Ông Phạm Tấn Đạo, chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng, cho biết trên địa bàn tỉnh mới xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng tại xã Song Phụng, huyện Long Phú.
Dân không dám ngủ vì sợ bị cuốn xuống sông
Theo đó, vào lúc 21h30 ngày 1-6, trên địa bàn ấp Phụng An xảy ra sạt lở một đoạn bờ sông Rạch Mọp với chiều dài 70m, lấn sâu vào bờ khoảng 23m, làm thiệt hại lộ nông thôn, tuyến ống dẫn nước sinh hoạt, đường dây điện, ảnh hưởng đến lưu thông đi lại và sản xuất của bà con trong khu vực.
Ông Đạo cho biết hiện nay đang vào mùa mưa và xung quanh nơi đây đã xuất hiện thêm nhiều vết nứt, trong khi dòng chảy ở khu vực sông này rất lớn, khả năng trong thời gian tới sạt lở tiếp tục xảy ra.
Tương tự, tại tỉnh Hậu Giang tình hình sạt lở đang diễn biến phức tạp ở nhiều nơi như huyện Châu Thành, Phụng Hiệp, TP Ngã Bảy... Riêng tại huyện Châu Thành từ giữa đến cuối tháng 5-2023 xảy ra ít nhất ba vụ sạt lở bờ sông làm ảnh hưởng nhà cửa người dân, hàng trăm mét đường giao thông bị chia cắt.
Tại tỉnh Tiền Giang, cuối tháng 5 đoạn đường huyện 54B cặp sông Ba Rài dài hơn 50m thuộc xã Hội Xuân, huyện Cai Lậy bị sạt lở xuống sông. Vụ sạt lở đã chia cắt, làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, nhất là vào thời điểm đang thu hoạch trái cây.
Trước đó, trên sông Trà Lọt thuộc xã Hòa Khánh, huyện Cái Bè cũng đã xảy ra một vụ sạt lở khiến việc đi lại của hàng chục hộ dân gặp khó khăn. Thậm chí, ông Nguyễn Văn Tiến, nhà nằm ngay điểm sạt lở, đã không dám ngủ trong nhà vì lo sợ bị cuốn xuống sông bất cứ lúc nào.
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, trong những năm gần đây tình trạng sạt lở bờ sông, kênh, rạch của tỉnh Tiền Giang ngày càng nghiêm trọng với quy mô, mức độ lớn, có xu hướng gia tăng một cách đáng lo ngại.
Tình trạng sạt lở cũng diễn ra tại các tỉnh Long An, An Giang... làm xáo trộn cuộc sống của nhiều người dân.
Giải pháp chỉ mang tính "chữa cháy"
Ông Nguyễn Văn Kiệt, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Châu Thành (Hậu Giang), cho biết qua khảo sát và nhận định của ngành chuyên môn, tất cả các điểm sạt lở gần đây đầu năm đều do ảnh hưởng của dòng chảy.
Nói về giải pháp, ông Kiệt cho biết sẽ tập trung tuyên truyền hạn chế xây dựng nhà trên những tuyến có nguy cơ sạt lở cao để đảm bảo tính mạng, tài sản và hạn chế tối đa khu vực sạt lở.
Tại tỉnh Tiền Giang, các giải pháp đang tập trung vào việc làm kè chống sạt lở. Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết trong năm 2022 sở đã tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Tiền Giang cho chủ trương xử lý 135 điểm sạt lở với chiều dài gần 9.000m với kinh phí hơn 150 tỉ đồng.
Ngoài ra, trong năm qua ngân sách trung ương cũng đã hỗ trợ tỉnh Tiền Giang xây dựng 16 dự án kè sạt lở bờ sông, bờ biển với tổng chiều dài 9,8km, tổng kinh phí hơn 517 tỉ đồng.
Tương tự, tỉnh Long An cũng đề xuất một số giải pháp công trình. Ông Võ Kim Thuần, chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh Long An, cho biết đã có văn bản kiến nghị các bộ ngành trung ương xem xét tổng hợp, báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ bố trí ngân sách từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2023 - 2025 hỗ trợ cho tỉnh thực hiện các dự án xử lý sạt lở cấp bách trên địa bàn tỉnh.
Ông Tô Hoàng Môn, phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, cho biết vừa cùng với các ngành khảo sát một số đoạn kênh, rạch tại Chợ Mới và TP Long Xuyên để tìm hiểu nguyên nhân cũng như đề nghị các địa phương chủ động phòng tránh sạt lở.
"Tôi đã yêu cầu các địa phương phải tìm cách hạn chế phương tiện tải trọng lớn lưu thông ở khu vực kênh, rạch và cảnh báo sạt lở những khu vực có nguy cơ", ông Môn nói.
Theo ông Môn, do các kênh, rạch nhỏ không nằm trong cảnh báo và cũng không có phương tiện chạy mô hình đáy sông nên không biết được nguyên nhân sạt lở.
"Tuy nhiên, qua quan sát các khu vực kênh rạch bị sạt lở gần đây có thể là do đoạn cua cong, dòng chảy đi sát bờ, cộng với các phương tiện lớn lưu thông nhiều dẫn đến sạt lở. Đối với các kênh rạch nhỏ, tôi đã yêu cầu các địa phương quan tâm nhiều hơn để hạn chế sạt lở", ông Môn nói thêm.
Khai thác cát bừa bãi là nguyên nhân chính?
PGS.TS Văn Phạm Đăng Trí, viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường đại học Cần Thơ), cho biết sạt lở ngày càng gia tăng ở Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều nguyên nhân.
Nguyên nhân khách quan là do thời tiết ngày càng cực đoan hơn (mưa - nắng thất thường làm cho đất khô, sau đó ngậm nước khiến cấu trúc lỏng lẻo dẫn đến dễ sạt lở hơn); tình trạng phù sa từ thượng nguồn đổ về đang thiếu dẫn tới thiếu bùn cát, dòng sông thiếu bùn cát sẽ "ăn" vào bờ...
Tuy nhiên cũng có nguyên nhân từ con người như hoạt động xây dựng ngày càng nhiều làm tải lượng lên bờ sông nhiều hơn. Đặc biệt là tình trạng khai thác cát, trong đó có khai thác cát phục vụ các công trình giao thông, ngày một nhiều và tình trạng khai thác cát lậu.
"Khai thác cát chỗ này nhưng gây sạt lở chỗ khác. Việc khai thác cát làm thay đổi địa mạo lòng sông khiến thay đổi dòng chảy, từ đó gây sạt lở. Khai thác cát quá sâu đã tạo ra nhiều hàm ếch nguy hiểm mà vừa rồi các vụ sạt lở ở Vĩnh Long đã cho thấy điều đó", ông Trí nói.
Theo ông Trí, cần có nghiên cứu tổng quan về hiện trạng và nhu cầu khai thác cát để có giải pháp phù hợp.
Đối với xây dựng công trình, nhà cửa, cần có một quy hoạch bài bản về việc người dân không xây dựng ven sông thì xây dựng ở đâu.
Ngoài ra, cần xác định vùng nào dễ bị tổn thương, dễ bị sạt lở, có đơn vị khoa học của Nhà nước tổ chức nghiên cứu, từ đó đưa ra khuyến cáo phù hợp. Muốn làm được điều này cần có hệ thống quan trắc ổn định, lâu dài cả ở lòng sông, bờ sông cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai để đoán được những việc xảy ra.
CHÍ QUỐC
TTO - Nhiều cánh rừng, làng xóm, đê điều… ở các tỉnh khu vực ĐBSCL đã bị xóa sổ trước vấn nạn sạt lở, hàng trăm hộ dân phải di dời đến những điểm tái định cư tạm do những ngôi nhà trước kia chỉ còn trơ lại những cọc bêtông...