vĐồng tin tức tài chính 365

Bỏ 'biệt thự' đi tìm sinh kế

2023-06-08 07:11

KHÔNG MẶN MÀ TRÊN ĐẤT MỚI

Về khu tái định cư Anh Nhoi 2 (thôn Mang Hin, xã Sơn Long, H.Sơn Tây) ai cũng trầm trồ khen vẻ thơ mộng "riêng một góc trời" trên ngọn đồi thoai thoải. Trong khu tái định cư này, chúng tôi đi giữa những căn nhà đẹp như biệt thự thu nhỏ nhưng chỉ gặp lác đác vài người đàn ông, thanh niên. Nhiều ngôi nhà đẹp nhưng cửa đóng then cài, cỏ mọc bao quanh. Nhà sinh hoạt cộng đồng đã hư cổng, bên trong phân chim, phân dơi đầy sàn nhà xen lẫn những cửa kính vỡ, bàn ghế hỏng vương vãi khắp nơi.

Nghe tiếng nói lao xao phía sau một căn nhà, chúng tôi bước qua nhà bê tông để đi sâu vào căn bếp dựng bằng gỗ. Gặp chúng tôi, chị Đinh Thị Điêu (21 tuổi) cùng chồng là Hồ Văn Út (24 tuổi, người Kor, quê xã Trà Thanh, H.Trà Bồng, Quảng Ngãi) đang tay xách, nách mang chuẩn bị xuống bệnh viện ở TP.Quảng Ngãi để sinh nở.

Bỏ 'biệt thự' đi tìm sinh kế - Ảnh 1.

Khu tái định cư Anh Nhoi 2

P.ANH

Sau vài câu chuyện trò, chúng tôi thăm hỏi về chuyện sinh nở, chị Điêu chỉ vào căn phòng bê tông nóng hầm hập, không có quạt điện: "Đây là phòng mà mình và con sẽ về ở sau khi sinh. Biết là nóng lắm nhưng tiền đâu mà mua quạt điện".

Anh Út làm công nhân ở Khu công nghiệp VSHIP Quảng Ngãi, cách nhà khoảng 120 km, số tiền dành dụm chỉ đủ để đưa vợ đi sinh. Chị Điêu cho biết chủ những ngôi nhà tại khu tái định cư không có người ở đã đi làm thuê ở xa, có khi chiều tối về, nhưng có lúc 2 - 3 ngày, thậm chí cả tháng hoặc vài tháng mới về nhà, cũng có gia đình về làng cũ để sản xuất. Theo chị Điêu, ở khu tái định cư này chỉ có đất ở, chỉ làm được nhà, trồng mấy cây cau, chè, cây ổi, cây dứa… để ăn, còn lại không có đất sản xuất.

Ông Đinh Văn Hoa (59 tuổi, cha của chị Điêu) cho hay lúc ở làng cũ Ra Manh (xã Sơn Long), gia đình có mười mấy đám ruộng, đủ gạo ăn quanh năm. Nhà còn trồng hàng ngàn cây cau, kiếm mỗi năm hơn chục triệu đồng nên không phải đi làm thuê để sống. Khi nhận hơn 500 triệu đồng tiền đền bù thủy điện, ông Hoa cho con cái, còn hơn 300 triệu đồng trong tay. Đến nơi tái định cư để sống, do không có đất sản xuất, "ngồi ăn núi lở" nên khoản tiền có được cũng "cạn" qua năm tháng. Ở khu tái định cư không có việc làm mà gia đình ông Hoa lại hay đau nên cuộc sống càng khó khăn hơn.

Không riêng gì ông Hoa, gia đình ông Đinh Văn Thanh và vợ là Đinh Thị Đời ở gần đó cứ đau suốt. Không có tiền, ông Thanh bán cả căn nhà khu tái định cư được 55 triệu đồng để lấy tiền chữa bệnh cho vợ. Giờ vợ đã mất, nhà không còn, tiền cũng không, ông Thanh dựng tạm căn lều để ở, ngày ngày làm thuê, không có ai thuê thì về làng cũ sản xuất để sống qua ngày.

Bỏ 'biệt thự' đi tìm sinh kế - Ảnh 2.

Nhà sinh hoạt cộng đồng Anh Nhoi 2 bỏ hoang, hư hỏng bên trong

VỀ LÀNG CŨ

Theo chân anh Đinh Văn Dũng, cán bộ Văn phòng UBND xã Sơn Long, chúng tôi chạy xe máy về làng Ra Manh, nơi những hộ dân đã nhường đất cho thủy điện Đăkđrinh về sống ở khu tái định cư Anh Nhoi 2. Trong vùng hồ thủy điện, tại nhiều sườn núi có lác đác những căn chòi. Dọc theo bờ hồ thủy điện, có nhiều lồng bè nuôi cá, rớ cá. Theo anh Dũng, đó là nhà của bà con Ca Dong ở khu tái định cư Anh Nhoi 2 quay về dựng lên để ở, sản xuất.

Đến căn nhà gỗ nhỏ sát đường bê tông, phía bên kia là vực nhìn ra bờ hồ thủy điện, chúng tôi hỏi thì được biết đó là nhà của anh Đinh Văn Dũng (35 tuổi). Hiện anh Dũng đang mua lưới B40 chặn một đoạn xung quanh sườn đồi sát bờ hồ thủy điện, dự tính nuôi heo cho kịp bán Tết Nguyên đán 2024.

"Ở đây sướng hơn nhiều so với ở khu tái định cư. Cái rớ này đêm đêm kéo lên cũng kiếm đủ tiền ăn, còn xung quanh đây, đất rẫy nhiều, trồng cây, chăn nuôi đều tốt", anh Dũng nói.

Nhiều người dân cho biết nếu không quay về làng cũ, các hộ dân vùng tái định cư Anh Nhoi 2 phải kiếm sống rất khó khăn. Trong khi đó, 10 năm sống ở khu tái định cư, có một số người nhận rất nhiều tiền đền bù rồi chỉ biết chơi bời, không có việc làm lâu ngày thành trắng tay.

Bỏ 'biệt thự' đi tìm sinh kế - Ảnh 3.

Chị Đinh Thị Liên (30 tuổi) dắt con đi bộ về làng cũ để sản xuất

NHIỀU TRĂN TRỞ

Ông Trần Minh Việt, cán bộ địa chính UBND xã Sơn Long, cho biết toàn xã có hơn 150 hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện Đăkđrinh. Tuy nhiên, khi đưa ra lựa chọn, nhiều hộ chọn tái định cư tự do, còn vào khu tái định cư Anh Nhoi 2 có 33 hộ dân và hiện có hơn 80% người dân về ở.

Ông Việt cũng thừa nhận nhiều người dân đã quay về làng cũ mưu sinh, số còn lại đều không có đất sản xuất. "Hộ gia đình đi làm ăn 2 - 3 ngày về nhà, còn con cái thì vào ở tại trường bán trú, mỗi tuần về một lần", ông Việt nói.

Giải thích lý do vì sao người dân khu tái định cư không có đất sản xuất, ông Việt cho rằng ngày đền bù để giải phóng mặt bằng làm dự án thủy điện Đăkđrinh, bà con hầu như ai cũng đòi nhận đủ tiền một lần, không nhận đất đền bù mà dự án có ý định mua đất cho dân sản xuất. Nhiều năm nay, nhiều hộ dân có đất ở làng cũ thì quay về sản xuất, vài ba ngày về nhà một lần, số khác không còn đất thì đi tìm việc kiếm sống. Chính quyền xã nhiều lần kiến nghị nhưng vì không còn quỹ đất nên hiện chưa hỗ trợ được đất sản xuất cho dân. Vài năm trước, thủy điện Đăkđrinh có hỗ trợ xây dựng con đường bê tông từ khu dân cư Anh Nhoi 2 về làng cũ, tạo điều kiện cho người dân về nơi cũ sản xuất thuận tiện.

H.Sơn Tây có 3 khu tái định cư tập trung khi xây dựng dự án thủy điện Đăkđrinh, gồm: khu tái định cư thôn Nước Vương (xã Sơn Liên) có 25 hộ; khu Đăk Lang (xã Sơn Dung) 38 hộ và khu Anh Nhoi 2 có 33 hộ dân.

Theo ông Đinh Trường Giang, Phó chủ tịch UBND H.Sơn Tây, khi tái định cư cho dân, chính quyền địa phương cố gắng tìm nơi ở thuận lợi để hỗ trợ dân di dời đến nơi ở mới. Hằng năm, chính quyền nắm bắt tình hình đời sống của bà con để kịp thời hỗ trợ gạo, lương thực, thực phẩm, nhất là thời kỳ giáp hạt và tết Nguyên đán với hy vọng bà con vơi bớt khó khăn. Địa phương cũng huy động nguồn lực từ các dự án thủy điện đóng góp để hỗ trợ dân sinh, tạo điều kiện cho con em học ở các trường bán trú, nội trú để gia đình yên tâm mưu sinh. 

Dự án thủy điện Đăkđrinh do Công ty CP thủy điện Đăkđrinh xây dựng tại H.Sơn Tây. Thời gian thi công từ tháng 10.2007 - 10.2014. Theo thiết kế, nhà máy thủy điện Đăkđrinh có 2 tổ máy và trạm phân phối 110 kV, tổng công suất 125 MW, tổng mức đầu tư trên 4.000 tỉ đồng, được thực hiện theo hình thức BOO (xây dựng, quản lý và khai thác).

Diện tích chiếm đất của dự án khoảng 2.000 ha, trong đó diện tích ngập lòng hồ hơn 900 ha. Đây là dự án thủy điện có công suất lớn nhất trong quy hoạch bậc thang thủy điện sông Trà Khúc (Quảng Ngãi).

Xem thêm: mth.990219022706032581-ek-hnis-mit-id-uht-teib-ob/nv.neinhnaht

Comments:0 | Tags:No Tag

“Bỏ 'biệt thự' đi tìm sinh kế”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools