Tăng cường tính đại chúng của ngân hàng, chống sở hữu chéo, chống thao túng, chống lạm quyền cấp tín dụng là yêu cầu đặt ra với lần sửa Luật Các tổ chức tín dụng lần này. Và giải pháp như trình bày của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trước Quốc hội sáng nay, 5-6, là luật sửa đổi sẽ giảm giá trị cho vay tối đa cho một khách hàng và những người liên quan đến khách hàng đó.
Dự thảo Luật các TCTD sửa đổi thu hẹp giới hạn cho vay đối với một khách hàng, người liên quan. Ảnh: PLO |
Cụ thể, dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) quy định tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có của ngân hàng; tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng và người có liên quan không được vượt quá 15% vốn tự có.
Trong trường hợp nhu cầu của khách hàng vượt quá tỉ lệ này, các ngân hàng có thể cùng nhau cho vay dưới hình thức hợp vốn theo quy định của NHNN.
Trường hợp đặc biệt, để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, khi nhu cầu của khách hàng vượt quá khả năng hợp vốn thì Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Quy định như dự thảo là thắt chặt hơn Luật Tổ chức tín dụng hiện hành, vốn cho phép cấp tín dụng cho một khách hàng tới 15% vốn tự có, và lên mức 25% vốn tự cho một khách hàng cùng người liên quan của khách hàng đó.
Tuy nhiên, dù giải pháp này có thể phần nào giúp chống sở hữu chéo, chống thao túng, hay lạm quyền cấp tín dụng cho sân sau, hạn chế rủi ro khi tập trung quá nhiều nguồn lực cho một số khách hàng lớn... nhưng theo chuyên gia, siết như vậy cũng tiềm ẩn những hệ quả không mong muốn cho nền kinh tế.
Chia sẻ với PLO, TS Cấn Văn Lực cho rằng doanh nghiệp, tập đoàn, tổ chức kinh tế lớn vẫn đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế nước ta. Trong thực tiễn khách quan ấy, các tập đoàn kinh tế lớn vẫn có nhu cầu tín dụng lớn, nhất là khi đầu tư phát triển các công trình hạ tầng. Nếu giảm ngay từ 15% xuống 10%, 25% xuống 15% như dự thảo là có phần giật cục, dẫn tới thiếu hụt vốn đối với nhóm khách hàng này.
"Tôi cho là có thể cân nhắc một tỉ lệ phù hợp hơn để dung hòa các mục đích, cụ thể là bao nhiêu thì cơ quan soạn thảo sẽ có tính toán, nhưng có thể là giảm từ 25% xuống 20% thay vì 15% như dự thảo'' – ông Lực gợi ý.
Làm thế nào để dung hòa lợi ích thực tế là câu hỏi lớn, với nhiều quan điểm khác nhau, trong suốt quá trình NHNN xây dựng dự thảo rồi lấy ý kiến cho việc sửa Luật Các tổ chức tín dụng.
Không ít góp ý cho rằng quy định như dự thảo có thể làm dòng chảy vốn trong nền kinh tế bị thắt chặt đột ngột. Giới hạn mức cho vay tối đa cho một khách hàng hay nhóm khách hàng liên quan có thể giúp hạn chế rủi ro cho một ngân hàng cụ thể, nhưng trên bình diện toàn hệ thống thì cần cân nhắc sự cân bằng rủi ro với cơ hội, động lực phát triển.
Quá trình thẩm tra dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng việc giảm tổng mức dư nợ cấp tín dụng sẽ tác động ngay đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự là kênh huy động vốn ổn định cho nền kinh tế và còn nhiều rủi ro.
Chưa kể, quy định của dự thảo theo hướng mở rộng định nghĩa về người liên quan có thể dẫn tới tác động lan tỏa khó kiểm soát khi luật có hiệu lực thi hành. Và việc giảm khả năng vay trong nước khi đó không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới doanh nghiệp nội địa, mà cũng đồng thời giảm sức hấp dẫn với dòng vốn FDI.
Cho dù, dự luật mở ra giải pháp nhiều ngân hàng cho vay hợp một khách hàng hoặc một khách hàng và nhóm người liên quan, thì thủ tục báo cáo, xin ý kiến Thủ tướng về vấn đề, dự án cụ thể sẽ mất thêm nhiều thời gian, thủ tục hơn do quy định hiện hành.
Ngoài ra, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thông lệ quốc tế và kinh nghiệm các nước dù cũng có nhu cầu kiểm soát rủi ro khi bỏ trứng vào một giỏ, nhưng vẫn cho phép cấp tín dụng ở mức khá cao, khoảng 25% vốn tự có của ngân hàng.
Những ý kiến, lập luận và thực tiến như vậy cần được cơ quan soạn thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) tiếp tục cân nhắc về điều khoản giới hạn cấp tín dụng trong dự luật này.