Trong ký ức của chiến sĩ biệt động Sài Gòn - Gia Định, chị Sáu Xuân - bí danh của liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát - nguyên bí thư chi bộ võ trang tuyên truyền liên quận 2 - 4 (nay là quận 1, TP.HCM), chị là nữ biệt động kiên cường, dũng cảm, đã hy sinh trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở tuổi 28.
Nữ biệt động nhà giáo
Liệt sĩ Bạch Cát có năm anh chị em, con cụ giáo làng Lê Viết Thanh và cụ Bùi Thị Tranh làm nội trợ và đan lưới ở xã Nghi Thủy, huyện Nghi Lộc (Nghệ An). Lên 8 tuổi, Sáu Xuân mới được đi học nhưng rồi cũng phải nghỉ vì nhà nghèo quá.
Vốn năng động, hay hát lại có sở trường thể thao, chị đến với hoạt động Đoàn, Đội thanh thiếu niên, gia nhập đội thanh niên "cứu quốc". Rồi cũng được đi học trở lại, chị hoàn thành chương trình cấp II, tu nghiệp ngành sư phạm trung cấp, đi dạy ở các bậc học khác nhau.
Năm 1964, khi kháng chiến chống Mỹ diễn ra ác liệt, lớp lớp người trẻ đăng ký tình nguyện lên đường vào Nam chiến đấu. Trong những lá thư tình nguyện ấy có bức thư được viết bằng máu của nhà giáo Lê Thị Bạch Cát (sinh viên Trường Sư phạm thể dục thể thao trung ương, nay là Trường ĐH Sư phạm thể dục thể thao Hà Nội).
Bức thư gửi đến Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn khi ấy với quyết tâm: "Em đi trả nghĩa để thầy/ Cầm viên phấn dắt dìu bầy em sau".
Bức "huyết thư" ấy đã đưa nhà giáo Lê Thị Bạch Cát gia nhập đội hình lớp luyện quân đặc biệt, mật danh K33. Sau ba tháng luyện quân, đoàn K33 xuất phát, vượt Trường Sơn vào Nam tham gia chiến đấu. Bấy giờ, cái tên Lê Thị Bạch Cát gửi lại đất Bắc và chị mang biệt danh Lê Liên Xuân.
Anh dũng hy sinh
Sáu Xuân vào Nam, hoạt động tại nhiều mặt trận. Sau chiến công "đặc biệt xuất sắc" ở mặt trận Đà Lạt năm 1966, chị được Khu ủy Sài Gòn - Gia Định điều động bổ sung về lực lượng "võ trang tuyên truyền" thuộc Khu đoàn Sài Gòn - Gia Định, hoạt động tại cơ sở phường, quận nội đô Sài Gòn khi ấy.
Dưới vỏ bọc khi là thợ may, lúc lại công nhân thu dọn bao bì, vỏ hộp, khi lại là người bán rau ở mấy khu chợ quanh khu vực quận 1 hiện nay, Sáu Xuân hoạt động trong nội tuyến. Sau đó, tiếp tục nới rộng ra huyện Thủ Đức và tỉnh Biên Hòa.
Chuẩn bị cho Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Sáu Xuân được Khu ủy chuyển đến liên quận 2 - 4 với chức danh quận ủy viên, bí thư Ban chấp hành thanh niên quận 2 (nay là quận 1), bí thư chi bộ võ trang tuyên truyền liên quận 2 - 4.
Nhận nhiệm vụ mới, sát thời điểm Xuân Mậu Thân 1968, Sáu Xuân vận động, xây dựng lực lượng, tổ chức vận chuyển tập kết vũ khí, phối hợp cùng các đội vũ trang của quận đội và các đơn vị biệt động khác chuẩn bị cho cuộc nổi dậy.
Chị trực tiếp chỉ đạo phát động nhân dân nổi dậy trong đợt 1 của chiến dịch, tấn công các khu vực Phạm Ngũ Lão, Bến Chương Dương, hẻm Hiệp Thành, Bến Vân Đồn.
Vào đợt 2, sáng 5-5-1968, Sáu Xuân cùng đồng đội trực tiếp chỉ huy liên quận 2 - 4 đặt tại nhà 225/4 Bến Chương Dương. Nhưng yếu tố bất ngờ không còn, lại thiếu súng đạn nên chiến sĩ thương vong nhiều khi gặp sự chống trả quyết liệt.
Nhận thấy sự chênh lệch lực lượng quá lớn, trung đội trưởng Sáu Xuân ra lệnh cho đồng đội rút lui để bảo toàn lực lượng còn chị ở lại chiến đấu.
Chị bị bắt sống, hô vang "Hồ Chí Minh muôn năm". Bị nã đạn nhưng Sáu Xuân không quên dùng trái lựu đạn cuối cùng ném về phía địch trước khi hy sinh vào trưa ngày hôm đó.
Ra mắt thêm Không gian truyền thống phong trào HSSV
Thêm một Không gian truyền thống phong trào HSSV Sài Gòn - Gia Định - TP.HCM vừa được Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM khánh thành ngày 5-6. Công trình đặt tại Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (quận 1), gắn liền 117 năm thành lập và phát triển của trường, chào mừng Đại hội VII Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM, tiến tới Đại hội toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần XI (nhiệm kỳ 2023 - 2028).
Bức phù điêu bằng chất liệu composite sơn giả đồng, ngang 3,5m, cao 1,3m và trên bệ cao 1,4m, đặt trong nhà truyền thống của trường, cũng là "địa chỉ đỏ" sôi nổi của phong trào HSSV thời kháng chiến. Phù điêu tái hiện lịch sử hình thành, phát triển của trường, phong trào đấu tranh của HSSV và mang ý nghĩa biểu tượng.
Trong đó, biểu tượng ngọn đuốc soi đường cho nhiều thế hệ thầy trò của trường ra biển lớn, nhóm biểu tượng học tập và đấu tranh tái hiện điểm hội tụ, liên kết học sinh Sài Gòn vừa học tập vừa là nòng cốt trong phong trào đấu tranh của HSSV Sài Gòn - Gia Định...
CÔNG TRIỆU
Giải thưởng mang tên nữ anh hùng
Bí thư Quận Đoàn 1 Trần Ngọc Trí cho biết Quận Đoàn có giải thưởng Lê Thị Bạch Cát khen thưởng các giải pháp, mô hình hiệu quả trong công tác Đoàn từ năm 2012, xét trao nhân dịp 26-3 hằng năm.
Giải thưởng mang tên người nữ bí thư Quận Đoàn 1, nữ liệt sĩ kiên trung trong số các liệt sĩ của Thành Đoàn Sài Gòn - Gia Định là niềm tự hào và tiếp bước truyền thống các thế hệ đi trước.
"Chúng tôi còn có các hoạt động giáo dục, truyền thông về sự hy sinh dũng cảm của cha ông, trong đó có chị Sáu Xuân, giúp các bạn trẻ tự hào và góp sức nhiều hơn xây dựng quận nhà cùng TP phát triển.
Chúng tôi tin và thấy rằng liệt sĩ Lê Thị Bạch Cát xứng đáng được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân", anh Trí bày tỏ.
TTO - Từng phải giấu gia đình, tự dành tiền túi để đi tìm mộ liệt sĩ, nay người phụ nữ ấy đã bỏ lại những lời đàm tiếu, vượt qua những thử thách để trở thành đội trưởng Đội xác minh, tìm kiếm và quy tập mộ liệt sĩ tình nguyện tại Đà Nẵng.