Ước tính 4 tháng đầu năm, lượng gạo xuất khẩu Việt Nam đạt 2,95 triệu tấn với trị giá 1,55 tỉ USD, tăng 43,6% về lượng và 54,4% về trị giá.
Tính chung quý 2 dự kiến xuất khẩu hơn 2 triệu tấn, nên lượng gạo dự kiến xuất khẩu 6 tháng đầu năm là 3,85 triệu tấn.
Trong 6 tháng cuối năm, dự kiến xuất khẩu 6,6 triệu tấn. Trong đó nhóm gạo chất lượng cao đạt 3 triệu tấn; nhóm gạo thơm, đặc sản đạt 2,1 triệu tấn; nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 0,9 triệu tấn; nhóm nếp đạt 0,6 triệu tấn.
Giá gạo xuất khẩu tăng mạnh, gạo chất lượng cao mang lại giá trị lớn
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đến cuối tháng 4-2023 dao động khoảng 483-487 USD/tấn, tăng khoảng 35 USD so với tháng trước, thấp hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan khoảng 5-10 USD/tấn.
Tuy vậy, với các dòng gạo thơm, giá xuất khẩu gạo Jasmine Việt Nam ghi nhận ở mức 553-557 USD/tấn, tăng khoảng 10 USD so với tháng trước.
Bộ Công Thương đánh giá, điều hành xuất khẩu gạo đã góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa và đảm bảo lợi ích người trồng lúa theo chính sách hiện hành; bảo đảm cân đối xuất khẩu và tiêu dùng nội địa; góp phần bình ổn giá thóc, gạo trong nước.
Đáng chú ý, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong quý 1-2023 duy trì ở mức tốt. Nhiều thời điểm trong tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.
Xuất khẩu gạo tăng trưởng tốt ở các thị trường truyền thống. Đơn cử như: Philippines tăng 44,8%, tương đương 221.800 tấn; Trung Quốc tăng 118,8%, tương đương 162.900 tấn.
Ở các thị trường tiềm năng xuất khẩu cũng tăng tốt, như: Chile tăng gấp 25 lần, tương đương 4.600 tấn; Singapore tăng gần 30%, tương đương 6.400 tấn.
Đặc biệt, trị giá xuất khẩu gạo sang EU ghi nhận tăng trưởng rất tốt ở nhiều thị trường nhờ xuất khẩu các sản phẩm gạo thơm.
Điều này cho thấy chất lượng gạo của Việt Nam đang ngày càng gia tăng, đáp ứng được yêu cầu từ cả những thị trường khó tính, đồng thời cho thấy tiềm năng mở rộng thị trường, gia tăng thị phần gạo chất lượng cao của Việt Nam.
Tháo gỡ khó khăn về rào cản kỹ thuật
Về giải pháp, Bộ Công Thương nhấn mạnh đến việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc xuất khẩu gạo sang các thị trường. Nhất là trong bối cảnh xu hướng gia tăng các rào cản kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm như hiện nay, cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của thương nhân để am hiểu đầy đủ, rõ ràng đặc biệt các quy định của các hiệp định thương mại tự do (EVFTA, CPTPP...) về kiểm dịch thực vật, truy xuất nguồn gốc.
Định hướng rõ hơn về cơ cấu, chủng loại gạo, diện tích sản xuất, tình hình nguồn cung gạo toàn cầu, nhu cầu tiêu thụ mặt hàng gạo, phục vụ công tác cân đối cung cầu.
Khuyến khích, hỗ trợ triển khai xây dựng vùng nguyên liệu, thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ thóc, gạo.
Ngân hàng có giải pháp, chính sách hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, ưu tiên lĩnh vực xuất nhập khẩu; xem xét có các chính sách về khoanh nợ, giảm nợ, giãn, hoãn nợ…
Mục tiêu cụ thể đặt ra với xuất khẩu gạo Việt Nam là tăng giá trị, giảm khối lượng xuất khẩu đến năm 2030 xuống còn khoảng 4 triệu tấn với kim ngạch tương đương khoảng 2,62 tỉ USD, tương đương với mức giảm hơn 2 triệu tấn/năm so với hiện nay.