vĐồng tin tức tài chính 365

Coi chừng nguy cơ bệnh tay chân miệng lan thành dịch

2023-06-05 08:20

Sở Y tế TP.HCM cho biết từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP đã có 1.670 trẻ mắc bệnh tay chân miệng (TCM), trong đó có 270 ca điều trị nội trú. Trong tuần 21 (từ ngày 22 đến 28-5), TP ghi nhận 157 ca, tăng 47,1% so với trung bình bốn tuần trước. Số ca bệnh tăng ở cả trường hợp nhập viện và khám ngoại trú so với trung bình bốn tuần trước.

Tưởng bệnh mùa nóng, nào ngờ mắc TCM

Ghi nhận tại Bệnh viện (BV) Nhi đồng 2 ngày 3-6, đại diện BV cho biết mỗi ngày BV tiếp nhận, khám và điều trị ngoại trú cho hàng chục trường hợp mắc TCM. Hiện khoa Nhiễm của BV có 24 trường hợp TCM phải điều trị nội trú.

Chị TTBL (40 tuổi, ngụ Bình Phước) cho biết con chị đang điều trị TCM ngày thứ tư tại khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2. Theo chị L, con chị nhập viện trong tình trạng sốt hơn 39 độ C, môi tím, miệng lở loét, tay chân nổi mụn nước rất nhiều. Bé đi loạng choạng, tay chân run rẩy nên mẹ phải ẵm.

Coi chừng nguy cơ bệnh tay chân miệng lan thành dịch  ảnh 1

Trẻ mắc tay chân miệng nặng độ II B đang được điều trị tại BV Nhi đồng TP.
Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Chị L kể trước đó bé nóng sốt, biếng ăn nên chị đưa con đến khám tại BV tỉnh. Bác sĩ thấy trong miệng bé nổi hột, chẩn đoán bé bị viêm họng. Được bác sĩ điều trị nhưng bé lúc nào cũng sốt hơn 39 độ C.

Với những thuốc điều trị bệnh nhi mắc TCM từ độ 2A và tiếp tục chuyển độ nặng hơn (độ 2B, độ 3 và độ 4), hiện BV Nhi đồng 1 đang thiếu Phenobarbital tan truyền (truyền tĩnh mạch).

Hầu như các BV trên cả nước đều không có thuốc này. Bác sĩ sử dụng Phenobarbital dạng uống để thay thế, hiệu quả điều trị không bằng thuốc dịch truyền. May mắn, BV hiện không thiếu Gamma Globulin truyền tĩnh mạch và IVIG (miễn dịch tiêm tĩnh mạch). Phác đồ điều trị cho trẻ mắc TCM của BV vẫn không thay đổi.

BS DƯ TẤN QUY, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1

“Sau bốn ngày điều trị, tình trạng bệnh của con vẫn không giảm sút. Vì lo lắng nên tôi xin chuyển con lên BV Nhi đồng 2. Lúc chuyển viện, con đi không nổi vì sụt cân nhiều. Thời gian qua con bị chuyển nặng và được các bác sĩ cứu chữa, đến nay sức khỏe của con đã đỡ hơn nhiều. Hy vọng con nhanh khỏe và được xuất viện” - chị L tâm sự.

Ghi nhận tại BV Nhi đồng 1, có nhiều phụ huynh đưa con đến khám TCM tại khoa Nhiễm - Thần kinh của BV. Hiện khoa này đang điều trị 22 ca TCM, trong đó có hai ca nặng độ II B.

Chị NMG (ngụ Kiên Giang) cho biết con chị 17 tháng tuổi, nhập viện do mắc TCM mức độ nặng II B. Trước đó, con đã điều trị tại BV địa phương bốn ngày nhưng bệnh chuyển nặng nên BV địa phương chuyển con đến BV Nhi đồng 1 vào trưa 30-5 để tiếp tục điều trị. “Hiện sức khỏe của con đã dần ổn định, bác sĩ sẽ theo dõi thêm, nếu sức khỏe tiến triển tốt sẽ cho con xuất viện vào vài ngày tới” - chị G chia sẻ.

Ghi nhận tại BV Nhi đồng TP (TP.HCM), khoa Nhiễm của BV đang điều trị nội trú hai ca trẻ mắc TCM nặng. Đại diện BV cho biết cách đây một tuần, BV không tiếp nhận ca TCM nào. Tuy nhiên, từ đầu tuần (ngày 29-5), BV bắt đầu ghi nhận có ca TCM đến thăm khám. Trung bình mỗi ngày BV tiếp nhận 5-10 ca trẻ mắc TCM.

Nhận biết dấu hiệu TCM, tránh nhầm lẫn

BS Trần Ngọc Lưu, khoa Nhiễm BV Nhi đồng 2, cho biết có một số trường hợp trẻ nhỏ chảy nước miếng, bỏ ăn, sốt cao, nôn ói, tiêu chảy, đi khám bác sĩ mới phát hiện TCM vì bệnh này cũng có thể gây triệu chứng ở đường tiêu hóa. Hay trẻ lớn đau họng, tức ngực, phụ huynh không nghĩ con bị TCM.

Coi chừng nguy cơ bệnh tay chân miệng lan thành dịch  ảnh 2

Nhiều phụ huynh đưa con đến bệnh viện khám mới phát hiện mắc tay chân miệng.
Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Có những trường hợp nặng, nhập viện vì lơ mơ, hôn mê, khò khè. Những dấu hiệu này dễ nhầm với bệnh suyễn, suy hô hấp. Thường những trường hợp này do hồng ban ít và kín đáo nên phụ huynh khó nhận biết.

BS Dư Tấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1, cũng cho biết những biểu hiện của bệnh TCM ở trẻ mà phụ huynh dễ nhận biết là sốt, nổi hồng ban, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông…

Tuy nhiên, với thời tiết nắng nóng hiện nay, nhiều trẻ có biểu hiện bệnh với ít nốt ban nhỏ nên phụ huynh lầm tưởng là rôm sảy, bị nhiệt hay hăm tã… Vì thế, đến khi trẻ chuyển nặng (sốt cao không hạ, giật mình liên tục, thậm chí thở bất thường) mới đưa con đến BV.

Cạnh đó, phụ huynh còn nhầm lẫn biểu hiện chảy nước miếng kèm theo sốt ở trẻ nhỏ là do mọc răng. Thực tế, các bác sĩ đã ghi nhận nhiều trẻ xuất hiện các vết loét bên trong miệng kèm sốt do mắc TCM khiến nước miếng liên tục chảy ra.

“Nếu trẻ chảy nước miếng nhưng sốt cao không hạ, đó có thể là một trong những biểu hiện của TCM. Phụ huynh nên đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế ngay khi phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh, tuân thủ lịch tái khám” - BS Quy cảnh báo.

Dễ lây thành dịch, gây biến chứng nặng

Sở Y tế TP.HCM vừa cho biết tuy số ca mắc TCM thấp hơn năm vừa rồi nhưng thật sự đáng lo ngại khi virus Enterovirus 71 (EV71) đã xuất hiện trở lại.

Năm 2011 đã bùng phát EV71 với nhiều trường hợp nặng và tử vong, chủ yếu là type C4. Đến năm 2018, số ca nặng giảm và chủ yếu là type B5.

BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1, cho biết chủng EV71 này dễ có khả năng lây lan thành dịch và dễ gây biến chứng nặng.

Theo BS Khanh, khi nhiễm chủng virus này, trẻ có thể phải đối mặt với nguy cơ gặp biến chứng nặng như viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim… EV71 lây qua đường tiêu hóa, dấu hiệu khi nhiễm virus này không khác so với virus thông thường.

“Hai tuần qua, các ca TCM tăng rõ rệt kéo theo bệnh nặng nhiều, tỉ lệ mắc bệnh nặng cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái” - BS Khanh nói.

BS Khanh khuyến cáo nếu xung quanh trẻ có người mắc TCM, nên theo dõi sức khỏe của trẻ để sớm phát hiện và điều trị kịp thời. Thỉnh thoảng nên kiểm tra lòng bàn tay, chân và miệng của trẻ để kịp thời phát hiện các bóng nước. Nếu trẻ biếng ăn hay sốt cao khó hạ, ngủ giật mình chới với, nôn ói nhiều, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay.

“Nếu trẻ bệnh nhẹ, được chỉ định theo dõi điều trị tại nhà, nên cách ly ở nhà khoảng 10 ngày, hạn chế tiếp xúc với người xung quanh. Luôn giữ vệ sinh môi trường sống, khử khuẩn bề mặt tiếp xúc và đồ chơi của trẻ. Thường xuyên rửa tay và nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Người lớn nên rửa tay bằng xà phòng sau khi thay quần áo, tã, chăm sóc trẻ, xử lý phân, dịch tiết” - BS Khanh khuyên.

THẢO PHƯƠNG

Xem thêm: lmth.073637tsop-hcid-hnaht-nal-gneim-nahc-yat-hneb-oc-yugn-gnuhc-ioc/nv.olp

“Coi chừng nguy cơ bệnh tay chân miệng lan thành dịch”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools