Nói thế bởi mỗi khi được ăn các món từ hến, đặc biệt hến được bắt từ sông Bà Rén (Quế Sơn - Quảng Nam) với thoang thoảng mùi thơm của hành, vị cay nồng của ớt tiêu, dường như mồ hôi toát ra và những mỏi mệt cũng tan theo hết.
Lòng sông Bà Rén sở hữu rất nhiều hến. Hến sống dưới lớp bùn, sỏi ở đáy sông, hấp thụ vi sinh vật trong nước. Tại đây có vài hộ sống bên bờ sông gắn bó với người làm nghề cào và bán hến.
Người ta thiết kế những bàn cào có răng bằng sắt thưa hơn mình hến đôi chút, sau dàn cào sắt là một bao lưới mắt nhỏ để giữ hến lại, khi kéo dàn cào dưới đáy sông, bao nhiêu sỏi, hến… đều vào lưới.
Nghề cào hến đòi hỏi phải có sức lực dẻo dai. Thường, với cánh đàn ông có sức khỏe thì họ chạy ghe máy ra giữa dòng để cào, còn phụ nữ sức yếu, chèo ghe cào hến tại khu vực nước nông.
Khi ghe máy đến địa điểm thích hợp ghì chặt đôi tay vào chiếc sào và kéo mạnh. Hến sau khi được chủ ghe mang về bến được rửa sạch rồi mới bán cho chủ lò. Khi những ghe thuyền cập bến cũng là lúc các lò đãi hến bắt đầu đỏ lửa.
Dường như những tháng "nắng lớn" thì con hến mới dâng hết độ ngon ngọt cho người, nên muốn có những món ngon từ hến thết đãi thực khách, người cào hến tại sông Bà Rén trải qua một công việc tương đối cực nhọc.
Mấy hôm nay mới đầu hạ mà cái nắng xứ Quảng như thiêu như đốt đến rát cả da thịt, vậy mà đôi bàn tay thợ cào hến vẫn nhanh nhẹn, dường như họ đang dồn hết tâm trí và sức lực cho công việc vốn gắn bó từ bao đời này.
Chứng kiến ngư dân tay thoăn thoắt từng công đoạn kéo hến, đổ hến, đãi hến, vận chuyển lên bờ... lại càng thương hơn con hến sông quê, vì trong từng con hến chan đầy cả nỗi nhọc nhằn.
Bắt lên rồi công đoạn làm sạch hến cũng khá kỳ công nhưng quyết định chất lượng các món ngon từ hến. Trước khi nấu, hến đã sơ chế kỹ càng. Hến phải chà sạch vỏ, tỉ mỉ rửa trước khi cho vào nồi luộc với tỉ lệ 1 bát hến, 2 bát nước.
Luộc hến muốn cho nó róc, dễ đãi phải đợi nước thật sôi, thả ít muối vào, rồi đổ hến. Lửa thật to cho sôi bùng lên thì dùng đũa cả đánh mạnh và đều. Đa phần ruột hến sẽ bong ra từ động tác này. Rồi bắc ra ngay, đổ ra rổ hứng lấy nước, bởi nếu quá lửa hến sẽ dai, mất ngọt.
Người dân tại sông Bà Rén đong thịt hến bằng lon để bán cùng với nước. Nước hến hợp nhất là nấu canh rau lang hoặc rau muống. Còn ruột hến đơn giản nhất là đổ vào canh, tất nhiên là đã được ướp hoặc xào lướt qua. Muốn ăn hến khô thì xào ruột với hành lá cắt nhỏ, ớt.
Món này nó thấm vô cùng, xúc bánh tráng không gì bằng! Các món hến bình dân vì giá hợp túi tiền nhưng cũng khá sang trọng một cách tử tế vì vị quá ngon ngọt lại rất lành - thực phẩm sạch từ thiên nhiên.
Tất nhiên, là đây đang nói loại hến phổ biến tại sông Bà Rén, loại nhỏ như móng tay ấy. Đặc biệt, ở sông Bà Rén còn có loại hến to bằng đầu ngón áp út, quả thật ăn nó rất đã, rất sảng khoái vì to, vì nhiều.
Con người rồi ai cũng lớn lên, vì sinh kế phải phiêu bạt, nhưng không có lúc nào không nhớ quê, nhất là hương vị những món ăn dân dã. Và có lẽ cũng đã đôi lần thốt lên "Ước gì.. có một tô canh hến".
Rồi mỗi khi về quê, rất hạnh phúc vì quê vẫn còn ruộng đồng, rau vẫn xanh trong vườn, cá vẫn đều đặn dính câu và hến còn được bày bán dọc một ngã sông quê. Khi đó lòng sẽ nhẹ nhàng mỉm cười, sà vào mua vài lon về chế biến cùng bè bạn thưởng thức…
Hến thuộc loại ngao, trai, thường sống ở ven sông, cồn (xuất hiện nhiều ở các tỉnh miền Trung). Thế nhưng, vài năm trở lại đây, có một mùa hến đông như hội lại xuất hiện giữa đại ngàn - hồ Ea Kao, tỉnh Đắk Lắk.