Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có báo cáo gửi Ủy ban Kinh tế Quốc hội, khi cơ quan này đề nghị làm rõ "nguyên nhân chính của khoản lỗ hơn 26.000 tỉ đồng năm 2022 của EVN" trong báo cáo thẩm tra về kinh tế, xã hội tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
EVN lỗ hơn 26.000 tỉ đồng năm 2022
Theo EVN, báo cáo hoạt động sản xuất kinh doanh điện năm 2022 của tập đoàn được lập theo đúng quy định, đã được kiểm toán độc lập, kiểm tra bởi đoàn kiểm tra liên ngành và được Bộ Công Thương tổ chức họp báo công bố.
Nhắc lại số liệu đã công bố, EVN cho biết giá bán lẻ điện bình quân trong năm 2022 là 1.882,73 đồng/kWh. Giá thành mua điện từ các nhà máy điện gồm tất cả các chi phí là 2.032,26 đồng/kWh. Như vậy, mỗi kWh bán cho khách hàng sử dụng điện năm 2022 thì EVN lỗ 149,53 đồng/kWh.
Chi phí này khiến cho EVN lỗ sản xuất kinh doanh điện là 36.294,15 tỉ đồng năm 2022. Tuy nhiên, với các thu nhập khác liên quan tới sản xuất kinh doanh điện là 10.058,36 tỉ đồng, số lỗ tổng hợp của tập đoàn trong năm 2022 là 26.235,78 tỉ đồng.
EVN giải thích giá thành mua điện có khâu phát điện chiếm tỉ trọng lớn tới 83,6%. Vì vậy, EVN đã đưa ra nhiều giải pháp để giảm chi phí như tiết kiệm 10% chi phí thường xuyên, cắt giảm chi phí sửa chữa lớn từ 20% đến 40%... giúp giảm 19,69 đồng/kWh so với năm 2021.
Tuy nhiên, do các thông số đầu vào khâu phát điện năm 2022 (giá nhiên liệu than, dầu, khí) tăng đột biến so với các năm trước đây nên làm giá thành khâu phát điện tăng mạnh.
Nguyên nhân khiến giá thành phát điện tăng, theo EVN, là do giá than nhập khẩu tăng rất mạnh trong năm 2022.
Ngoài ra, giá than pha trộn do TKV cung cấp năm 2022 tăng từ 41% đến 46,4%; than pha trộn Tổng công ty Đông Bắc cũng tăng từ 34,7% đến 39,4%. Giá khí, giá dầu cho các nhà máy điện tua bin khí, chạy dầu trong nước cũng tăng.
Nhà máy trực thuộc EVN chỉ chiếm 20% tổng sản lượng
Thông tin thêm, tập đoàn này cho hay đang là người mua điện duy nhất bán cho khách hàng. Các nhà máy trực thuộc EVN chỉ chiếm 20% tổng sản lượng, với mức giá bình quân là 859,9 đồng/kWh. Còn lại 80% được EVN mua từ các nhà máy điện độc lập, có giá bình quân là 1.757,5 đồng/kWh (chưa bao gồm chi phí truyền tải, phân phối - bán lẻ, phụ trợ).
EVN cho rằng nếu thị trường năng lượng được phát triển hoàn chỉnh, giá bán lẻ điện được điều chỉnh kịp thời thì các khách hàng sử dụng điện sẽ phải chịu ngay các chi phí mua điện tăng thêm do thông số đầu vào tăng đột biến trong năm 2022.
“Tuy nhiên, với cơ chế điều tiết giá bán lẻ điện như hiện tại của Chính phủ, EVN đang là doanh nghiệp đứng ra chịu toàn bộ khoản lỗ sản xuất kinh doanh năm 2022 thay cho các khách hàng sử dụng điện” - EVN nêu vấn đề.
Theo ông Đặng Hoàng An, Việt Nam đã vận hành thị trường điện cạnh tranh với 3 cấp độ. Trong đó thị trường phát điện cạnh tranh vận hành từ ngày 1-7-2012. Như vậy theo nguyên tắc, EVN sẽ mua các nguồn điện có giá thấp đến giá cao.