vĐồng tin tức tài chính 365

Nghề chi mà lạ rứa trời - Kỳ 3: Những người bán trầu bên đường

2023-06-03 13:33
Vợ chồng ông Hiếu thu mua gốc trầu tại xã Hòa Tiến - Ảnh: B.D.

Vợ chồng ông Hiếu thu mua gốc trầu tại xã Hòa Tiến - Ảnh: B.D.

Ai bán trầu không?

"Ai có trầu bán không?". Tiếng rao khàn đặc cất lên từ một cặp vợ chồng buôn trầu đánh thức sự tĩnh lặng của các khu dân cư xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng).

Tiếng lẹt phẹt phát ra từ cỗ xe máy lẫn tiếng rao của cặp vợ chồng ông Nguyễn Hiếu - bà Nguyễn Thị Nga hướng vào thôn Yến Lê, xã Hòa Tiến để tìm người bán trầu làm thức giấc khu dân cư nằm sát bên mấy đám ruộng ở vùng nông thôn.

Vừa bon bon trên đường, cả ông Hiếu lẫn bà Nga mắt đảo quanh khu vườn bao quanh các căn nhà. Họ tìm những gốc trầu sum suê lá tới độ "chín" để hỏi mua. Chiếc xe cõng hai sọt tre buộc hai bên xe dừng lại trước cổng nhà bà Trần Thị Trái ở thôn Yến Lê.

Bụi trầu bà Trái trồng đã nhiều năm, vành gốc to bằng bắp tay, dây trầu len lỏi bám kín bức tường căn nhà cấp 4. Bà bảo mỗi năm gốc trầu này cho thu hoạch 4-5 lần, mỗi lần hái bán được cả triệu đồng, ít cũng 5-7 trăm ngàn. 

Với gia đình, gốc trầu không chỉ là cái cây đơn thuần cho màu xanh mà là cả khoảng trời kỷ niệm từ ngày ông chồng bà Trái còn sống cho tới lúc ông qua đời. Bụi trầu vẫn đứng đó, vẫn tỏa màu xanh dù người mất kẻ còn.

Bởi vậy khi gật đầu bán với giá 500.000 đồng, mặt bà Trái vẫn có gì đó quyến luyến bùi ngùi. Bà bảo rằng nhìn cây xanh lá nó quen rồi, bán đi lá thì cây sẽ sớm ra màu xanh sum suê lại nhưng vẫn có gì đó tiếc nuối.

"Cây trầu này do ông nhà tôi trồng, ngày nào ổng cũng cầm cái gáo nước ra tưới trước khi trời tối. Giờ ổng mất rồi nhưng tôi coi cây trầu này như hình bóng ổng ở đó bên ngôi nhà. Với mẹ con tôi, đây là kỷ vật", bà Trái tâm sự.

Cây trầu mỗi năm cho thu hoạch ba lần, phải cắt hái thì trầu mới sung. Trầu không thu hoạch, lá sẽ lụi dần, thân mục và tự chết. Mỗi năm một gốc trầu sung cho thu nhập trên 5-7 triệu đồng là chuyện thường.

Ông Nguyễn Hiếu

Nghề xưa còn lại chút này

Cuộc sống đã nhiều đổi thay, lá trầu "mở đầu câu chuyện" ngày nào giờ dù ít được nhai nhỏn nhoẻn nhưng vẫn là thứ đặc biệt được người Việt giữ gìn. 

Ngay giữa các khu chợ sầm uất như chợ Hàn, chợ Cồn hay bất cứ phiên chợ vùng nông thôn nào ở Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam..., những góc hàng bán trầu cau vẫn có nhiều người lui tới. 

Nhiều người đời nay không còn giữ thói quen ăn trầu, nhưng mỗi khi đi chợ họ đều ghé hàng trầu cau, nhờ người bán xếp cho mấy lá trầu xanh mướt, giòn rụm với kẹp vài miếng cau đem về thành kính đặt trên bàn thờ cho ấm cúng tổ tiên.

Ông Hiếu và bà Nga là một trong những người đã giữ nghề buôn trầu, hái cau ở ngôi làng Trước Đông, ngoại thành Đà Nẵng, suốt hàng chục năm qua. 

Ngôi làng này từng rất nổi tiếng về nghề leo cau, hái trầu. Người đi mua trầu mỗi sáng túa ra các nẻo đường đi "ăn hàng" náo nhiệt, nhưng giờ đây đã ít nhiều quá vãng.

5h sáng, màn sương đặc trùm kín con đường bê tông dẫn từ gốc tre già trước thôn Trước Đông. Ông Hiếu, bà Nga, bà Nguyễn Thị Hương, bà Nguyễn Thị Đó - những người còn duy trì nghề buôn trầu ở thôn Trước Đông, sáng đèn dậy sớm để dọn hàng. 

Những bó trầu chất ngổn ngang được hái vào ngày hôm trước qua một đêm đã xanh tươi và nằm gọn gàng từng xấp dưới chiếc sọt. Những chiếc xe máy bắt đầu rời khỏi làng để hướng ra phiên chợ sớm.

Bà Nguyễn Thị Hương (thôn Trước Đông), một người buôn trầu, cho biết hai vợ chồng bà làm nghề được hơn 20 năm qua. Công việc mỗi ngày duy trì như một vòng quay đồng hồ đều đặn, không thay đổi lịch trình bao năm: ngày hôm trước chạy xe vào các làng ở Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn... hái lá trầu. 

Khi đầy sọt, họ lại cấp tập về nhà cọ rửa, bó trầu thành từng xấp và ủ nước để sọt trầu tươi xanh. Rạng sáng hôm sau, những bó trầu được xếp đặt ngay ngắn, đặt vào sọt để đưa ra chợ bán cho người buôn trước khi đến bàn thờ mỗi gia đình.

Theo ông Nguyễn Hiếu, việc chốt giá một gốc trầu chủ yếu dựa vào cách thức "quạ": người mua lẫn bán sẽ săm soi gốc trầu, vạch từng cụm lá, nhìn gốc chủ của cây trầu để hô giá rồi chốt với nhau con số cuối cùng. 

Gốc trầu bán được nhiều hay ít tiền phụ thuộc vào độ sung mãn, tầng lá dày hay thưa, loại trầu gì...

Đặc biệt, gốc trầu sẽ bán rất được giá vào dịp sát Tết và thời điểm rằm. 

"Trầu không hiện nay chủ yếu phục vụ thờ cúng nên người ta thích lá to, gân trên lá đều, đầu đuôi cân xứng theo hình trái tim. Đặc biệt, phần lưng lẫn mặt lá phải màu xanh sẫm, không bị sâu rầy, lem ố lá, cành trầu khi hái không đứt mà phải dính vào lá", ông Hiếu nói. 

Người buôn trầu tính giá trị cây trầu bằng mắt, mua "quạ" rồi về chia thành bó. Tất nhiên bằng con mắt nghề, ít khi người mua để "hớ" và phải lãnh phần thua thiệt.

Những ngày theo chân dân buôn trầu, chúng tôi bất ngờ khi được chứng kiến các màn mua bán các gốc trầu "bạc triệu". Câu ca dao "ba đồng một mớ trầu cay" ngày nào một phần nói về sự bọt bèo của thứ lá mà tiền nhân để lại giờ đây đem lại khoản tiền đáng kể cho các hộ gia đình.

 Ông Nguyễn Hiếu cho biết gốc trầu mà vợ chồng ông mua của bà Trần Thị Trái ở thôn Yến Lê (Hòa Tiến) chỉ là mức giá trung bình. Có những gốc trầu sung, trồng trên vùng đất tốt và được chăm sóc kỹ được định giá tới nhiều triệu đồng...

Tiếng xe máy cũ của đôi vợ chồng buôn trầu dạo lại nổ lẹt phẹt rời đi. Họ đang tiếp truyền cái nghề của tiền nhân mà thời nay xem chừng có vẻ lạc lõng lắm rồi nhưng vẫn còn sống được.

Trầu được chở về nhà phân loại trước khi đưa ra chợ  tiêu thụ - Ảnh: B.D.

Trầu được chở về nhà phân loại trước khi đưa ra chợ tiêu thụ - Ảnh: B.D.

Để tang cho trầu

Có một chuyện rất đặc biệt quanh câu chuyện những gốc trầu không. Người dân trồng trầu cho biết hầu như một gốc trầu họ trồng đều gắn liền với kỷ niệm đặc biệt trong gia đình.

Bà Nguyễn Thị Phương, chủ một gốc trầu hơn 20 năm tuổi ở xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng), nói rằng gốc trầu được bà đưa về trong một lần đi đám tang người làng kế bên.

Lúc gia quyến dọn trầu cúng, thấy xấp trầu đều, đẹp được xếp ngay ngắn trên đĩa dù không ăn trầu nhưng bà Phương cũng gặng hỏi để cầm về một cành lá. Bà giâm xuống đất, không ngờ gốc trầu này mọc lên tua tủa như "duyên phận" gắn với gia đình.

"Cả nhà tui gần như coi gốc trầu là hình ảnh để gắn kết với nhau, các bức ảnh chụp chung với con cháu đều đứng trước gốc trầu. Mấy năm trước tui không bán vì sợ người ta hái làm kiệt sức, nhưng mấy người trong làng bảo càng hái thì lại càng sung nên giờ mỗi năm tui kêu bán ba lần, mỗi lần được vài triệu đồng", bà Phương nói.

Theo bà Phương, người xứ Quảng lâu nay có một tục rất lạ, đó là khi gia đình có người qua đời thì ngoài vòng tang trên đầu các thành viên thì sẽ có thêm vòng tang được quấn dưới gốc trầu.

"Tui cũng làm theo ông bà chỉ bày. Các cụ bảo cây trầu là thứ cây đặc biệt, giá trị kinh tế không cao nhưng gắn bó với đời sống gia đình, nên có người chết thì trầu cũng được chịu tang", bà Phương kể.

*********

Thời buổi hiện đại, những chiếc bật lửa rẻ bèo và có thể mua bất kỳ đâu, vậy mà ở Huế vẫn có người treo biển nhận vô gas bật lửa bên góc chợ.

>> Kỳ tới: Tiêm vô gas bật lửa, sửa dù bên góc chợ

Nghề chi mà lạ rứa trời - Kỳ 1: Chuyện đời bên chiếc áo mưa ráchNghề chi mà lạ rứa trời - Kỳ 1: Chuyện đời bên chiếc áo mưa rách

Vá áo mưa rách, hàn đồ nhựa, sửa viết hư, đổi tiền nát... Những nghề tưởng chỉ còn là ký ức khó quên của thời bao cấp nghèo khó nhưng vẫn đang lặng lẽ tồn tại.

Xem thêm: mth.3374500130603202-gnoud-neb-uart-nab-iougn-gnuhn-3-yk-iort-aur-al-am-ihc-ehgn/nv.ertiout

Comments:0 | Tags:No Tag

“Nghề chi mà lạ rứa trời - Kỳ 3: Những người bán trầu bên đường”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools