Theo bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM, hầu hết các doanh nghiệp ngành chế biến lương thực - thực phẩm dù vẫn duy trì tốt sản xuất nhưng biên lợi nhuận "cực kỳ thấp". Nguyên nhân là do lãi vay quá cao, chi phí đầu vào đều tăng. Với lãi suất cho vay trên 10% một năm như hiện nay, để tồn tại và duy trì hoạt động cũng đã rất áp lực, các doanh nghiệp chưa thể nghĩ đến kinh doanh có lãi.
“Ngay cả khi lãi suất vay cao nhưng thực tế xin vay cũng không phải dễ. Với tình hình nhiều doanh nghiệp khó khăn như vậy, cần có chính sách linh hoạt chứ nếu vẫn giữ các điều kiện như cũ, doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn”, bà Chi chia sẻ.
Trước tình hình các doanh nghiệp khó khăn về nguồn vốn như hiện nay, các chuyên gia đề xuất một số giải pháp cần tăng tốc ngay. Đó là ngân hàng tiếp tục giảm mạnh lãi suất cho vay để doanh nghiệp có cơ hội phục hồi, tồn tại. Mức lãi suất cho vay nên giảm xuống bằng hoặc thấp hơn mức trước khi tăng, ngang bằng hoặc cao hơn lạm phát một ít.
Theo chuyên gia tài chính Phan Lê Thành Long, hiện nay ngân hàng cho vay cũng khó mà không cho vay cũng khó... Sau các đợt tăng lãi suất cuối năm 2022 đã khiến lãi suất huy động ở hệ thống ngân hàng tăng lên, khi ngân hàng ôm tiền gửi với lãi suất cao, kỳ hạn dài, mà không cho vay sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng, còn cho vay không cẩn thận sẽ ảnh hưởng đến nợ xấu.
“Đáng chú ý, dư địa hạ lãi suất cũng không còn nhiều, từ nay đến hết năm 2023, có thể Ngân hàng Nhà nước sẽ hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa. Tuy nhiên, chúng ta còn phải quan sát các biến số đó là sức ép về lạm phát, mặc dù lạm phát năm nay không cao, nhưng chúng ta hoàn toàn không biết điều gì có thể xảy ra trong tương lai”, vị chuyên gia dự báo.
Ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup phân tích, có một vấn đề đáng lưu ý trong nền kinh tế hiện nay đó là thanh khoản của hệ thống ngân hàng. Đến thời điểm hiện tại, thanh khoản hệ thống nhìn chung vẫn tốt ủng hộ cho việc giảm lãi suất thêm 1 - 2 lần nữa. Trong đó, có yếu tố lạm phát thấp, tỷ giá miễn nhiễm với việc giảm lãi suất và miễn nhiễm với việc lãi suất Việt Nam thấp hơn lãi suất tại Mỹ ở tất cả các kỳ hạn.
Như vậy lãi suất chính sách có tiền đề để giảm, nhưng muốn cắt giảm được lãi suất đầu ra thì còn phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, mà cụ thể là phụ thuộc vào thanh khoản của hệ thống.
“Nhìn vào thanh khoản kỳ hạn siêu ngắn (qua đêm) và kỳ hạn dưới một tháng sẽ thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng nhìn chung đang dư thừa nhẹ. Từ cuối tháng 5 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã bơm ra hệ thống khoảng 80.000 tỷ đồng thông qua thị trường mở (OMO) và sẽ còn tiếp tục bơm 30.000 - 40.000 tỷ đồng nữa trong khoảng thời gian ngắn tới.
Như vậy, thanh khoản sẽ tiếp tục nhận về khoảng 110.000 tỷ đồng, cộng với việc mua USD nên thanh khoản hệ thống ngân hàng sẽ không phải vấn đề mà vẫn có dư địa giảm được lãi suất”, ông Báu nói.
Tuy nhiên, lãi suất đầu ra hiện nay vẫn chưa đáp ứng được như cầu của doanh nghiệp. Theo vị CEO WiGroup, vấn đề nằm ở câu chuyện về huy động và tín dụng làm cho lãi suất không thể giảm sâu. Thứ nhất, mặc dù thanh khoản hệ thống ngân hàng đang dư thừa nhưng chỉ dư thừa trong ngắn hạn và đang ở vùng có thể xảy ra rủi ro nhạy cảm thiếu thanh khoản.
Thứ hai, nếu để ý sẽ thấy, tổng tín dụng vẫn đang vượt tổng huy động trong nền kinh tế và nếu lãi suất huy động giảm nữa sẽ làm cho tăng trưởng huy động không tăng trưởng mạnh, mà tăng trưởng tín dụng lại bứt lên, dẫn đến khoảng cách giữa huy động và tín dụng càng cao. Từ đó, làm cho các ngân hàng cho vay nhiều hơn huy động, hay nói cách khác bài toán thanh khoản vẫn chưa giải quyết được dứt điểm.
Trong bối cảnh thanh khoản ngắn hạn dư thừa, nhưng thanh khoản trung và dài hạn vẫn còn nhạy cảm và có thể xảy ra biến động, điều đó làm cho hệ thống ngân hàng chưa sẵn sàng để giảm mạnh lãi suất./.
Xem thêm: lmth.46002000042210202-taus-ial-hnam-maig-auhc-gnah-nagn-naohk-hnaht-mac-yahn/nv.semitaer