Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình phân bổ, giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2023; kết quả của 5 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2023.
Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2023 được Quốc hội quyết nghị là 711.684,386 tỉ đồng và đã được Thủ tướng đã giao vốn kế hoạch bằng 100%.
Còn hơn 78.265 tỉ đồng chưa phân bổ do chưa hoàn thiện thủ tục
Đến ngày 31-5-2023, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là hơn 628.778 tỉ đồng, đạt 88,9% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Tuy vậy, vẫn còn tới 78.265,9 tỉ đồng chưa được phân bổ chi tiết.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá nguyên nhân do việc chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị giao kế hoạch hằng năm của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương còn thiếu chủ động và chậm trễ.
Trong đó, với vốn ngân sách trung ương, một số dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư (chủ yếu là các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội); dự án sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.
Thậm chí có trường hợp địa phương đề nghị hoàn trả ngân sách trung ương do tỉnh đánh giá khả năng không giải ngân hết. Địa phương xin trả lại vốn này là tỉnh Quảng Ninh.
Với vốn sử dụng ngân sách địa phương, các dự án dự kiến khởi công mới năm 2023 chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. Trong khi đó, nguồn chi đầu tư từ nguồn thu sử dụng đất chưa giao hết do vướng mắc liên quan đến các công tác về đất đai, địa chính...
Về giải ngân, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31-5 là 157.095,4 tỉ đồng, đạt 22,22% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Mặc dù con số này thấp hơn cùng kỳ năm 2022 (22,37%), song số tuyệt đối cao hơn 41.172,9 tỉ đồng (tăng khoảng 35,5%) so với số vốn kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đã giải ngân trong 5 tháng đầu năm 2022.
44 bộ ngành, 29 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới trung bình cả nước
Có 7 bộ và 24 địa phương có tỉ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 25% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Bao gồm: Ngân hàng phát triển Việt Nam (100%), Tiền Giang (49,22%), Đồng Tháp (46,9%), Thành phố Hải Phòng (44,37%), Long An (43,51%), Tây Ninh (40,66%), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (40,04%).
Tuy vậy, có tới 44 bộ ngành và 29 địa phương có tỉ lệ giải ngân dưới trung bình cả nước. Các đơn vị phải kể đến như Ủy ban Dân tộc, Kiểm toán nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; các Bộ gồm: Lao động Thương binh Xã hội, Khoa học Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Công an, Quốc phòng…
Địa phương có tỉ lệ giải ngân thấp như: TP.HCM, Cao Bằng, Quảng Trị, Đà Nẵng, Bắc Ninh, Tuyên Quang, Đồng Nai, Khánh Hòa, Quảng Nam, Hưng Yên, Phú Yên, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Dương, Nam Định, Sóc Trăng, Lai Châu, Hà Nam, Vĩnh Long, Lạng Sơn, Trà Vinh…
Thông tin thêm về triển khai các dự án quan trọng quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết với Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, đã đồng loạt khởi công 12 dự án thành phần, giải phóng mặt bằng đạt 80% để thi công, giải ngân được 50,2% vốn.
Đối với 3 dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu; Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, hiện Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt đầu tư 8/10 dự án thành phần và đang thực hiện bố trí vốn và triển khai giải ngân.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm để giải ngân vốn đầu tư công thấp với 5 tỉnh thành, trong khi chủ tịch UBND TP.HCM giãi bày có khó khăn trong khâu chuẩn bị đầu tư.