Số liệu từ Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu hôm 1/6 cho thấy Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng trước tại 20 nước khu vực đồng euro tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Tốc độ này đã giảm so với 7% hồi tháng 4.
Đây cũng là tốc độ tăng thấp nhất kể từ tháng 2/2022 – thời điểm Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, khiến giá năng lượng toàn cầu tăng vọt. Mức tăng giá thực phẩm hạ nhiệt tháng thứ hai liên tiếp. Giá năng lượng thậm chí còn giảm. Lạm phát lõi (không tính giá thực phẩm và nhiên liệu) tăng chậm lại, còn 5,3% - thấp nhất bốn tháng.
Lạm phát giảm mạnh tại Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha, theo số liệu công bố hôm 31/5. Ở các nền kinh tế lớn nhất châu Âu, giá cả nhiều ngành hàng cùng hạ nhiệt.
Việc này có thể giúp Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có thêm lý do dừng nâng lãi sớm hơn dự kiến. Dù vậy, Chủ tịch ECB Christine Lagarde hôm qua cho rằng giới chức "vẫn cần đưa lãi suất đến mức hợp lý". "Lạm phát hiện vẫn quá cao và có thể duy trì thời gian rất dài", bà Lagarde cho biết trong một hội thảo ngân hàng ở Đức mới đây.
ECB, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đều đặt mục tiêu đưa lạm phát về 2%. "Những quan chức theo chủ nghĩa thắt chặt sẽ lý luận rằng lạm phát ngành dịch vụ khó hạ và thị trường lao động vẫn thắt chặt", Franziska Palmas – nhà kinh tế học khu vực châu Âu tại Capital Economics nhận định.
Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực đồng euro chỉ còn 6,5% trong tháng 4, giảm so với 6,6% tháng trước đó. Palmas cũng cho rằng vì lạm phát lõi vẫn giảm chậm, ECB có khả năng tăng lãi thêm hai lần nữa, đưa lãi suất cho vay lên 3,75%.
Số liệu công bố đầu tuần này cho thấy hoạt động cho vay của các ngân hàng tại khu vực đồng euro càng chậm lại trong tháng 4. Giá trị các khoản cho vay hộ gia đình gần như không tăng.
Gần một năm qua, ECB đã nâng lãi suất cho vay thêm 375 điểm cơ bản (3,75%), từ âm 0,5% tháng 7 năm ngoái lên 3,25% hiện tại.
Hà Thu (theo CNN)