19 dự án chưa gửi hồ sơ đàm phán giá điện
Trong bối cảnh thiếu điện và phải cắt điện luân phiên, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương hướng dẫn về công tác đàm phán giá điện đối với các dự án điện gió, điện mặt trời thuộc diện nêu trên theo quy định, hoàn thành trong tháng 6/2023.
Chia sẻ thông tin về quá trình này, tại buổi trao đổi thông tin của Bộ Công thương về tình hình cung ứng điện ngày 7/6/2023, đại diện Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, cập nhật đến ngày 7/6/2023, đã có 66/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.691,861 MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện.
Trong đó, 56 dự án (tổng công suất 3.087,661MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 07/01/2023 của Bộ Công Thương).
EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng mua bán điện (PPA) với 51/56 dự án; trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 40 dự án .
“Có 10 dự án gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD), trong đó có 9 dự án/phần dự án với tổng công suất 472,62MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới”, đại diện EVN cho biết.
19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 25 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.
Như vậy, hiện vẫn còn 19 dự án với tổng công suất 1.042,7MW chưa gửi hồ sơ đàm phán.
Ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cung cấp một số thông tin liên quan đến tình hình cung ứng điện năm 2023 |
Điện mặt trời mái nhà tiếp tục chờ
Phát triển điện mặt trời mái nhà với mục đích tự dùng cho nhu cầu sử dụng tại chỗ của khách hàng sử dụng điện, không phát điện lên lưới là một trong những giải pháp cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn trong cung ứng điện năm 2023 và các năm tiếp theo.
Quy hoạch Điện 8 cũng nêu rõ: “Ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp”.
Trước câu hỏi đặt ra về việc Quy hoạch điện VIII có đưa mục tiêu phát triển điện mái nhà không phát điện lên lưới, EVN đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương hướng dẫn, nhưng tới nay Bộ Công thương chưa có câu trả lời, ông Phạm Nguyên Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và năng lượng tái tạo cho biết, việc phát triển điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản tự tiêu đã có đầy đủ các quy định về giấy phép, nhưng chỉ sau khi có Quy hoạch điện 8 thì mới có cơ sở để thực hiện. Hiện các đơn vị thuộc Bộ Công thương đang từng bước thực hiện theo quy định.
Thông tin thêm tại buổi trao đổi, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương cho biết, ngày 6/6, Thủ tướng đã ban hành công điện về thực hiện các giải pháp cung ứng điện mùa khô năm 2023, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã họp và phân công cụ thể trong từng đơn vị để triển khai chỉ đạo.
"Trong vài ngày tới theo thời hạn mà công điện nêu ra, bộ sẽ có báo cáo Thủ tướng và kế hoạch triển khai theo chỉ đạo" - ông Hòa nói và bày tỏ mong muốn khách hàng, người dân, doanh nghiệp chia sẻ với khó khăn về tình hình cung ứng điện hiện nay.