Hôm 4/6, giới chức Ai Cập cho hay, tàu chở dầu bị hỏng ở một làn của kênh đào Suez. Sự cố khiến giao thông toàn cầu bị gián đoạn trong thời gian ngắn.
Theo George Safwat, phát ngôn viên của Cơ quan quản lý kênh đào Suez của Ai Cập, tàu Seavigour mang cờ Malta đã gặp trục trặc kỹ thuật ở một điểm cách kênh đào 12 km. Con tàu đi qua kênh đào từ Địa Trung Hải đến biển Đỏ.
Đô đốc Ossama Rabei, người đứng đầu Cơ quan Quản lý kênh đào Suez cho biết chiếc tàu chở dầu đã bị hỏng ở phần một làn đường thủy, làm gián đoạn quá trình di chuyển của 8 tàu khác phía sau.
Ông Ossama Rabei cũng cho hay, thủy thủ đoàn của tàu Seavigour đang khắc phục sự cố.
MarineTraffic, nhà cung cấp dịch vụ theo dõi tàu cho biết, tàu Seavigour được đóng vào năm 2016, dài 274 m và rộng 48,63 m.
Đây là trường hợp mới nhất một con tàu bị mắc kẹt trong tuyến đường thủy quan trọng nhất trên thế giới. Loạt tàu bị mắc cạn hoặc bị hỏng ở kênh đào Suez trong những năm gần đây.
Hôm 25/5, một con tàu treo cờ Hong Kong chặn kênh trong một thời gian ngắn. Hồi tháng 3, một tàu treo cờ Liberia mắc cạn ở phần 2 làn đường thủy. Cả hai tàu trên đã được cứu hộ vài giờ sau khi sự cố xảy ra.
Tháng 3/2021, Ever Given - tàu container khổng lồ treo cờ Panama, đâm vào một bờ kênh trên đoạn kênh một làn, chặn tuyến đường thủy trong 6 ngày và làm gián đoạn thương mại toàn cầu.
Kênh đào Sue được khánh thành vào năm 1869, cung cấp liên kết quan trọng cho dầu mỏ, khí đốt tự nhiên và hàng hóa. Khoảng 10% thương mại thế giới chảy qua kênh đào này.
Theo Cơ quan quản lý kênh đào Suez, năm ngoái, có 23.851 tàu thuyền đi qua tuyến đường thủy này, so với 20.649 tàu vào năm 2021. Doanh thu từ kênh đào này vào năm 2022 đạt 8 tỷ USD, cao nhất trong lịch sử.