vĐồng tin tức tài chính 365

Kỳ 1: Sau 45 năm ngôi sao vẫn sáng

2023-06-03 03:49

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng vẫn còn âm hưởng trong dư luận xã hội dù đã qua 45 năm bởi tên tuổi, hào quang trong hoạt động nghệ thuật của cố NSƯT Thanh Nga. Bởi những tình tiết rất ly kỳ, những tình huống hết sức bất ngờ. Đặc biệt nữ NS Thanh Nga sau những vai diễn khơi dậy lòng yêu nước gây cảm xúc tràn ngập trong lòng hàng triệu khán giả sân khấu, truyền hình thì giây phút cuối cùng bà quyết chiến với bọn cướp để bảo vệ con trai 5 tuổi đã lấy đi nước mắt của biết bao người.

Hình ảnh nữ NS tài sắc vẹn toàn ra đi ở tuổi 36 càng hoàn mỹ, đáng ngưỡng mộ trong lòng hàng triệu người suốt gần nửa thế kỷ qua. Nhà nước cũng rất trân trọng tài năng và sự cống hiến của Thanh Nga cho văn hóa, nghệ thuật nước nhà, nhất là các vai diễn khơi gợi lòng yêu nước sục sôi trong mỗi con người trong giai đoạn đất nước chiến đấu với thù trong giặc ngoài. Một số tổ chức phản động căm ghét Thanh Nga vì "nói ngược" lại ý muốn của họ, đã viết thư hăm dọa, ném lựu đạn lên sân khấu làm nữ NS bị thương để ép cô không được diễn những vỡ tuồng "trái ý” họ.

Sau khi làm rõ 1.386 vụ cướp xảy ra từ 01/5/1975 đến tháng 10/1978, lực lượng CA phát hiện có tới 48% hung thủ gây án là thành phần lưu manh, tội phạm chuyên nghiệp; 29% là các thành phần khác. Đặc biệt 23% hung thủ từng làm việc cho chế độ cũ. Đây là điều khá bất ngờ vì ai cũng nghĩ loại đối tượng là sĩ quan, binh lính, công chức chế độ cũ chỉ tham gia các tổ chức phản động. Hơn nữa đa số họ có học vấn, được đào tào chuyên ngành, quen sống theo nội quy, quân kỷ nên sẽ có suy nghĩ, lương tâm không cướp bóc, cuồng sát như bọn du đãng thất học hay các con nghiện ma túy mất lý trí...

Nhưng Thanh Nga trên sân khấu cũng như ngoài đời là con người vì nghệ thuật, vì chính nghĩa, không bao giờ chùn bước trước những áp lực khủng bố đó. Bà chữa lành vết thương rồi lại tiếp tục lên sân khấu với sứ mệnh thiêng liêng, tuyệt đẹp và chính nghĩa của mình như lời tuyên bố: "Là người NS có chết cũng chết trên sân khấu". Lòng dũng cảm đó, tinh thần yêu nước được thể hiện qua tài năng nghệ thuật đó càng làm người hâm mộ say mê Thanh Nga, càng làm cho hàng triệu người căm ghét bọn sát nhân đã giết hại vợ chồng Thanh Nga, mong muốn phải đưa chúng ra trừng trị trước pháp luật.

Các vị lãnh đạo Thành ủy, UBND TPHCM ngày ấy rất quan tâm chỉ đạo vụ án này. Sở Công an TPHCM (CATP) cũng dốc sức tìm ra hung thủ. Năm 1984, cố NS Thanh Nga được truy tặng danh hiệu NSƯT (Quyết định số 44-CT do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ký ngày 25/01/1984). Năm 2015 tên đường mang tên Thanh Nga được đặt ở quận 9, TPHCM. Và suốt 45 năm qua, báo chí Việt Nam vẫn luôn nhắc lại sự nghiệp cải lương lẫy lừng của Thanh Nga, nhắc lại vụ án từng gây chấn động này.

Nghệ sĩ Thanh Nga tài sắc vẹn toàn

Năm 1978, Đội trưởng săn bắt cướp (SBC) Hai Thành (tức Đại úy Võ Tấn Thành, SN 1936, quê Bến Tre) - người đã đóng góp quan trọng trong việc truy tìm, bắt được đối tượng Nguyễn Thanh Tân cùng đồng bọn đã giết NS Thanh Nga. Khi ông Thành qua đời vào năm 2014, hầu hết các báo lớn ở Việt Nam đều đăng lại tiểu sử, sự nghiệp và công lao của ông như một lời cảm ơn vì đã "rửa hận", "đòi công bằng" cho Thanh Nga - thần tượng của công chúng yêu cải lương! Có rất nhiều cuốn sách, bộ phim, các chương trình tưởng niệm về Thanh Nga. Con trai, gia đình, dòng họ hay những gì liên quan đến nữ NS đều được dư luận quan tâm từ khi bà còn sống cho đến gần nửa thế kỷ sau khi mất cũng vậy. Có lẽ chưa có NS người Việt Nam nào lại có được vinh quang đến "bất tử" như vậy!

Vụ án Thanh Nga đã được các cơ quan truyền thông khai thác suốt gần nửa thế kỷ và các tác phẩm báo chí, truyền hình đó vẫn còn rất nhiều trên mạng internet. Vì thế trong loạt bài này, chúng tôi chủ yếu phân tích các sự kiện, tình huống suốt quá trình 139 ngày đêm nỗ lực tìm ra dấu vết và truy bắt các hung thủ, để độc giả thấy được những trường hợp ngẫu nhiên tạo ra bước ngoặc điều tra, buộc hung thủ phải lộ diện, đem lại công bằng, an ủi cho vong linh vợ chồng cố NS Thanh Nga và 2 chiến sĩ công an đã hy sinh khi làm nhiệm vụ. Đồng thời giải oan cho một số người vô tình trở thành nghi phạm...

23 giờ 45 ngày 26/11/1978, tại 114 Ngô Tùng Châu, P12Q1 thời đó (Lê Thị Riêng bây giờ), NS Thanh Nga (SN 1942) cùng chồng là ông Phạm Duy Lân (SN 1923) đi diễn về thì bị bọn cướp sát hại khi vẫn đang còn trong ôtô. Cái chết của NS Thanh Nga - một ngôi sao cải lương, điện ảnh xảy ra trong bối cảnh khá phức tạp lúc bấy giờ, đã trở thành vụ án trọng điểm, thu hút sự chú ý của xã hội, được lãnh đạo Bộ Nội vụ (Bộ Công an) và Thành ủy, UBND TPHCM đặc biệt quan tâm.

Chiếc xe của gia đình NS Thanh Nga

Trực tiếp chỉ đạo điều tra vụ án này gồm các đồng chí: Trần Quyết, Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Mai Chí Thọ, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP kiêm Giám đốc Sở CATP; Đại tá Trần Lung, Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự (CSHS) Bộ Nội vụ; Đại tá Cáp Xuân Diệm, Phó giám đốc Sở và Trung tá Trịnh Thanh Thiệp, Trưởng phòng CSHS Sở CATP.

Ban chuyên án quyết định dựng lại hiện trường để làm sáng tỏ thêm tính chất vụ án. Căn cứ vào vật chứng, tài liệu thu được ở hiện trường và lời khai của các nhân chứng, có tính đến mối quan hệ xã hội rất rộng của nạn nhân và tình hình an ninh, quốc phòng căng thẳng với 2 quốc gia có chung biên giới ở 2 đầu đất nước, cũng như hoạt động chống phá của hàng trăm tổ chức phản động trong nước, Ban chỉ đạo chuyên án nhận định: Nhiều khả năng đây là vụ án có động cơ chính trị, nhằm gây thanh thế của tổ chức, nhen nhóm phản cách mạng. Cũng có thể vụ án xảy ra vì lý do cạnh tranh nghề nghiệp hoặc do mâu thuẫn tình ái, ghen tuông. Không loại trừ khả năng một vụ bắt cóc tống tiền không thành, sợ bị lộ, hung thủ buộc phải giết người.

Với quyết tâm phá án, Sở CATP đã huy động hàng trăm cán bộ trinh sát dày dạn kinh nghiệm, sử dụng nhiều phương tiện kỹ thuật hiện đại và nhiều biện pháp nghiệp vụ. Ở hướng điều tra đây là vụ án chính trị, CATP đã rà soát hàng chục tổ chức, nhen nhóm phản cách mạng. Mảng điều tra hình sự thì tập trung theo dõi, xác minh các mối quan hệ của vợ chồng Thanh Nga và đồng loạt tổng tấn công vào các băng nhóm cướp giật, đâm thuê chém mướn. Nhưng tung tích và manh mối của vụ án vẫn là một thách thức gây đau đầu, sốt ruột cho các cấp chỉ đạo, chỉ huy chuyên án.

Hàng vạn người đến viếng lễ tang vợ chồng NS Thanh Nga (Ảnh sưu tầm)

Dưới sự chỉ đạo của Ban chuyên án, Phòng CSHS đã nghiên cứu lại các vụ án bắt cóc, tống tiền trước đây; sưu tập, đối chiếu và tìm được nhiều điểm trùng lắp qua 2 vụ bắt cóc con NS Kim Cương và con bác sĩ Lã Hỷ. Những phương thức, thủ đoạn của tội phạm ở 2 vụ này nhiều điểm giống nhau. Bên cạnh đó, lực lượng chuyên án triển khai các hoạt động trinh sát, cơ sở bí mật suốt ngày đêm.

Những nỗ lực này đã được đền đáp. Sau 139 ngày đêm "nằm gai nếm mật", Đại úy Hai Thành, Đội trưởng SBC chỉ huy một cuộc vây ráp chung cư Nguyễn Thiện Thuật, Q3 và tóm được tên Nguyễn Thanh Tân vào tối 20/4/1979. Nguyễn Thanh Tân nguyên trung sĩ biệt động quân quân đội Sài Gòn đã cầm đầu băng cướp 14 tên (với nhiều tên cũng gốc lính chế độ cũ như Tân), tổ chức 3 vụ bắt cóc, tống tiền. Trong đó vụ thứ nhất Tân cùng với các đối tượng Nguyễn Văn Đức (lính hải quân chế độ cũ), Hòa, Mai bắt cóc cháu Tô Rô - con NS Kim Cương tống tiền 20 lượng vàng. Vụ thứ hai, đối tượng cùng các đồng phạm Hào, Trọng, Hải bắt cóc cháu Phương - con trai bác sĩ Lã Hỷ để đòi 50 lượng vàng. Trong vụ án sát hại vợ chồng NS Thanh Nga, Tân cùng Đức khai lúc đầu tính bắt cóc con của NS Bảo Quốc (em trai NS Thanh Nga) nhưng sau chúng thấy "nhà này nghèo, đông con" nên chuyển mục tiêu sang gia đình NS Thanh Nga và gây ra thảm sát chấn động dư luận.

Trong số 1,2 triệu quân chính quy, quân địa phương và lực lượng bán vũ trang của chế độ cũ tan rã sau ngày 30/4/1975, có rất nhiều người đã tham gia vào các đơn vị quân Giải phóng để đánh đuổi quân xâm lược Pol Pot cướp bóc, xâm lấn biên giới, hải đảo phía Tây Nam Tổ quốc suốt từ tháng 5/1975 đến năm 1979. Trong đó có những phi công tài giỏi như Trần Văn On, phi tuần phó phi đoàn 550 không quân Việt Nam cộng hòa (VNCH) sau này được trao Huân chương Chiến công giải phóng hạng Nhất. Trung tá phi công VNCH Trần Văn Trác lập nhiều thành tích khi lái máy bay C-130 vừa tấn công quân xâm lược Pol Pot vừa tải thương binh; phi công Nguyễn Văn Sanh tham gia huấn luyện, chuyển loại máy bay cho các phi công quân Giải phóng và trực tiếp lái máy bay chiến đấu diệt quân Pol Pot... Rồi hàng trăm sĩ quan, hạ sĩ quan phụ trách kỹ thuật ở các sân bay, các tàu chiến, cơ sở cung cấp điện, nước, cơ quan trắc địa bản đồ, lái cần cẩu xây thủy điện trị an... được lưu dụng. Nhiều người sau này được kết nạp Đảng, bổ nhiệm các chức vụ lãnh đạo, được thưởng nhiều huân, huy chương cao quý.

Nêu ra các vấn đề này để thấy các cựu lính trong băng cướp giết hại vợ chồng nữ NS Thanh Nga hay trong hàng trăm băng cướp lớn nhỏ hoặc các tổ chức phản động, khủng bố, phá hoại khác gây tội ác sau ngày giải phóng miền Nam cũng chỉ là thiểu số đi ngược lại nguyện vọng và niềm vui mừng của tất cả nhân dân miền Nam nói chung, của hơn 1 triệu người tham gia chế độ cũ nói riêng khi chiến tranh kết thúc, đất nước thống nhất, mở ra một thời kỳ hòa bình, hòa hợp, đại đoàn kết dân tộc để xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...

(Còn tiếp...) 

PHÚC HUY

Xem thêm: lmth.488741_gnas-nav-oas-iogn-man-54-uas-1-yk/us-gnohp/na-uv/nv.moc.nagnoc

Comments:0 | Tags:Vụ án

“Kỳ 1: Sau 45 năm ngôi sao vẫn sáng”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools