Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi vừa có công văn đề nghị Bí thư Thành ủy Thủ Đức và Bí thư Quận ủy, Huyện ủy 21 quận, huyện quan tâm, phối hợp thực hiện công tác giải ngân vốn đầu tư công bồi thường, hỗ trợ, tái định cư (gọi tắt là bồi thường) trên địa bàn.
Lý do, kết quả giải ngân vốn đầu tư công của TP.HCM đạt được trong năm 2022 còn nhiều hạn chế, đặc biệt là công tác bồi thường.
Cụ thể, trong năm 2022, TP.HCM có 191 dự án ghi vốn bồi thường với tổng vốn gần 12.000 tỉ đồng nhưng đến nay, số tiền chi đến tay người dân mới hơn 7.800 tỉ đồng, đạt tỷ lệ 65%. Dù UBND TP.HCM và Sở TN-MT có nhiều văn bản chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương nhưng kết quả đạt được chưa cao.
Trong năm 2023, TP.HCM có 136 dự án ghi vốn bồi thường với tổng vốn đầu từ công hơn 20.600 tỉ đồng. "Tính đến thời điểm hiện nay, công tác giải ngân các dự án còn rất thấp, chưa đáp ứng kỳ vọng của Đảng bộ, chỉ tiêu và tiến độ của UBND TP.HCM đề ra", lãnh đạo TP.HCM nhận định.
Hồi giữa tháng 4.2023, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM cũng nhận định công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành còn nhiều tồn tại, hạn chế, trong đó nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu.
Ở một số nơi, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu còn thiếu quyết tâm, chưa sâu sát đôn đốc thực hiện; chưa tập trung xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc phát sinh của các dự án.
TP.HCM đặt mục tiêu đến hết quý 2/2023 giải ngân ít nhất 35% vốn đầu tư công, tương đương khoảng 26.000 tỉ đồng.
Thực tế công tác bồi thường tại TP.HCM đang thể hiện 2 bức tranh đối lập. Nếu như tiến độ bồi thường dự án Vành đai 3 khá tốt thì nhiều dự án khác lại khá chậm chạp.
Tính đến ngày 2.6, hơn 750 hộ dân và tổ chức, doanh nghiệp đã bàn giao khoảng 300 ha đất làm Vành đai 3 (đạt tỷ lệ hơn 73%) với tổng số tiền giải ngân gần 3.500 tỉ đồng. Trong đó, H.Hóc Môn bàn giao hơn 92%, H.Bình Chánh gần 83%, H.Củ Chi 75% và TP.Thủ Đức 48%.
Tăng cường đối thoại, vận động tạo sự đồng thuận
Để đảm bảo tỷ lệ giải ngân theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch Phan Văn Mãi đề nghị người đứng đầu các địa phương rà soát, thực hiện đúng tiến độ theo kế hoạch công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án trên địa bàn quản lý.
Bên cạnh đó, cần xác định công tác bồi thường khi nhà nước thu hồi đất là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt và lâu dài của hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở.
Chính quyền địa phương cần tăng cường công tác đối thoại, vận động, thuyết phục các hộ dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dự án để đồng thuận với chủ trương thực hiện dự án, chính sách bồi thường.
Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cấp ủy đối với việc thực hiện các dự án đầu tư công, nhất là công tác bồi thường.
Ngoài ra, các địa phương khẩn trương rà soát, kiện toàn kịp thời nhân sự trực tiếp làm công tác bồi thường, tập trung ở Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng, Phòng TN-MT và UBND phường, xã, thị trấn... Trong đó, cần lưu ý nguồn nhân lực phải đủ về số lượng và trình độ.