Cách QL1 tầm 5 km, ở cuối con đường bê tông nhỏ vào thôn Phước Hậu (xã An Hiệp, H.Tuy An, Phú Yên), dưới những triền rẫy là những luống rau xanh mướt đang vào mùa thu hoạch.
"Có sức người sỏi đá cũng thành cơm"
Ít ai có thể ngờ ở một nơi bao quanh là núi đồi khô cằn chỉ có thể canh tác cây công nghiệp lại mọc lên những luống rau xanh. Khác với những làng rau khác, thường ở gần sông, nơi có phù sa màu mỡ, nguồn nước dồi dào quanh năm..., làng rau Phước Hậu nằm lọt thỏm giữa bao la núi đồi, không có sông suối, người dân tự khoan giếng lấy nước tưới rau.
Cứ mỗi sáng sớm, tầm 5 giờ 30 phút hàng ngày, người dân ở thôn Phước Hậu lại tất bật ra đồng rau. Người tưới nước, kẻ bắt sâu, hái rau hoặc gánh rau giao cho lái buôn...
Ông Trương Khâm (66 tuổi, ở thôn Phước Hậu) cho biết đã làm nghề trồng rau hơn 40 năm. Theo ông Khâm, làng Phước Hậu lúc trước trồng lúa, gieo theo nước trời nhưng mỗi năm chỉ làm được một vụ nên người dân ở đây canh tác thêm rau, sau dần thành nghề chính.
Lúc mới làm rau, thôn Phước Hậu chủ yếu trồng ngò. Sau này, do ngò rớt giá, không có lãi, lại dễ bị úng nước nên người dân chuyển sang trồng é trắng, rau thơm, diếp cá là chủ yếu.
''Nói ở đây trồng rau là nghề chính ít ai tin, cũng ít người biết đến làng này. Nhìn xem, toàn núi với núi như thế này thì trồng rau kiểu gì? Nhưng nhà này trồng rau, nhà kia trồng rau, cứ thế trồng rau thành cái nghề chính của làng. Nhà tôi cũng có 3 sào đất (tương đương 1.500 m2) dùng để trồng rau thơm với é trắng'', bà Nguyễn Thị Hoa Anh Đào (57 tuổi, ở thôn Phước Hậu), người đã có 30 năm theo nghề trồng rau, nói.
Rau trồng ở thôn Phước Hậu được tiêu thụ chủ yếu ở địa phương, bán cho các quán ăn, tiểu thương ở chợ… Rau được cắt trong ngày nên luôn giữ độ tươi ngon.
Theo bà Phạm Thị Lòng (55 tuổi, có 6 sào canh tác rau thơm ở thôn Phước Hậu), người trồng rau ở Phước Hậu gặp nhiều bất lợi về nước tưới, đất đai không màu mỡ, thời tiết không thuận lợi… nên phải "lấy sức người gặt sức thiên nhiên". Việc chăm sóc rau xanh lại yêu cầu tính tỉ mỉ cao nên người trồng rau ở Phước Hậu phải chuyên cần, chịu thương, chịu khó.
"Ví dụ như rau thơm này khoảng một tháng rưỡi là có thể thu hoạch nhưng thường ăn 3 mùa gốc là phải trồng lại. Vì đất ở đây là đất rẫy nên rau sẽ không phát triển nhanh như vùng quen sông, vả lại gần núi đến mùa sương muối rau dễ bị hư, người trồng phải dày công chăm bón", bà Lòng nói.
Vận động người dân làm mô hình nhà kính
Có kinh nghiệm trồng rau nhiều năm nhưng người dân ở thôn Phước Hậu ngày càng có nhiều mối lo ngại, nhất là nguồn nước tưới. Tuy mỗi hộ gia đều có giếng khoan nhưng thời tiết mấy năm trở lại đây diễn biến thất thường, đặc biệt là mùa nắng nóng kéo dài khiến nguồn nước ngầm cạn kiệt.
Theo người dân, giá rau xanh cũng thường xuyên biến động nên chuyện lời, lỗ rất khó nói trước. Thời điểm hiện tại, giá 1 kg rau thơm bán tại ruộng được 5.000 đồng, nông dân có lãi. Tuy nhiên, có thời điểm rau thơm rớt giá còn 1.500 đồng/kg thì bán ra chưa đủ bù tiền phân bón.
Ngày 31.5, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Hồng Tâm, Chủ tịch Hội Nông dân xã An Hiệp, cho biết thôn Phước Hậu có khoảng trên 40 hộ trồng rau với tổng diện tích hơn 10 ha, trong đó chủ yếu là trồng é trắng và rau thơm.
Nguồn thu từ trồng rau cao hơn trồng lúa nên người dân thôn Phước Hậu chuyển dần sang canh tác rau thơm là chủ yếu. Nhưng do là đất nương rẫy, độ màu mỡ kém, lại thêm thời tiết cực đoan nên việc trồng rau khó khăn, nhiều lúc dân gặp cảnh được giá mất mùa hoặc được mùa lại mất giá…
"Để giúp người dân trồng rau ổn định, chúng tôi đang có kế hoạch vận động người dân làm mô hình nhà kính, hỗ trợ vốn 50 - 50 để đầu tư phát triển lâu dài'', ông Tâm nói.