vĐồng tin tức tài chính 365

Doanh nghiệp dệt may tính đường về tỉnh lập nhà máy

2023-06-06 14:19

Ông Phạm Quang Anh - Giám đốc Công ty May mặc Dony - cho biết, công ty muốn chuyển nhà máy sản xuất từ một khu dân cư vào khu công nghiệp (KCN) Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TPHCM để đáp ứng các tiêu chuẩn theo yêu cầu của các đối tác ở Mỹ, châu Âu, như phòng cháy và chữa cháy, xử lý nước thải, vận chuyển, nguồn điện sản xuất… Tuy nhiên, chủ đầu tư của KCN này từ chối với lý do quỹ đất hạn hẹp, không nhận doanh nghiệp (DN) dệt may mới, chỉ ưu tiên những DN ứng dụng công nghệ cao, sử dụng ít công nhân. 

Ngành dệt may TPHCM đang chuyển đổi theo hướng ít sử dụng lao động phổ thông - ẢNH: HOA LÀI  (chụp ở Công ty cổ phần May Sài Gòn 3)
Ngành dệt may TPHCM đang chuyển đổi theo hướng ít sử dụng lao động phổ thông - Ảnh: Hoa Lài (chụp ở Công ty cổ phần May Sài Gòn 3)

“Chúng tôi phải tính đến phương án xây nhà máy trong các KCN ở các tỉnh giáp ranh TPHCM nhưng cũng không dễ dàng gì do hiện nay, đơn hàng xuất khẩu sụt giảm, lãi suất vay quá cao, khó tuyển được nhân sự mới có tay nghề. Tiền công trả cho nhân công ở tỉnh thấp hơn 30% so với ở TPHCM nhưng năng suất lao động cũng thấp hơn khoảng 30%. Nhưng nếu không chuyển đổi mô hình sản xuất (lập nhà máy mới) kịp thời, công ty dễ bị loại ra khỏi chuỗi dệt may toàn cầu” - ông Phạm Quang Anh nói. 

Ông Hồ Đình Viên - Giám đốc Công ty Xuất khẩu thời trang Veco - cho hay, công ty đã chuẩn bị quỹ đất ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An để làm nhà máy theo mô hình xuất khẩu xanh nhưng chưa đủ kinh phí thực hiện do lượng đơn hàng xuất khẩu giảm 40 - 50%. Hiện nhiều DN đang tiến thoái lưỡng nan bởi không vào được KCN ở TPHCM, cũng không có vốn để đưa nhà máy về các tỉnh. 

“Các DN dệt may, da giày Việt Nam đang rơi vào vòng luẩn quẩn: thiếu đơn hàng xuất khẩu nên không có kinh phí chuyển đổi mô hình sản xuất; chậm chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng xanh nên thiếu đơn hàng xuất khẩu”.

Ông Hồ Đình Viên

Bà Nguyễn Võ Minh Thư - Phó trưởng ban Quản lý các khu chế xuất và KCN TPHCM - cho biết, TPHCM đang kêu gọi đầu tư vào các khu sản xuất tập trung này theo định hướng phát triển 4 ngành trọng điểm (điện, điện tử, công nghệ thông tin; hóa dược; cơ khí; chế biến lương thực, thực phẩm) có công nghệ sản xuất tiên tiến, hiện đại, sạch và tiết kiệm năng lượng. Từ năm 2021 đến nay, có 11 dự án thuộc ngành dệt may, da giày hết hạn, trong đó có 6 dự án nước ngoài và 5 dự án trong nước. Các công ty này sau đó đều chuyển nhà máy về các tỉnh. Hiện có 226 dự án dệt may, da giày còn hiệu lực hoạt động trong các khu này.

Theo bà Minh Thư, từ năm 2016 tới nay, ngành dệt may TPHCM có xu hướng giảm lao động phổ thông, tăng nhân sự thiết kế, kỹ thuật, sử dụng thiết bị tự động hóa. Quỹ đất dành cho phát triển các khu chế xuất, KCN của TPHCM không tăng trong hàng chục năm qua. Do đó, TPHCM định hướng giữ lại tối đa diện tích đất công nghiệp ở các khu chế xuất, KCN hiện hữu nhưng tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng tăng các ngành công nghệ cao, công nghiệp xanh, tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu, giảm các ngành công nghiệp thâm dụng lao động, thâm dụng đất đai. 

Theo ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Thêu Đan TPHCM (Agtek) - ngành dệt may luôn được cho là ngành gây ô nhiễm, nên các chính sách hỗ trợ của chính quyền TPHCM thường tập trung cho 4 ngành công nghiệp trọng điểm. Do đó, nhiều DN trong ngành từ lâu đã tính đường về tỉnh, khiến dệt may TPHCM dần bị thu hẹp quy mô, mất lợi thế cạnh tranh. 

Cũng theo ông, dù về tỉnh nhưng các DN vẫn muốn giữ “đại bản doanh” ở TPHCM. Do đó, nếu TPHCM không xem dệt may là ngành trọng điểm thì cũng không nên từ bỏ thế mạnh lâu nay của mình. Thay vào đó, nên nâng cao giá trị của ngành thông qua việc thành lập một trung tâm thời trang và nguyên phụ liệu ngành dệt may với nguồn vốn do thành viên của Agtek đóng góp. Đây sẽ là nơi đào tạo nhân sự các cấp độ, nơi trưng bày, triển lãm thời trang của các thương hiệu trong nước, là trung tâm giao dịch và cung cấp đầy đủ nguyên liệu dệt may cho cả nước, là khu bảo tàng ngành dệt may từ thuở sơ khai đến nay, là một sản phẩm du lịch với nhiều dịch vụ giải trí, có nơi lưu trú chất lượng cao. 

“Công nghệ số càng phát triển, các nước lân cận đều đã thành lập KCN dệt may 4.0. Chúng ta chỉ có thể tận dụng nguồn lao động giá rẻ trong 5 năm nữa. Nếu trong vòng 10 năm tới mà TPHCM vẫn không xây dựng được trung tâm thời trang và nguyên phụ liệu thì DN dệt may TPHCM không thể cạnh tranh thắng lợi trên thương trường được” - ông Phạm Xuân Hồng nói. 

Bà Lê Nguyên Trang Nhã - Giám đốc Công ty TNHH Viking Việt Nam - cho rằng, để DN đủ điều kiện đưa nhà máy về tỉnh, chuyển đổi công nghệ, Chính phủ, UBND các tỉnh, thành nên có chính sách hỗ trợ vốn vay, giảm thuế khi mua trang thiết bị. Bangladesh đang hỗ trợ DN dệt may của họ theo cách này. 

Từ năm 2010, TPHCM đã có định hướng tập trung phát triển công nghiệp theo chiều sâu, có hàm lượng khoa học, công nghệ cao, tạo ra giá trị gia tăng cao dựa trên nền tảng công nghệ cao và kinh tế số. Hiện tại, các dự án thuộc ngành công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông chiếm tỉ trọng cao nhất trong các khu chế xuất và KCN của TPHCM (16,5%), tiếp đó là dịch vụ, dịch vụ công nghiệp (15,56%), cơ khí (15,2%), hóa, nhựa, cao su (13,67%), thực phẩm (9,83%), dệt may (9,6%). 

Thanh Hoa

Xem thêm: lmth.1033941a-yam-ahn-pal-hnit-ev-gnoud-hnit-yam-ted-peihgn-hnaod/nv.moc.enilnounuhp.www

Comments:0 | Tags:No Tag

“ Doanh nghiệp dệt may tính đường về tỉnh lập nhà máy ”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools