Chuyến bay mang số hiệu 191 của hãng American Airlines là một trong những cơn ác mộng chết chóc nhất trong lịch sử ngành hàng không thế giới. Người ta vẫn rùng mình mỗi khi nhớ lại khoảnh khắc chiếc DC-10 chở 271 người cứ liệng dần về bên trái cho tới khi lao thẳng xuống một cánh đồng và nổ tung. Tất cả diễn ra chỉ 31 giây sau khi máy bay cất cánh.
Vậy chính xác thì thảm kịch này đã diễn ra như thế nào?
Chuyến bay định mệnh
Ngày 25/5/1979, chuyến bay 191 của American Airlines xuất phát từ Chicago đến Sân bay quốc tế Los Angeles. Thời tiết ở Chicago ngày hôm đó rất đẹp, gió nhẹ và nắng dịu. 258 hành khách và 13 thành viên phi hành đoàn đều kỳ vọng vào một chuyến bay tốt đẹp. Hầu hết hành khách là các nhà văn đang trên đường tới hội nghị xuất bản thường niên diễn ra tại thành phố Los Angeles.
Cơ trưởng Walter Lux (53 tuổi) điều khiển chiếc máy bay chở khách tầm trung DC-10 với thân rộng ba động cơ.
Chiếc máy bay để lại một cột khói bất thường trên không trung. Ảnh: Michael Laughlin/ Chicago Tribune
Vào lúc 3 giờ chiếu, chiếc DC-10 được phép cất cánh, bắt đầu tăng tốc lăn bánh trên đường băng. Thế nhưng ngay khi máy bay bắt đầu hếch mũi lên chuẩn bị rời mặt đất, nhân viên tháp không lưu đã nhận ra động cơ cánh trái máy bay và pylon (bộ phận tiếp giáp giữa động cơ và cánh) đã rơi thẳng xuống đường băng.
Máy bay vút lên cao 100m để lại một vệt dài khói từ nhiên liệu và chất lỏng thủy lực trên bầu trời - thứ vốn được dùng để giữ thăng bằng cho máy bay.
Cơ trưởng Lux chỉ phát hiện ra máy bay đang hỏng một động cơ chứ không hề biết động cơ và pylon đã rơi hẳn ra ngoài. Vài giây sau, toàn bộ máy bay mất điện. Hệ thống điều khiển máy bay của cơ trưởng, hệ thống cảnh báo thất tốc, cần rung... bị vô hiệu hóa hoàn toàn.
Vụ nổ nhìn từ sân bay O'Hare ở Chicago, tiếng nổ phát ra chỉ 31 giây sau khi máy bay cất cánh. Ảnh: Michael Laughlin/ Chicago Tribune
"Chết tiệt!" - Cơ trưởng hét lên. Đó là âm thanh cuối cùng được ghi lại trong hộp đen máy bay.
Chiếc máy bay liệng dần sang trái, tăng tốc độ cho đến khi lao thẳng xuống một cánh đồng gần sân bay. Một tiếng "rầm" phát ra, cột khói bốc lên nghi ngút. Không một hành khách nào sống sót sau vụ nổ, 2 người khác đang ở dưới mặt đất cũng tử vong ngay lập tức. Tất cả các thi thể chìm vào trong biển lửa.
Nguyên nhân vụ tai nạn
Cuộc điều tra truy tìm nguyên nhân vụ tai nạn đã được Ban an toàn giao thông quốc gia Hoa Kỳ (NTSB) tiến hành ngay sau đó.
Kết quả điều tra đã làm sáng tỏ một sai lầm khủng khiếp đến từ công đoạn bảo dưỡng chiếc máy bay của hãng American Airlines. Theo khuyến cáo của nhà sản xuất, động cơ máy bay DC-10 được gắn liền với pylon nên khi tháo rời phải tháo động cơ ra khỏi pylon trước rồi mới lấy động cơ ra khỏi cánh.
Vụ tai nạn được xác định là do hãng hàng không bảo dưỡng không đúng quy trình. Ảnh: Michael Laughlin/ Chicago Tribune
Thế nhưng hãng hàng không American Airlines đã quyết định "làm tắt" thủ tục này bằng cách tháo cùng lúc cả 2 bộ phận động cơ và pylon để tiết kiệm thời gian. Cách làm này được đánh giá là rất khó thành công bởi những khó khăn khi phải giữ cho động cơ nằm ngay ngắn khi đang được tháo rời.
Vấn đề xảy ra khi các kỹ sư phải tháo ra lắp lại 2 bộ phận trên nhiều lần, vô tình tạo ra vết nứt. Vết nứt lớn dần theo thời gian cho đến khi điểm gắn kết bị đứt gãy, động cơ và pylon rơi ra ngoài ngay khi chuyến bay định mệnh 191 cất cánh.
Cảnh sát phải đánh số vị trí thi thể nạn nhân và gặp rất nhiều khó khăn để nhận diện thi thể. Ảnh: Michael Laughlin/ Chicago Tribune
NTSB kết luận những hỏng hóc dẫn tới vụ tai nạn chủ yếu đến từ việc bảo dưỡng không đúng quy trình. Tuy vậy, vụ việc vẫn khiến Cục Hàng không Liên bang Mỹ quyết định đình chỉ bay tất cả các máy bay DC-10 tại Mỹ trong vòng 1 tháng, ảnh hưởng rất nhiều đến niềm tin của công chúng với dòng máy bay này.
Đáng nói là trước chuyến bay số hiệu 191, DC-10 từng được ghi nhận sử dụng trong hai vụ tai nạn hàng không lớn khác năm 1972 và 1974. Đến năm 2017, máy bay DC-10 đã bị dừng sử dụng hoàn toàn, đặt dấu chấm hết cho một dòng máy bay từng được nhận xét là "đáng tin cậy, rộng rãi và yên tĩnh" nhưng cũng đầy rẫy tai tiếng trong ngành hàng không.
Hơn 40 năm trôi qua kể từ chuyến bay định mệnh 191, vụ tai nạn đã góp phần cải thiện đáng kể các tiêu chuẩn an toàn của ngành hàng không. Các hãng hàng không giờ đây quan tâm nhiều hơn tới việc bảo dưỡng máy bay vì lịch sử đã chứng minh: Quy trình bảo dưỡng là rất quan trọng.