Thoát khỏi cái bóng "sản phẩm giảm nghèo"
Nhiều vấn đề về phát triển sản phẩm OCOP Đà Nẵng đã được đặt ra tại chương trình tọa đàm do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương TP Đà Nẵng tổ chức chiều 7-6.
Qua 3 năm phát triển, đến nay địa phương này đã có 64 sản phẩm được chứng nhận OCOP. Dù chương trình đã góp phần nâng cao giá trị cho nhiều sản phẩm, tác động nhất định đến tư duy về kinh tế của các hợp tác xã và hộ kinh doanh nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng.
Đặc biệt, theo đánh giá Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng, sản phẩm OCOP của địa phương vẫn có độ "nghiêng" khi chủ yếu tập trung vào nhóm thực phẩm.
Đà Nẵng vẫn thiếu sản phẩm thuộc nhóm du lịch và thủ công mỹ nghệ, trang trí nội thất, sản phẩm làng nghề. Trong khi du lịch là mũi nhọn kinh tế, thị trường tiêu thụ bền vững cần sớm tận dụng.
Ông Nguyễn Phú Ban - giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng - cho biết ngay từ đầu thành phố đã xác định sản phẩm OCOP bỏ qua giai đoạn là "sản phẩm giảm nghèo" mà định hướng tiến tới giúp các chủ thể làm ăn khá giả.
Do vậy tập trung vào việc hỗ trợ sản phẩm đi vào chiều sâu, định vị được thương hiệu địa phương để hướng tới xuất khẩu.
"Sản phẩm OCOP chúng tôi định hướng phải mang tính chất xanh, an toàn, sinh thái. Vừa phát triển kinh tế nhưng mang tính chất xã hội, văn hóa. Bảo tồn được tính làng nghề địa phương thông qua đó tác động hai chiều đến cả du lịch" - ông Ban nói.
Nhiều đại biểu cùng chung nhận định về việc hướng tới chất lượng để phục vụ du lịch. Đặc biệt là sản phẩm phù hợp với thị trường khách quốc tế mà thành phố đang có thế mạnh.
OCOP nên tận dụng bán hàng online
Theo ông Võ Văn Khanh - đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tại miền Trung - Tây Nguyên, dù chủ thể OCOP chủ yếu là đối tượng sản xuất, kinh doanh quy mô nhỏ nhưng phải nhanh chóng bắt nhịp với xu hướng kinh doanh trực tuyến.
Theo ông Khanh, bán hàng online phát triển nở rộ ở nước ta sau COVID-19 với thị trường trong nước vô cùng rộng lớn.
Trước đây một doanh nghiệp đưa hàng ra thị trường thường qua 4 khâu "tìm kiếm - quảng bá - bán hàng - test thị trường" và phụ thuộc nhiều đơn vị tổ chức. Nay các giải pháp thương mại điện tử đã giải quyết được cả 4 khâu.
Nhờ vậy đã đem lại hiệu quả kinh tế cho rất nhiều ngành nghề và trở thành xu hướng tất yếu, phù hợp với quy mô của nhiều chủ thể.
Ông Khanh lưu ý là sản phẩm nông sản thì vòng đời ngắn nên việc mua bán qua mạng mất nhiều thời gian, buộc hàng OCOP phải giải quyết được vấn đề bảo quản.
Từ góc độ này ông Khanh đề xuất việc tăng cường tổ chức ngày hội trực tuyến cho sản phẩm OCOP để người dân làm quen. Đồng thời tập trung hỗ trợ chủ thể số hóa cửa hàng và sản phẩm.
Tận dụng tối đa kênh du lịch
Dù có thị trường tiêu thụ mạnh nhờ du lịch phát triển nhưng so với các địa phương khác, số lượng sản phẩm OCOP của Đà Nẵng vẫn chưa nhiều.
Nhiều đại biểu tham gia tọa đàm đã chia sẻ câu chuyện tận dụng du lịch để phát triển sản phẩm trong thời gian đầu. Đồng thời nhấn mạnh hai yêu cầu để sản phẩm "bơi ra biển lớn" là phải chuẩn hóa về tiêu chuẩn sản phẩm và tiêu chuẩn thương mại.
Trong đó, khi sản phẩm tham gia OCOP sẽ được hỗ trợ rất nhiều về các tiêu chuẩn này cũng như nhận được sự cộng hưởng từ truyền thông trong giai đoạn này.
Theo Sở Công Thương TP Đà Nẵng, thời gian tới sẽ tổ chức các sản phẩm đặc trưng, chất lượng, an toàn, thân thiện với môi trường. Đặc biệt là xây dựng mô hình phát triển sản phẩm OCOP xanh theo hướng kinh tế tuần hoàn và sản phẩm theo chuỗi giá trị trên cơ sở phát triển tiềm năng, lợi thế của từng địa phương.
Địa phương này cũng đã có những kế hoạch đẩy mạnh chuyển đổi số và tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đưa các sản phẩm OCOP vào các trung tâm, siêu thị và sàn thương mại điện tử.
Nhiều sản phẩm có thế mạnh đặc trưng
Qua nhiều năm xây dựng, các sản phẩm OCOP Đà Nẵng đã thể hiện được những đặc trưng, lợi thế và phát huy giá trị cộng đồng trong sản phẩm như: nước mắm Nam Ô, kiệu hương Hòa Nhơn, rau, củ, quả Túy Loan, chè dây Hòa Bắc, bánh dừa Top Coco…
Tọa đàm diễn ra trong không gian Hội chợ hàng Việt Đà Nẵng 2023 - Tôn vinh sản phẩm OCOP và phát động tháng khuyến mại kích cầu mua sắm với sự đồng hành của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.
Ông Nguyễn Tiến Trường - phó trưởng văn phòng đại diện Agribank khu vực miền Trung - cho biết dự kiến trong thời gian tới sẽ xây dựng gói tín dụng dành riêng cho các hộ chủ thể OCOP.
Đà Nẵng đã trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực. Đây được xem là cơ hội quảng bá để nhiều sản phẩm chất lượng địa phương đến tay người tiêu dùng khắp nơi.