Ngày 6.6, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP.HCM cho biết mới đây, đơn vị có báo cáo sơ kết 2 năm về việc xây dựng nguồn lực Công đoàn thành phố giai đoạn 2020 - 2025 theo Chương trình 07. Theo đó, dù gặp nhiều khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, biến động kinh tế thế giới nhưng thu tài chính công đoàn giai đoạn 2020 - 2022 vẫn đạt và vượt các chỉ tiêu được giao.
Cụ thể, với chỉ tiêu "thu tài chính công đoàn đạt 90% so với số phải thu kinh phí và đoàn phí công đoàn theo quy định của Nhà nước và Tổng LĐLĐ Việt Nam", năm 2022, LĐLĐ TP.HCM thu 3.605 tỉ đồng. Trong đó, thu kinh phí là 2.938 tỉ đồng (đạt 149% so với chỉ tiêu 1.971 tỉ đồng) và thu công đoàn phí 667 tỉ đồng (đạt 126,8% so với chỉ tiêu 526 tỉ đồng).
Đây là năm thứ ba liên tiếp LĐLĐ TP.HCM vượt chỉ tiêu này. Trước đó, năm 2021, thu tài chính công đoàn đạt 2.948 tỉ đồng (thu kinh phí 2.408 tỉ đồng, đạt 134% kế hoạch và thu công đoàn phí 540 tỉ đồng, đạt 135% kế hoạch). Còn năm 2020, thu tài chính công đoàn đạt 3.060 tỉ đồng (thu kinh phí 2.468 tỉ đồng, đạt 157% kế hoạch và thu công đoàn phí 592 tỉ đồng, đạt 159% kế hoạch).
Chi đại diện quyền và lợi ích hợp pháp cho đoàn viên người lao động chưa đạt
LĐLĐ TP.HCM cũng thực hiện vượt chỉ tiêu "hỗ trợ từ 200.000 lượt người lao động tiếp cận vay vốn từ Tổ chức tài chính vi mô CEP". Đồng thời, đạt chỉ tiêu "chi chăm lo trực tiếp cho đoàn viên người lao động 55 - 60% trong tổng chi hằng năm của hệ thống công đoàn các cấp". Đơn cử như năm 2022, chi 1.877 tỉ đồng so với tổng chi hệ thống (tức nguồn thu được giữ lại hằng năm sau khi nộp nghĩa vụ với Tổng LĐLĐ Việt Nam) là 2.744 tỉ đồng, đạt 68,4%.
Cũng theo Chương trình 07, LĐLĐ TP.HCM phấn đấu đến năm 2025 đạt tỉ trọng chi đại diện quyền và lợi ích hợp pháp từ 10 - 15%. Thế nhưng, theo báo cáo, kết quả thực hiện chỉ tiêu này 3 năm qua không đạt.
Cụ thể, năm 2020, Công đoàn TP.HCM chỉ chi 27,6 tỉ đồng so với tổng chi hệ thống là 2.007 tỉ đồng (chiếm 1,3%). Năm 2021, chi 41,17/2.493 tỉ đồng (chiếm 1,66%) và con số chi cho chỉ tiêu này vào năm 2022 là 78,5/2.744 tỉ đồng (chiếm 2,86%).
Số chi hằng năm vẫn chưa tương xứng với nguồn thu có được trong năm
LĐLĐ TP.HCM đánh giá rằng bên cạnh nhiều mặt làm được thì tình trạng thất thu kinh phí, đoàn phí vẫn còn, đặc biệt là thu đoàn phí khu vực ngoài nhà nước.
Số chi hằng năm vẫn chưa tương xứng với nguồn thu có được trong năm, đặc biệt là tỷ lệ chi đại diện quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động chưa đạt yêu cầu. Bên cạnh đó, hoạt động của các đơn vị sự nghiệp còn nhiều khó khăn, tỷ lệ đơn vị tự chủ tài chính sụt giảm so với giai đoạn 2017 - 2019.
Giai đoạn 2020 - 2022, LĐLĐ TP.HCM chỉ chuẩn bị đầu tư 3 dự án gồm hồ bơi và nhà tập luyện của Cung Văn hóa Lao động, Core Banking của Tổ chức tài chính vi mô CEP. Đối với 16 dự án còn lại trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vẫn chưa thể triển khai. Nguyên nhân là vì tổ chức Công đoàn TP.HCM vẫn chưa được giao quyền chủ động thực hiện, thay vào đó phải chờ ý kiến phê duyệt của cấp có thẩm quyền trong các bước thực hiện.
Quyết liệt với đơn vị chậm đóng kinh phí công đoàn
Trong 2 năm, các cấp công đoàn TP.HCM đã có nhiều giải pháp quyết liệt trong công tác phối hợp kiểm tra, xử phạt, khởi kiện đơn vị nợ hoặc chậm đóng kinh phí công đoàn.
Cụ thể đã tiến hành 32.284 cuộc kiểm tra tài chính công đoàn đồng cấp và cấp dưới. Qua kiểm tra, giám sát, đã đề nghị truy thu kinh phí công đoàn được hơn 75 tỉ đồng; truy thu đoàn phí công đoàn được gần 4 tỉ đồng.
Kinh tế khó khăn, tín dụng TP.HCM tăng trưởng chậm