Lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM sáng 3-6 cho biết đơn vị vừa có văn bản báo cáo Bộ Y tế và Cục Quản lý dược hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị tay chân miệng, nhất là hai loại thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch, Gamma Globulin truyền tĩnh mạch.
Văn bản này được gửi đi trong bối cảnh số trẻ mắc bệnh tay chân miệng tăng trong hai tuần gần đây, đặc biệt đã ghi nhận một số trường hợp nặng mắc vi rút Enterovirus 71 (EV71, gây nhiều biến chứng nguy hiểm, dễ dẫn đến tử vong) bằng kỹ thuật PCR.
Đáng chú ý, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã ghi nhận một trẻ 5 tuổi (ngụ tỉnh Kiên Giang) vừa tử vong vào ngày 31-5, nghi mắc tay chân miệng độ 4.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng cùng ngày, bác sĩ Dư Tuấn Quy - trưởng khoa nhiễm - thần kinh Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) - cho hay hiện bệnh viện đang thiếu thuốc Phenobarbital tan truyền (truyền tĩnh mạch); còn thuốc Gamma Globulin truyền tĩnh mạch và thuốc IVIG.
Những thuốc này dùng để điều trị bệnh nhi mắc tay chân miệng từ độ 2A và tiếp tục chuyển độ nặng hơn (độ 2B, độ 3 và độ 4).
"Hầu như các bệnh viện cả nước đều không có thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch. Tại khoa chúng tôi, do không có thuốc Phenobarbital truyền tĩnh mạch nên tạm thời chuyển sang thuốc uống. Đây là phương án thay thế thuốc điều trị, chứ hiệu quả điều trị không bằng thuốc dịch truyền", bác sĩ Quy chia sẻ.
Bác sĩ Quy cho biết thêm khoa đang điều trị hai bệnh nhi (ngụ Bình Dương và Đồng Tháp) mắc tay chân miệng độ nặng. Tình hình sức khỏe của hai bé diễn tiến tốt.
Ông dự báo bệnh tay chân miệng có khả năng tăng cao khi thời tiết đang nắng nóng như hiện nay và người dân dần quên đi thói quen rửa tay, khử khuẩn, đeo khẩu trang so với trước đây.
Rửa tay, chú ý dấu hiệu nặng tay chân miệng
Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo rửa tay là biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng quan trọng nhất. Ngoài ra, cần tăng cường vệ sinh đồ chơi cho trẻ, vệ sinh nhà cửa bằng xà phòng, dung dịch javel hoặc các dung dịch sát khuẩn thông thường.
Các bậc phụ huynh cần phát hiện sớm các dấu hiệu bệnh tay chân miệng ở trẻ (nổi bóng nước lòng bàn tay, bàn chân, lở miệng...) để cách ly kịp thời, hạn chế lây lan.
Khi trẻ mắc bệnh tay chân miệng, cần theo dõi sát, phát hiện sớm các dấu hiệu nặng (sốt cao liên tục khó hạ, nôn ói nhiều, giật mình chới với...).
Dù số ca mắc tay chân miệng tại TP.HCM còn thấp so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng một số trường hợp nặng đã xác định mắc vi rút Enterovirus 71 (EV 71).