Phát biểu tại phiên thảo luận tổ chiều 5-6 về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải (đoàn TP HCM) nhấn mạnh việc xây dựng luật nhằm hoàn thiện quy định và xử lý những vướng mắc, bất cập của pháp luật về tổ chức tín dụng (TCTD); luật hóa để tạo hành lang pháp lý cho việc xử lý nợ xấu của các TCTD.
Đại biểu Quốc hội Dương Ngọc Hải phát biểu khi thảo luận tại tổ chiều 5-6. Ảnh: Minh Phúc
Theo đại biểu Dương Ngọc Hải, thời gian qua, tình trạng "ép" khách vay tiền mua bảo hiểm tại các ngân hàng gây bức xúc trong dư luận. Việc mối giới mua trái phiếu không đúng pháp luật đối với các khách hàng đến gửi tiền cũng phát sinh những bất cập trên thực tế. Do đó, vị đại biểu đoàn TP HCM đề nghị cần bổ sung vào dự thảo luật các hành vi cấm như vừa nêu.
Dự thảo luật lần này đã đề xuất định 6 trường hợp TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được can thiệp sớm. Trong đó, sẽ áp dụng biện pháp can thiệp sớm khi bị rút tiền hàng loạt khi có nhiều người gửi tiền cùng đến rút tiền dẫn đến tổ chức tín dụng lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả và không tự khắc phục được theo quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam.
Góp ý về nội dung này, đại biểu Dương Ngọc Hải đánh giá đây là quy định cần thiết để hỗ trợ TCTD, đảm bảo an toàn hệ thống. Tuy nhiên, ông cho rằng các biện pháp hiện nay chủ yếu đến từ phía NHNN mà chưa thấy các giải pháp tự thân từ trong ngân hàng bị rút tiền hàng loạt. Trong dự thảo luật cũng chưa có biện pháp xử lý các tổ chức tín dụng để xảy ra vấn đề này.
Theo đại biểu Hải, nếu quy định như dự thảo luật sẽ làm các tổ chức tín dụng ỷ lại, có suy nghĩ nếu gặp phải tình huống này NHNN sẽ vào cứu.
Đại biểu Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho rằng Việt Nam có quá nhiều ngân hàng thương mại, nên cần tăng cường công tác kiểm soát. Theo ông Trí, nếu thanh tra, kiểm tra mà phát hiện ngân hàng chỉ phục vụ cho các doanh nghiệp trong hệ sinh thái của mình, khi rủi ro xảy ra thì NHNN phải gánh là không ổn.
Do đó, đồng tình với ý kiến của đại biểu Hải nêu trên, ông Lê Minh Trí kiến nghị phải xem xét trách nhiệm của ngân hàng, không cứ xảy ra thì dùng tiền người dân gánh. Đồng thời đề nghị tăng cường thanh tra, kiểm tra để đảm bảo chức năng cho vay đúng nghĩa một TCTD.
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao dẫn Quyết định số 986 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đã nêu rõ cần rà soát, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung các quy định về ngăn ngừa sở hữu chéo, ngăn ngừa quyền quản trị, điều hành của cổ đông lớn để thao túng hoạt động các TCTD, hạn chế việc chi phối, thâu tóm...
Đại biểu Quốc hội Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. Ảnh: Minh Phúc
Đại biểu Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, cũng quan tâm đến việc NHNN can thiệp sớm xảy ra tình trạng rút tiền hàng loạt. Ông cũng lưu ý, mỗi động thái từ phía NHNN, mỗi thông tin rò rỉ ra ngoài, lập tức gây hệ lụy rất lớn. “Người gửi tiền chỉ nghe phong thanh là đi rút tiền hàng loạt” - ông Phạm Đức Ấn nhấn mạnh.
Nhấn mạnh dự thảo luật đã hướng đến tăng cường phòng ngừa rủi ro, xây dựng công cụ để quản lý các TCTD, song theo đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn TP Hà Nội), các quy định vẫn nặng về phát hiện sớm vi phạm và xử lý kịp thời trách nhiệm của các cá nhân quản trị, điều hành TCTD. Do đó, vị đại biểu đề xuất cần nhấn mạnh hơn đến phòng ngừa rủi ro thay vì để xảy ra rủi ro rồi mới đi xử lý.
Bày tỏ lo ngại trước tình trạng sở hữu chéo, thao túng, lợi ích nhóm, cho vay "sân sau" trong lĩnh vực ngân hàng, đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng dự thảo Luật lần này phải đưa ra các quy định chặt chẽ để kiểm soát, khắc phục. Theo ông Đồng, thực tế sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng cho thấy tính chất rất phức tạp, luôn tiềm ẩn rủi ro cho hệ thống. Trong đó, có rủi ro tăng vốn ảo thông qua việc đi vay để đầu tư, góp vốn lẫn nhau, trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua công ty con/cháu.
Vị đại biểu đoàn Quảng Trị cũng băn khoăn về rủi ro thâu tóm, chi phối của nhóm cổ đông lớn và người có liên quan như việc ngân hàng mẹ, các công ty con, công ty liên kết cùng đầu tư vào một doanh nghiệp, sở hữu cổ phần chi phối hoạt động kinh doanh của ngân hàng thương mại.