Vào cuối thế kỷ 19, nửa đầu thế kỷ 20, Việt Nam bị giày xéo bởi gót giày xâm lược của thực dân Pháp với một chính sách cai trị tàn bạo.
Các phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam cho dù theo con đường phong kiến hay dân chủ tư sản cũng đều thất bại, bị đàn áp dã man.
Đứng trước cảnh nước mất, nhà tan và sự khủng hoảng về đường lối cứu nước, với trí tuệ, bản lĩnh của mình, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tuy kính trọng các bậc tiền bối đi trước nhưng không tán thành phương pháp của họ.
Bởi vậy, ngày 5-6-1911, trên con tàu Amiral La Touche De Tréville, người thanh niên Nguyễn Tất Thành (tên gọi thời trẻ của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh) đã rời Tổ quốc, khởi đầu cho hành trình vạn dặm, đi tìm ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam.
Độc lập cho dân tộc, hạnh phúc cho nhân dân
Hành trang, động lực thôi thúc Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh khi mới ở độ tuổi đôi mươi quyết định rời xa quê hương, xứ sở chỉ với hai bàn tay trắng và ý tưởng vừa đi vừa lao động để kiếm sống chính là khát vọng cháy bỏng “làm sao cho nước ta được độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Nguyễn Tất Thành rời đất nước trên con tàu Amiral La Touche De Tréville. Ảnh: Tư liệu |
Khát vọng ấy đã được hình thành từ thời niên thiếu, hun đúc bằng truyền thống yêu nước, thương dân của quê hương, gia đình. Nghệ An là vùng địa linh nhân kiệt, nuôi dưỡng nhiều chí sĩ yêu nước, anh hùng nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.
Cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Hồ Chí Minh là một nhân cách lớn, giàu nhân nghĩa, sẵn sàng từ quan vì không muốn phục vụ triều đình tay sai hà hiếp nhân dân. Cụ từng trăn trở tâm sự với con trai Nguyễn Tất Thành: “Làm quan dẫu có giữ mình trong sạch cũng không tránh được hết lỗi lầm. Chỉ một mình gieo oan thì cũng phải ba đời mình chịu oán… Sẽ thất đức con ạ. Thôi, đi đi con! Nước mất, con đi tìm nước… Sớm muộn rồi cha cũng sẽ là nạn nhân chứ không thể là kẻ sát nhân trên cái ghế quan trường này”.
Bản thân Hồ Chí Minh với trí tuệ, sự trắc ẩn, sâu sắc, nhạy bén đã sớm đau xót khi chứng kiến cuộc sống nghèo khổ, bị đàn áp, bóc lột của đồng bào mình, những tội ác của bọn thực dân và thái độ ươn hèn, bạc nhược của bọn quan lại Nam triều…
Cậu bé Cung từng thắc mắc với cha mẹ: “Răng cái ông to đùng, bụng phệ lại nằm trên xe bắt ông gầy gò kéo đi hở cha?”. Lúc ở Sài Gòn, khi thấy mọi người cùng hô hào đuổi đánh hai tên kẻ cắp và đưa chúng vào đồn cảnh sát Tây, Nguyễn Tất Thành đã nghẹn ngào nói với bạn: “Kẻ ăn cướp cả giang sơn mình, cả nòi giống mình thì chẳng thấy ai hô hào đứng lên đánh đuổi”.
Từ ngày 25 đến 30-12-1920, Nguyễn Ái Quốc tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở TP Tours. Ảnh: Tư liệu |
Có thể nói Hồ Chí Minh đã thu vào mình những trăn trở, ưu tư, khát khao, nỗi niềm của quê hương, dân tộc và quyết tâm phải tìm ra con đường giải phóng dân tộc, mưu cầu độc lập, tự do, cơm no, áo ấm. Đó chính là khát vọng về một đất nước ngày một phát triển, phồn vinh, hạnh phúc.
Trong hành trình vạn dặm của mình, Người gần như đã đi khắp năm châu bốn biển, in dấu chân ở nhiều quốc gia; làm rất nhiều nghề để mưu sinh và hoạt động cách mạng; từng bị các thế lực đế quốc đuổi bắt, giam cầm…
Sau bao nỗ lực, Hồ Chí Minh đã thấy được ánh sáng của Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa Mác - Lênin và khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”.
Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh
Lịch sử đã chứng minh con đường cách mạng vô sản được tìm kiếm trong hành trình vạn dặm của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh là một sự lựa chọn đúng đắn.
Đã 112 năm trôi qua, non sông đã thống nhất, thu về một mối, sự nghiệp đổi mới đạt nhiều thành tựu to lớn, đất nước ta chưa bao giờ có “cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế” như hiện nay. Giá trị của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó có công lao khai sông, mở lối cho cách mạng Việt Nam của sự kiện ngày 5-6-1911 đã được Đảng Cộng sản Việt Nam nhấn mạnh việc “mãi mãi soi đường” và “kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh… Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta”.
TS Nguyễn Quỳnh Anh |
Theo chân Người, cả dân tộc Việt Nam đang từng bước hoàn thành cuộc trường chinh đi đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
TP.HCM tự hào là TP mang tên Bác, nơi Bác ra đi tìm đường cứu nước đã, đang từng bước đi lên trở thành một TP đầy sức sống. Đảng và Nhà nước Việt Nam cũng có nhiều sự quan tâm đối với việc xây dựng khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam, đặc biệt là TP.HCM.
TP được phép thực hiện nhiều cơ chế, chính sách vượt trội. Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác lập quan điểm xây dựng và phát triển TP.HCM là nhiệm vụ chính trị quan trọng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị, nhất là Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP với phương châm: “TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM”. Theo đó, đến năm 2030, TP.HCM sẽ trở thành TP văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động, sáng tạo và đến năm 2045 sẽ phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới.
Dưới ánh sáng soi đường của tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo, sự quan tâm của Đảng, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân TP phải không ngừng cố gắng, phát huy mọi nguồn lực với tinh thần và trí tuệ cao nhất để hiện thực hóa mục tiêu nêu trên.
Đây chính là việc làm nhằm góp phần vào sự nghiệp cách mạng của cả dân tộc, thổi bùng khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc mà Hồ Chí Minh hằng mong mỏi.