tiền Đông Dương, tiền được in vào những dịp đặc biệt...
Tương tự, anh Quang cũng trao đổi tiền xưa, nhất là những tờ có số xêri đẹp, xuất phát từ sự yêu thích là chính.
Còn anh Lê Văn Phương (30 tuổi, quê Đồng Nai) 4 năm nay cũng gia nhập giới mê tiền xưa. Anh nói: "Tôi hay sưu tầm tiền giấy Việt Nam. Những loại tiền này mang dấu tích kỷ niệm...".
Về lý do sưu tầm, anh cho biết: "Thấy bạn bè có những bộ sưu tập tiền xưa độc lạ nên tôi cũng muốn sở hữu. Từ đó, tôi cũng nhận đổi những tờ tiền xưa rách, cũ nhưng có độ hiếm cao".
Ngoài trao đổi trong những hội nhóm, anh còn mua lại của người dân - những người lưu giữ sau đó bán đi - thì giá sẽ mềm hơn. Giá trị tiền xưa cũng chia làm nhiều cấp độ, như tiền xưa chưa lưu hành, tiền đã lưu thông nhưng độ mới cao, hoặc bị gấp, lỗ kim, rách... Theo anh, tiền xưa dù rách hay hư hỏng cỡ nào cũng có giá trị riêng.
Có thể thấy, đổi tiền cũ rách là một nghề hữu dụng. Những người nhận đổi tiền rách như trung gian giúp cho những đồng tiền tiếp tục vòng đời của chúng.
Theo thông tư 25/2013 của Ngân hàng Nhà nước, nếu tiền bị rách nát, hư hỏng do quá trình lưu thông (bị thay đổi màu sắc, mờ nhạt hình ảnh hoa văn, chữ số, nhàu nát, nhòe bẩn, cũ...) hoặc do lỗi kỹ thuật phía nhà sản xuất, người dân có thể đổi ngay tại các đơn vị thu đổi như các chi nhánh ngân hàng.
Nếu tiền bị hư hỏng do quá trình bảo quản thì khi đổi phải phù hợp những điều kiện: tiền cháy, thủng, rách thì phần còn lại phải bằng hoặc trên 60% so với diện tích tờ tiền cùng loại. Nếu được can dán phải có diện tích tối thiểu 90% so với diện tích tờ tiền cùng loại, đồng thời bảo đảm nguyên gốc, nguyên bố cục, mặt trước, mặt sau, trên, dưới, trái, phải...
Nếu bị biến dạng, co nhỏ do cháy, diện tích tối thiểu phải bằng 30% diện tích tờ tiền cùng loại và còn giữ nguyên bố cục, đồng thời nhận biết được ít nhất hai trong các yếu tố bảo an: hình ẩn trong cửa sổ nhỏ, mực không màu phát quang, phát quang hàng số xêri, dây bảo hiểm...
***********
Ở một ngôi làng ngoại thành Đà Nẵng dù giữa thời hiện đại vẫn có những gánh trầu không mỗi ngày túa đi khắp nơi. Những lá trầu không "ba đồng một mớ" ngày nào giờ vẫn giúp một số người có thu nhập...
>> Kỳ tới: Những người cuối cùng làm nghề "trầu dạo"
Vá áo mưa rách, hàn đồ nhựa, sửa viết hư, đổi tiền nát... Những nghề tưởng chỉ còn là ký ức khó quên của thời bao cấp nghèo khó nhưng vẫn đang lặng lẽ tồn tại.