vĐồng tin tức tài chính 365

Vé máy bay trầm lắng cao điểm hè

2023-06-06 09:33

Học sinh cả nước đang bước vào những ngày đầu của kỳ nghỉ hè, cũng là lúc các hãng hàng không tung hàng triệu vé để đáp ứng nhu cầu cao điểm mùa du lịch. Tuy nhiên, năm nay thị trường vé máy bay khá trầm lắng. Đến thời điểm này, nhiều đường bay vốn sôi động khách du lịch vẫn trong tình trạng chờ khách.

Đường bay nội địa còn nhiều ghế trống

Vào thời điểm này năm ngoái, ngành hàng không bận rộn với các chuyến bay nội địa đến các tỉnh, thành có danh lam thắng cảnh đẹp như Phú Quốc, Phú Yên, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Bình. Những ngày đầu hè năm nay, tình hình trầm lắng hơn khi tần suất khai thác các đường bay vốn đông đúc khách sản lượng khách thấp hơn.

Đại diện Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết thời điểm này, lượng khách vẫn chưa cao, bình quân mỗi ngày khoảng 73.000 lượt hành khách đi/đến. Các hãng khai thác khoảng 700 chuyến bay mỗi ngày.

Vé máy bay trầm lắng cao điểm hè ảnh 1

Cao điểm hè năm nay các hãng hàng không tung hàng triệu vé phục vụ nhu cầu du lịch.
Ảnh: P.ĐIỀN

“Những ngày tới, lượng khách sẽ tăng và rải đều chứ không tập trung vào những ngày cao điểm như dịp tết. Dự kiến dịp hè sân bay Tân Sơn Nhất khai thác khoảng 150.000 chuyến bay, đáp ứng khoảng 24 triệu lượt khách” - đại diện sân bay Tân Sơn Nhất cho biết.

Cao điểm hè năm nay, các hãng hàng không Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO công bố mở bán 7,3 triệu vé trên đường bay nội địa và quốc tế. Đại diện các hãng này thông tin bình quân mỗi ngày các hãng sẽ khai thác gần 500 chuyến bay, tăng xấp xỉ 30% so với thường lệ. Lượng ghế cung ứng tăng so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 200.000 ghế, tuy nhiên, hiện tỉ lệ lấp đầy trên các chuyến bay dịp hè chỉ đạt 50%.

Không công bố lượng ghế cung ứng dịp hè nhưng đại diện Bamboo Airways cho biết tần suất khai thác mạng bay nội địa của hãng tỉ lệ kín chỗ cao. “Đội bay 30 chiếc của hãng hiện đang khai thác kín chỗ. Hãng đang tăng thêm máy bay để phục vụ nhu cầu đi lại của hành khách” - vị đại diện chia sẻ.

Trong khi đó, qua các kênh vé trực tuyến và dữ liệu từ flightradar24 cho thấy tần suất khai thác của hãng VietJet Air khá dày đặc, ghế trên mạng bay nội địa của hãng này vẫn còn nhiều chỗ trống.

Các sân bay chờ khách

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Văn Thư, Giám đốc Cảng hàng không quốc tế Vinh, cho biết hiện nay bình quân mỗi ngày có khoảng 6.000 khách thông qua cảng. Những ngày cuối tuần, lượng khách tăng cao hơn. Tuy nhiên, lượng khách như vậy chưa cao so với năng lực khai thác dịp cao điểm.

Ông Thư thông tin bình quân mỗi ngày sân bay Vinh khai thác 20 chuyến đi/đến, trong đó bận rộn nhất là đường bay TP.HCM - Nghệ An. Các đường bay còn lại đi Hà Nội, Cam Ranh, Phú Quốc, Đà Lạt, Cần Thơ, lượng khách vẫn chưa đạt kỳ vọng. “Dù vào hè nhưng khách đi du lịch, về quê thăm gia đình vẫn khá trầm lắng” - ông Thư nói.

Giám đốc sân bay Phú Quốc Nguyễn Minh Đông thông tin những ngày đầu tháng 6, khách đến đảo ngọc tăng nhẹ (khoảng 14.000 khách/ngày) nhưng so với cùng kỳ hè năm ngoái vẫn còn thấp. Cao điểm hè năm ngoái, bình quân mỗi ngày có 24.000-25.000 khách thông qua sân bay này.

Lượng ghế cung ứng tăng so với cùng kỳ năm ngoái khoảng 200.000 ghế, tuy nhiên, hiện tỉ lệ lấp đầy trên các chuyến bay dịp hè chỉ đạt 50%.

Trao đổi với PV, các đại lý máy bay than vé bán khá ế ẩm, khách tham khảo vé giảm nhiều so với các năm trước. Chị Hoàng Hà, chủ đại lý vé tại TP.HCM, chia sẻ nếu như các năm trước đường bay Phú Quốc luôn được lựa chọn hàng đầu thì năm nay đảo chiều, khách đoàn đặt vé trầm lắng. Các đường bay từ TP.HCM đi Huế, Đà Nẵng cũng trong tình trạng tương tự.

Chị Hà phân tích thay vì đi các tour xa, di chuyển bằng máy bay với chi phí cao, các gia đình, khách đoàn chuyển hướng lựa chọn tour gần hơn, di chuyển bằng xe cá nhân để cắt giảm chi phí.

“Khách từ TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ gần đây chuyển sang tour Phan Thiết do có nhiều điểm vui chơi, trải nghiệm chi phí thấp. Đây cũng là nguyên nhân khiến vé máy bay vẫn còn nhiều ghế dịp hè. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng kinh tế, thu nhập giảm nên nhiều gia đình, các đơn vị tính toán chi ly chi phí cho các chuyến du lịch, nghỉ dưỡng” - chị Hà nói.

Đại diện đại lý vé máy bay - du lịch Hồng Ngọc Hà tại TP.HCM nhận xét thời điểm này giá vé khá ổn định trên các chặng bay nội địa. Giá cũng không nằm mức cao như dịp lễ 30-4 và ghế trống còn rất nhiều trên hầu hết đường bay.

Đại lý này cho biết thị trường du lịch nội địa cao điểm hè năm nay sẽ trầm lắng hơn so với cùng kỳ hè năm ngoái. Trong đó, khách không còn chi thoáng tay như các năm trước, thay vào đó các gia đình tổ chức tour riêng đến Phú Yên, Bình Định, Đà Lạt, Bình Thuận bằng xe cá nhân nên khách đi máy bay giảm.

Các đại lý vé - du lịch chia sẻ thông thường trong tháng 5, nhiều tour nội địa kín chỗ 60%-70% trên nhiều chặng bay hút khách như Phú Quốc, Phú Yên, Bình Định, Đà Nẵng thì năm nay lượng vé khách đoàn và khách lẻ đều giảm đáng kể. Thay vào đó, khách có xu hướng chuyển sang các tour quốc tế thủ tục visa không còn khắt khe và không chứng minh tài chính như Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…•

Giá vé cao điểm hè thấp hơn dịp 30-4

Khảo sát nhanh trên các kênh vé trực tuyến và các đại lý cho thấy ghế trống trên hầu hết đường bay nội địa vẫn còn nhiều. Giá vé trong tháng 6 giảm so với dịp lễ 30-4 và 1-5 vừa qua.

Cụ thể, đường bay TP.HCM - Hà Nội giá vé 1,4-2,4 triệu đồng/lượt đã gồm thuế, phí; TP.HCM - Đà Nẵng 1,5-2,1 triệu đồng/lượt; chặng TP.HCM đi Nghệ An, Thanh Hóa cũng có mức giá tương tự 1,5-2 triệu đồng/lượt; TP.HCM - Phú Quốc cũng ghi nhận giá vé hạ nhiệt 1,5-1,9 triệu đồng/lượt.

Trong khi đó, dịp lễ 30-4 vừa qua, giá vé trên các chặng bay hút khách du lịch này đều trên 2 triệu đồng/lượt.

Đáng chú ý, đường bay Hà Nội và TP.HCM đi Côn Đảo đã hạ nhiệt. Theo đó, bay từ Hà Nội còn 2,3-2,5 triệu đồng/lượt so với dịp lễ 30-4, vé khứ hồi 8 triệu đồng/lượt; từ TP.HCM vẫn còn nhiều ghế trống giá 1,3 triệu đồng/lượt.

PHONG ĐIỀN

Xem thêm: lmth.145637tsop-eh-meid-oac-gnal-mart-yab-yam-ev/nv.olp

“Vé máy bay trầm lắng cao điểm hè”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools