Chiều 3/6, Văn phòng Chính phủ tổ chức họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 để thông tin về tình hình kinh tế xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm cùng một số vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
Buổi họp báo do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, chủ trì. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan.
Trong 5 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 25 Nghị định, 101 Nghị quyết, 15 quyết định quy phạm pháp luật, 618 quyết định cá biệt, 36 công điện, 17 chỉ thị.
Đặc biệt, lần đầu tiên Chính phủ tổ chức 26 Đoàn công tác do các Thanh viên Chính phủ chủ trì làm việc trực tiếp với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đã tiếp nhận hơn 1.000 kiến nghị.
Trong đó, giải quyết ngay 300 kiến nghị và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết các kiến nghị còn lại.
Ông Trần Văn Sơn cho biết, tình hình kinh tế xã hội nước ta trong tháng 5 tiếp tục được duy trì ổn định, chuyển biến tích cực với nhiều lĩnh vực cải thiện hơn so với tháng 4.
Nổi bật là lạm phát giữ xu hướng giảm dần qua các tháng. CPI bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước.
Tình hình sản xuất kinh doanh có nhiều khởi sắc, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tăng 2,2% so với tháng 4 và tăng 0,1% so cùng kỳ; Sản xuất nông nghiệp ổn định, xuất khẩu 1 triệu tấn gạo, trị giá 0,53 tỷ USD, tăng 41,1% về lượng và tăng 53,1% về trị giá so với cùng kỳ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 1,5% so tháng 4 và tăng 11,5% so với cùng kỳ; Số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường giảm 22% so với tháng 4.
Đầu tư được thúc đẩy, giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 31/5 đạt trên 157.000 tỷ đồng, bằng 22,22% kế hoạch, tăng 41.000 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ. Qua đó, đã đẩy một lượng vốn lớn ra nền kinh tế, hỗ trợ đầu ra cho nhiều ngành, lĩnh vực, giải quyết việc làm.
Bên cạnh đó, thu đủ chi, thu ngân sách Nhà nước ước đạt 769.600 tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán. Xuất đủ nhập, xuất siêu 9,8 tỷ USD.
Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định khi lãi suất điều hành giảm 3 lần liên tiếp, lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm; tỉ giá ổn định, phù hợp với diễn biến thị trường; chủ động điều hành chính sách tiền tệ theo hướng phù hợp, chắc chắn, linh hoạt, chủ động và kịp thời.