Thông tin về tình hình lao động, việc làm 5 tháng đầu năm 2023 trên được Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu trong báo cáo kinh tế xã hội gửi Chính phủ.
Như vậy, hơn nửa triệu lao động bị ảnh hưởng việc làm chiếm khoảng 3,4% tổng số lao động trong doanh nghiệp. Trong đó, số lao động bị mất việc, thôi việc là 279.409 người (chiếm 54,79%). Tình trạng lao động bị mất việc, giãn việc chủ yếu tập trung tại một số tỉnh, thành phố lớn có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất.
Lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất bị mất việc, giãn việc nhiều nhất
Cụ thể như: Bình Dương (71.590 người), Đồng Nai (32.450 người), TP.HCM (44.890 người), Bắc Giang (27.500 người), Bắc Ninh (13.990 người), Hải Dương (16.020 người), Hà Nội (46.860 người),… Trong 5 tháng đầu năm, tổng số người nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp là 393.377 người, tăng 8,2% so với cùng kỳ năm 2022.
Phân loại cụ thể hơn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay số lao động mất việc làm tập trung tại các doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo ở một số ngành như dệt may, da giày, sản xuất và lắp ráp linh kiện điện tử, chế biến gỗ.
Trong đó lao động ngành dệt may là 68.782 người, da giày 31.653 người, sản xuất linh kiện và sản phẩm điện tử là 45.075 người.
Tuy nhiên, bên cạnh một số ngành cắt giảm lao động thì nhiều doanh nghiệp vẫn có nhu cầu tuyển dụng lao động với số lượng lớn. Trong 4 tháng đầu năm 2023, nhu cầu tuyển dụng lao động là 481.200 người; trong đó nhu cầu tuyển tại các khu công nghiệp, khu chế xuất khoảng 146.000 lao động.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, việc cắt giảm lao động hiện tại mang tính cục bộ, vẫn trong khả năng kiểm soát. Tuy nhiên, nếu khó khăn về thiếu đơn hàng, thiếu nguyên vật liệu, giá năng lượng không được giải quyết thì số lượng lao động phải cắt giảm việc làm sẽ tăng cao, lan rộng sang các ngành nghề khác trong thời gian tới.
Bức tranh việc làm của người lao động cũng phần nào thể hiện sức khỏe của doanh nghiệp. Trong 5 tháng, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt 94.959 doanh nghiệp, giảm 3,7% so với cùng kỳ. Tuy vậy có 88.040 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 22,6%, chủ yếu lựa chọn hình thức tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn.
Mặc dù bức tranh lao động, việc làm như trên còn nhiều khó khăn, nhưng theo khảo sát tình hình đời sống của hộ dân cư tháng 5-2023 tiếp tục được cải thiện. Tỉ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm trước là 94,8% (tăng 0,4 điểm phần trăm so với kỳ báo cáo tháng 4-2023). Tỉ lệ hộ đánh giá có thu nhập giảm và không biết là 5,2%.
Giá cả hàng hóa tăng và dịch bệnh tác động tiêu cực đến đời sống
Các nguyên nhân chính làm cho thu nhập giảm được các hộ gia đình đánh giá là do, có 40,7% hộ gia đình có thành viên mất việc làm/tạm nghỉ việc; 27,3% hộ đánh giá do chi phí đầu vào cho các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ tăng và 19,8% hộ đánh giá do giá bán các sản phẩm từ các hoạt động sản xuất kinh doanh của hộ giảm.
Đánh giá về những tác động tiêu cực của yếu tố bên ngoài, các hộ gia đình đã chỉ ra: 31,3% hộ đang phải chịu những ảnh hưởng do giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng cao; 6,3% hộ gia đình chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh đối với con người và 2,1% hộ gia đình chịu ảnh hưởng tiêu cực từ dịch bệnh đối với vật nuôi, cây trồng.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, có gần 10,3% hộ gia đình được phỏng vấn nhận được sự trợ giúp từ các nguồn hỗ trợ khác nhau. Trong đó, tỉ lệ hộ nhận được trợ giúp từ họ hàng, người thân là 6,7%; từ các chương trình, chính sách của địa phương là 3,5%; từ các chương trình, chính sách chung của Quốc gia là 3,1%; từ các hoạt động từ thiện của các tổ chức và cá nhân khác là 1,7% và 0,02% từ các nguồn khác.
Cũng theo báo cáo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 5 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã hỗ trợ hơn 18.200 tấn gạo cho 204.700 hộ với hơn 1,2 triệu nhân khẩu. Trong đó: Hỗ trợ gạo cho người dân dịp Tết Nguyên đán là 16.900 tấn gạo; hỗ trợ cho người dân kỳ giáp hạt năm 2023 hơn 1.300 tấn gạo.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam vừa có quyết định về việc hỗ trợ đoàn viên công đoàn, người lao động bị giảm thời gian làm việc, mất việc do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng. Cao nhất là mức hỗ trợ 3 triệu đồng/người.